Năng lực tài chính

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đa dạng hóa kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đến năm 2020 (Trang 33 - 34)

- Khả năng cạnh tranh của ngân hàng thương mạ

1.3.1.Năng lực tài chính

Năng lực tài chính của ngân hàng thương mại chính là khả năng tài chính để ngân hàng thực hiện và phát triển các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả. Năng lực tài chính của một ngân hàng chính là việc dùng khả năng tài chính để tạo ra lợi nhuận ổn định và đạt cao hơn các đối thủ khác hoặc cao hơn mức bình quân của ngành, hoạt động an toàn và đạt được vị thế tốt hơn trên thương trường. Vì hoạt động của ngân hàng thương mại gồm: Huy động vốn, tín dụng, đầu tư, hoạt động thanh toán nên năng lực tài chính của ngân hàng thương mại được thể hiện ở hiệu quả hoạt động kinh doanh trong các mặt hoạt động trên. Các chỉ tiêu đánh giá năng lực tài chính của ngân hàng thương mại gồm có:

- Vốn chủ sở hữu: Vốn chủ sở hữu của ngân hàng thương mại là toàn bộ nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ ngân hàng, của các thành viên trong đối tác liên doanh hoặc các cổ đông trong ngân hàng, kinh phí quản lý do các đơn vị trực thuộc nộp lên,…. Vốn chủ sở hữu thể hiện khả năng tài chính, năng lực hoạt động của một ngân hàng. Nguồn vốn này ảnh hưởng tới quy mô mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng như quy mô hoạt động của ngân hàng thương mại: Khả năng huy động vốn, khả năng mở rộng tín dụng, dịch vụ, khả năng đầu tư tài chính, trình độ trang bị công nghệ.

- Quy mô và chất lượng tài sản: Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngân hàng thương mại. Ngân hàng kinh doanh tiền tệ dưới hình thức huy động, cho vay và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Vì vậy để tăng trưởng tổng tài sản sẽ không chỉ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của tài sản có mà còn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của tài sản nợ của ngân hàng.

- Khả năng sinh lời: Khả năng sinh lời phản ánh kết quả hoạt động, đánh giá hiệu quả kinh doanh và mức độ phát triển của một ngân hàng thương mại. Đứng

trên góc độ từ ngân hàng thương mại, thì một ngân hàng thương mại có khả năng sinh lời cao sẽ có khả năng tích luỹ cao, sẽ có điều kiện trang bị, đầu tư công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách hàng; mặt khác đứng trên góc độ nhà đầu tư, người gửi tiền sẽ quyết định giao dịch khi nhìn thấy ngân hàng thương mại đó có thể an toàn do có thể bù đắp rủi ro, từ đó tạo điều kiện tăng trưởng tổng tài sản.

- Đảm bảo khả năng thanh khoản: Khả năng thanh khoản của một ngân hàng là khả năng sẵn sàng chi trả, thanh toán cho khách hàng và bù đắp những tổn thất khi xảy ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Đây là một tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá chất lượng và sự an toàn trong quá trình hoạt động của một ngân hàng.

Năng lực tài chính là yếu tố quyết định tới khả năng thực hiện đa dạng hóa kinh doanh của ngân hàng thương mại. Một ngân hàng có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào, với quy mô và chất lượng tài sản tốt sẽ có nguồn tài chính đủ để ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nghiên cứu và triển khai các sản phẩm dịch vụ mới, mở rộng mạng lưới hoạt động. Khả năng sinh lời cao tạo điều kiện tăng nguồn tích lũy nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng và đổi mới công nghệ theo hướng ngày càng tiên tiến. Ngoài ra, khi tiến hành đa dạng hóa kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, khả năng thanh khoản tốt góp phần đảm bảo nguồn dự phòng rủi ro và bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình vận hành. Do đó, tăng cường năng lực tài chính vững mạnh là điều kiện quan trọng hàng đầu đối với ngân hàng thương mại trong chiến lược đa dạng hóa kinh doanh.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đa dạng hóa kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đến năm 2020 (Trang 33 - 34)