Nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đa dạng hóa kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đến năm 2020 (Trang 35 - 37)

- Khả năng cạnh tranh của ngân hàng thương mạ

1.3.3. Nguồn nhân lực

Ngân hàng là một dạng tổ chức đặc thù của nền kinh tế thị trường. Hiệu quả kinh doanh và phát triển của nó phụ thuộc rất lớn vào qui mô hoạt động và các nguồn lực của ngân hàng. Trong mỗi giai đoạn phát triển, vai trò và tầm quan trọng của các nguồn lực là khác nhau. Trong thời kỳ đầu, nguồn vốn vật chất, công nghệ quyết định khả năng cạnh tranh và cung ứng sản phẩm của ngân hàng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế trí thức và xu thế hội nhập hiện nay, yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh và tồn tại của ngân hàng là chất lượng của nguồn nhân lực. Đây là tác nhân chính tham gia quá trình quản lý và vận hành, đề xuất những ý tưởng mới, đồng thời cũng đảm nhận vai trò lựa chọn và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Đồng thời, chất lượng nguồn nhân lực tốt cũng góp phần giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, trong đa dạng hóa kinh doanh của ngân hàng thương mại, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng tốt là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Yêu cầu đối với

nguồn nhân lực cần đáp ứng gồm có:

- Có tri thức chuyên sâu ở lĩnh vực chuyên trách và có kiến thức rộng về các lĩnh vực khác của kinh tế học trên mặt bằng tri thức hiện tại. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với tất cả nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và hoạch định chính sách của ngân hàng thương mại. Ảnh hưởng tác động của các chính sách về tiền tệ và ngân hàng vào đời sống kinh tế rất nhanh và có hiệu ứng lan truyền, gây kích thích hoặc cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế. Các chính sách về lĩnh vực tiền tệ không chỉ cần phù hợp với điều kiện cục bộ, ngắn hạn mà phải có tính ổn định dài hạn trong tầm vĩ mô. Điều đó đòi hỏi người nghiên cứu, người hoạch định chính sách phải thực sự làm chủ những tri thức đã có và luôn hướng tới tri thức mới toàn cầu.

- Có khả năng làm việc với công nghệ hiện đại, có khả năng hoạt động sáng tạo và phát triển trình độ chuyên môn, kỹ năng trong lao động, thao tác thành thạo nghiệp vụ theo chuyên ngành đã được đào tạo. Trong hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, công nghệ thông tin viễn thông được áp dụng đặc biệt rộng rãi ở mọi cấp với mức độ khác nhau. Sự liên thông của hệ thống không còn tính theo ngày tháng mà theo từng giây, phút và độ nhạy cảm của hệ thống có mức độ cao hơn rất nhiều so với thời kỳ ngân hàng ghi sổ. Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với người tác nghiệp, phải có đủ trình độ về nghiệp vụ, ngoại ngữ và chủ động trong công việc thì mới làm chủ được công nghệ, hoàn thành tốt công việc được giao.

- Có khả năng thích ứng và tính linh hoạt cao, để có khả năng thích ứng tốt với những dịch vụ và công nghệ phức tạp, luôn thay đổi. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực là phải không ngừng phát triển bản lĩnh nghề nghiệp cho người lao động, phát triển khả năng thích ứng và linh hoạt của nguồn nhân lực.

- Có khả năng sáng tạo tri thức mới. Các hoạt động trong đa số nghiệp vụ ngân hàng và thị trường tài chính hiện đại là hoạt động có tính trí tuệ cao, sử dụng nhiều

hàm lượng chất xám. Trong nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay các ngân hàng không chỉ dựa vào nghiệp vụ tín dụng truyền thống, những công cụ thủ công để cạnh tranh mà họ thường sử dụng và phát triển ra các dịch vụ mới, sản phẩm mới, tìm ra "ngách" thị trường để đầu tư kinh doanh.

Yêu cầu về khả năng sáng tạo là yêu cầu cao nhất đối với nguồn nhân lực. Tính sáng tạo của nguồn nhân lực phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trình độ hiện có, môi trường làm việc, điều kiện vật chất và tài chính, sự quan tâm đến công việc, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, mong muốn tự khẳng định mình và môi trường kinh tế - xã hội,…

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đa dạng hóa kinh doanh của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đến năm 2020 (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(116 trang)
w