Những bất lợi, điểm yếu của Hậu Giang

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Hậu giang theo hướng cạnh tranh giai đoạn (Trang 81 - 85)

- Khoa học và Công nghệ (Technology): sự phát triển của khoa học

a. KV kinh tế trong nước

3.8.1.2 Những bất lợi, điểm yếu của Hậu Giang

Một là, tài nguyên khoáng sản không phong phú, không đa dạng, trữ lượng không lớn, không có những khoáng sản quý, hiếm để tạo lợi thế ban đầu cho tăng trưởng chiều rộng và chiều sâu.

Khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bao gồm: cát, nước khoáng, đất sét, than bùn. Cát dùng cho việc san lấp các mặt bằng xây dựng, phân bố trên đoạn sông Hậu dài khoảng 8km, trữ lượng khoảng 2,5-3 triệu m3, sản lượng khai thác hiện nay là 100.000 m3/năm. Nước khoáng phân bố ở khu vực thị trấn Long Mỹ, trữ lượng không lớn. Đất sét chủ yếu làm vật liệu xây dựng như gạch, ngói tập trung ở Hòa An, huyện Phụng Hiệp và thị trấn Long Mỹ. Than bùn ở một số khu vực tại huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, trữ lượng chưa được đánh giá cụ thể.

Hai là, Hậu Giang có tiềm năng về số lượng lao động nhưng chất lượng lao động chưa cao, tác phong làm việc theo công nghiệp chưa tốt, vẫn chủ yếu đang ở trong nông nghiệp, nông thôn, do đó hiệu quả sử dụng chưa tối ưu, còn lãng phí lớn.

Năm 2010, lao động làm việc trong khu vực I (nông-lâm-thủy sản) còn khá lớn, chiếm 67,2% số lao động. Đây là biểu hiện của nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu và bản thân nông nghiệp chưa được hiện đại hóa. Trong khi đó, tỷ trọng lao động phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ) còn quá thấp, chỉ đạt 32,8% tổng số lao động. Một tỉnh có trình độ phát triển cao, tỷ trọng lao động phi nông nghiệp phải đạt khoảng 75% tổng số lao động. Khoảng cách này còn khá xa đối với Hậu Giang. Các huyện có lực lượng lao động tập trung đông, chiếm tỷ trọng lớn đều là các huyện có dân số và lao động nông nghiệp đông như: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy. TP. Vị Thanh, TX. Ngã Bảy; công nghiệp và dịch vụ có phát triển nhưng quy mô còn nhỏ nên cũng chưa thu hút được lao động. Năm 2010, tổng số lao động qua đào tạo khoảng 75.295 người, nếu so với lao động trong tuổi lao động chỉ chiếm khoảng 14,8% và so với lao động làm việc là 17,7%. Cụ thể: số lao động có bằng cấp, chứng chỉ dưới các hình thức đào tạo khác nhau có khoảng 26.349 người, chiếm tỷ trọng cao nhất trong số lao động được đào tạo là 35%; số lao động học qua các trường trung học chuyên nghiệp chỉ khoảng 24.090 người, nhiều thứ hai sau số lao động có chứng chỉ, chiếm 32%; số lao động qua đào tạo cao đẳng chỉ có 16.561 người, chiếm 22% số lao động qua đào tạo; còn lại lao động đại học và trên đại học khoảng 8.295 người, chiếm 11% lực lượng lao động qua đào tạo.

Năm 2011, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành KTQD của tỉnh đạt 427.916 người, số lao động được tạo việc làm trong năm đạt 24.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động đạt 24%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thị trường lao động của tỉnh, nhất là trong điều kiện toàn cấu hóa.

Ba là, Hậu Giang chủ yếu vẫn dựa trên ngành nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nhỏ phục vụ nhu cầu từng vùng. Những ngành mới có sức cạnh tranh cao chưa mạnh, nhất là lĩnh vực liên quan đến công nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng, kể cả chế biến lương thực và thủy sản.

Bốn là, số doanh nghiệp nhiều, song trình độ kỹ thuật công nghệ chưa hiện đại, qui mô nhỏ, khả năng cạnh tranh mạnh về chất lượng sản phẩm, về công nghệ, về lao động chưa cao. Kết quả điều tra các doanh nghiệp trên địa bàn Hậu Giang ghi nhận năng lực cạnh tranh chung cho các yếu tố ở mức trung bình từ 2,5-3,0 so với doanh nghiệp trong vùng Tây Nam Bộ với thang đo Likert 5 mức độ theo quy ước từ 1: rất thấp,... 5: rất cao. Trong đó cần lưu ý vấn đề tiếp cận nguồn vốn mới có phần còn hạn chế so với các yếu tố khác (trung bình 3,12).

