Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật SHTT 2005 quy định: "Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó" [30].
Có thể thấy, NHCN và nhãn hiệu tập thể có khá nhiều điểm tương đồng nhau:
Thứ nhất, chúng đều là nhãn hiệu được nhiều chủ thể sản xuất, kinh doanh cùng sử dụng khi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng tiêu chuẩn chung đã thống nhất hoặc được quy định.
Thứ hai, những nhãn hiệu này có chứa đựng các dấu hiệu mang tính chất mô tả (như xuất xứ địa lý, chất lượng, phương thức sản xuất…).
Thứ ba: Hồ sơ đăng kí bảo hộ hai loại nhãn hiệu này đều phải bao gồm bản Quy chế sử dụng. Bản quy chế sử dụng này do những chủ thể có thẩm quyền trong việc đăng ký NHCN, nhãn hiệu tập thể xây dựng dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương.
Song, hai loại nhãn hiệu này cũng có những khác biệt đáng kể, qua đó thể hiện rõ hơn chức năng cũng như ý nghĩa của từng loại:
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu do các tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính…của hàng hóa, dịch vụ đăng ký, sau đó tổ chức này có quyền cấp phép sử dụng cho bất kỳ chủ thể sản xuất, kinh doanh nào nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng các tiêu chuẩn do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhân đặt ra. Còn nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu của một tập thể các nhà sản xuất (thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty…) tập thể này xây dựng quy chế chung về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể và các thành viên có quyền sử dụng nhãn hiệu nếu hàng hóa, dịch vụ của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. Quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể tùy từng trường hợp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp cho tập thể đó.
Sự khác biệt chủ yếu giữa NHCN và nhãn hiệu tập thể thể hiện ở một số đặc điểm sau:
* Về chủ sở hữu
- Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là một tập thể các nhà sản xuất (thường là một hiệp hội, hợp tác xã, tổng công ty…). Quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể tùy từng trường hợp có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đại diện hợp pháp cho tập thể đó.
- Chủ sở hữu NHCN là một tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính…của hàng hóa, dịch vụ đăng ký.
* Về đối tượng sử dụng nhãn hiệu
- Nhãn hiệu tập thể: Quyền sử dụng nhãn hiệu thuộc về các thành viên của tổ chức tập thể đó. Những người sử dụng nhãn hiệu tập thể hình thành một "câu lạc bộ" khép kín, đóng cửa bị giới hạn bởi số thành viên.
- Nhãn hiệu chứng nhận: Quyền sử dụng thuộc về bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được các tiêu chuẩn định sẵn. Như vậy, ở NHCN người ta thực hiện chính sách mở cửa, ai cũng có thể sử dụng miễn là đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định, và do đó, số lượng
thành viên không bị hạn chế.
* Ngoài ra, các quy định về hai loại nhãn hiệu này trong pháp luật SHTT thế giới và của nhiều nước cũng khác nhau
- Nhãn hiệu tập thể được quy định trong pháp luật về SHTT của nhiều nước và trong các điều ước quốc tế điển hình là tại Điều 7bis Công ước Pari.
- Nhãn hiệu chứng nhận hầu như không được đề cập đến trong các điều ước quốc tế, kể cả Hiệp định TRIPs.