Phân loại nhãn hiệu

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 39 - 43)

Việc phân nhãn hiệu thành các dạng khác nhau, có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Thứ nhất, nó cho phép xác định đặc trưng của một loại nhãn hiệu mà thông qua đó ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận và ghi

nhớ nhãn hiệu của người tiêu dùng, tới khả năng đăng ký và được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đó. Thứ hai, nó ảnh hưởng tới việc xác định chế độ pháp lý đối với từng loại nhãn hiệu, phân biệt nhãn hiệu với các đối tượng khác của quyền SHCN như kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý [2]. Thực tế, có thể phân loại nhãn hiệu theo nhiều tiêu chí như:

* Theo hình thức, có các loại nhãn hiệu như: Nhãn hiệu từ ngữ; Nhãn hiệu chữ cái và số; Nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh; Nhãn hiệu hình khối; Nhãn hiệu kết hợp (chữ, hình, hình khối, số...); và nhãn hiệu đặc biệt (Nhãn hiệu âm thanh, mùi vị, ánh sáng...)

- Nhãn hiệu từ ngữ là nhãn hiệu mà trong thành phần của nhãn hiệu chứa đựng các dấu hiệu là từ ngữ, là sự kết hợp giữa các chữ cái tạo thành một từ có nghĩa hoặc được trình bày thành một cụm từ, một câu…sự kết hợp này có thể được trình bày dưới dạng thông thường hoặc dạng cách điệu. Có thể thấy, nhãn hiệu từ ngữ có khả năng được bảo hộ mạnh hơn so với các nhãn hiệu khác. Bởi các nhãn hiệu từ ngữ thường dễ cảm nhận, dễ ghi nhớ hơn thông qua thính giác, thị giác của người tiếp xúc. Thứ hai, việc tạo ra các nhãn hiệu từ ngữ là không hạn chế do khả năng sắp xếp kết hợp giữa các chữ cái thành các tổ hợp từ, cụm từ, câu. Thứ ba, việc đăng kỹ nhãn hiệu là từ ngữ, có thể thể hiện được nhiều hơn ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu cho các hàng hóa, dịch vụ mà mình cung ứng ra thị trường. Và cuối cùng, việc đăng ký nhãn hiệu là từ ngữ, còn có lợi thế lớn trong quá trình quảng cáo, đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường bằng các kênh thông tin khác nhau.

- Nhãn hiệu chữ cái và số: Loại nhãn hiệu này có thể là sự kết hợp của các chữ cái riêng lẻ, hoặc những con số, hoặc là sự kết hợp của cả phần chữ và phần số. Loại này cũng khá phổ biến trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Các thành phần này có thể được trình bày cách điệu thành các dòng khác nhau, hoặc được trình bày trên cùng một dòng, với kích cỡ như nhau, hoặc khác nhau, tùy theo ý tưởng của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo qui định

của pháp luật hiện hành, nhãn hiệu chữ cái phải bao gồm từ ba chữ cái trở lên, hoặc từ hai chữ cái, nhưng phải đọc được thành từ hoặc phải được trình bày cách điệu dưới dạng đồ họa, hoặc dạng đặc biệt khác. Ngoài ra, nếu nhãn hiệu là sự sắp xếp, kết hợp của một dãy dài các ký tự hoặc các từ ngữ không thể nhận biết, hoặc ghi nhớ được thì cũng không có khả năng phân biệt, do đó cũng không thể đăng ký làm nhãn hiệu.

- Nhãn hiệu là hình vẽ, hình ảnh: là những nhãn hiệu mà chủ yếu được cảm nhận thông qua thị giác, và được trình bày theo chiều hướng nghệ thuật. Loại nhãn hiệu này, có thể là hình vẽ của các con vật, đồ vật được tiếp xúc hàng ngày, hoặc là hình ảnh được trình bày trên mặt phẳng, là sự kết hợp của các đường nét, màu sắc… loại này cũng khá phổ biến, và có ưu thế lớn trong việc quảng cáo hướng tới người tiêu dùng.

- Nhãn hiệu hình khối: là nhãn hiệu được hình thành thông qua việc kết hợp các đường nét, màu sắc trên không gian 3 chiều. Loại nhãn hiệu này, cũng có tính phân biệt tương đối cao. Điển hình cho loại nhãn hiệu này có thể thấy như hình dáng chai "COCA-COLA" của Công ty Coca - cola, hình ngôi sao 3 cánh nổi trong vòng tròn của MERCEDES.

- Nhãn hiệu kết hợp: là nhãn hiệu được tạo ra trên cơ sở kết hợp giữa các yếu tố về từ ngữ, chữ cái, chữ số và các yếu tố hình ảnh, hình khối. Thông thường, nhãn hiệu kết hợp được tạo ra từ phần từ ngữ và phần hình ảnh, trong đó phần hình ảnh và phần từ ngữ thường minh họa lẫn cho nhau, có tác dụng bổ trợ nhau, tạo nên khả năng phân biệt cho nhãn hiệu. Theo như hướng dẫn tại mục 39.6 Thông tư 01 - 2007, một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể là các trường hợp sau:

+ Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;

+ Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu

hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;

+ Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;

+ Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng.

- Nhãn hiệu đặc biệt: là các nhãn hiệu như âm thanh, mùi vị, ánh sáng. Nếu các nhãn hiệu từ ngữ, hình ảnh thông thường thường được cảm nhận thông qua thính giác và thị giác của con người, thì các nhãn hiệu đặc biệt lại được cảm nhận bằng các giác quan khác như thính giác, vị giác, khứu giác. Hiện tại, theo qui định của pháp luật Việt Nam, các loại nhãn hiệu này chưa được chấp nhận bảo hộ.

* Theo mức độ nổi tiếng

Theo mức độ nổi tiếng có nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu nổi tiếng: - Nhãn hiệu thông thường là loại nhãn hiệu được bảo hộ và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, và có số lượng người tiêu dùng biết đến hạn chế hơn, có thể chỉ tính trong phạm vi ngành nghề, hoặc trong lĩnh vực nhất định.

- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

* Theo số lượng chủ thể của nhãn hiệu

Theo số lượng chủ thể của nhãn hiệu có nhãn hiệu cá nhân, nhãn hiệu tập thể:

- Nhãn hiệu cá nhân: là nhãn hiệu do cá nhân làm chủ sở hữu. Khái niệm cá nhân được hiểu theo nghĩa rộng, có thể bao gồm các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể...

- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập thể, là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

* Theo tính chất của nhãn hiệu

Theo tính chất của nhãn hiệu có nhãn hiệu thường, nhãn hiệu liên kết, NHCN.

- Nhãn hiệu thường: là nhãn hiệu do một chủ thể đăng ký, dùng để phân biệt hàng hóa dịch vụ của chủ thể này với chủ thể khác.

- Nhãn hiệu liên kết: là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau

- Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 39 - 43)