Quy mô hiện tại và lợi thế địa phương cho thấy trong tương lai gần, các doanh nghiệp trên địa bàn không có sự thay đổi lớn từ: ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cho đến quy mô cùng với thị trường hoạt động (ngoài tỉnh) mặc dù đánh giá chung chính sách quản lý kinh tế của tỉnh Hậu Giang tạo ra khá thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động. Sản xuất công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng nội địa không cao. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP và kim ngạch xuất khẩu đều là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động còn bất hợp lý; hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp; chưa thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động của tỉnh so với ĐBSCL, trong nước và thế giới.

Năm là, Hậu Giang là tỉnh có lợi thế về du lịch, song du lịch Hậu Giang phát triển chậm, đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu tư nhân quy mô nhỏ. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch thiếu thốn, không đáp ứng được việc phục vụ đối với các đoàn khách có số lượng lớn, số phòng, giường chất lượng cao phục vụ khách quốc tế có rất ít. Loại hình của các cơ sở lưu trú không đa dạng, không đáp ứng được đa nhu cầu của du khách. Cơ sở lưu trú còn rất hạn chế, dịch vụ đi kèm thiếu đồng bộ cả về chất lượng và số lượng

Sáu là, trục giao thông chỉ nằm ở vùng phía Bắc và phía Tây của tỉnh, trong đó phần quốc lộ 1A và sông Hậu đi qua địa bàn tỉnh rất ngắn. Nhiều trục giao thông như quốc lộ 61, 61B và kênh Nàng Mau, Quản Lộ-Phụng Hiệp,… chưa phát triển tương xứng của quá trình giao lưu. Các trục giao lưu kinh tế đang phát triển mạnh như quốc lộ 1A, sông Hậu, kênh Xà No chỉ nằm ở vùng rìa phía Bắc và phía Tây của tỉnh, trong đó, phần quốc lộ 1A và sông Hậu đi qua địa bàn rất ngắn; Trục Quản lộ-Phụng Hiệp, đường Vị Thanh-Cần Thơ đã thông xe, nhưng qui mô còn nhỏ. Các trục hành lang ven biển Tây (quốc lộ 63, đường Hồ Chí Minh, hành lang ven biển) đi sát địa bàn tỉnh hiện chưa được nâng cấp hoặc xây dựng mới.

Để khắc phục bất lợi này, Hậu Giang phải tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các trục trung tâm và các trục nối thông với hành lang ven biển Tây, các hoạt động giao lưu kinh tế từ các vùng khác qua địa bàn tỉnh Hậu Giang chủ yếu chỉ diễn ra tại vùng ngoại vi phía Bắc và phía Tây, tạo nên chênh lệch phát triển giữa vùng ngoại vi với vùng trung tâm.

Bảy là, nguồn thu từ ngân sách địa phương chưa đủ để đầu tư cho phát triển, nguồn trợ cấp từ trung ương còn cao. Trong cơ cấu thu ngân sách, lớn nhất là phần thu từ kinh tế địa phương, chiếm từ 40,0%-53,8% tổng thu, các khoản này bao gồm: thu từ kinh tế nhà nước do địa phương quản lý, thuế tiêu thụ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập, thuế khác và các khoản thu khác. Phần trợ cấp từ trung ương còn cao, năm 2010 khoảng 59,1% tổng thu, tỷ trọng này có xu hướng giảm chậm, điều này cho thấy nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là rất khó khăn. Thu từ kinh tế trung ương địa bàn khoảng 0,9% cho thấy kinh tế của các Bộ, ngành trung ương chưa phát triển trên địa bàn tỉnh. Phần thuế từ kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài rất thấp không đáng kể, trong tương lai phần thu này có thể được tăng lên. Cơ cấu thu trên địa bàn cho thấy, phần kinh tế trung ương trên địa bàn và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp, cần phải tìm mọi giải pháp để đầy mạnh thu hút nhanh vốn đầu tư của các doanh nghiệp từ ngoài Hậu Giang, của trung ương và của nước ngoài.

Tám là, giá trị xuất khẩu thấp, chủ yếu là nông sản và thủy sản chất lượng còn thấp, chưa thể xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm đã có thương hiệu của địa phương. Xuất khẩu hàng hóa tăng, nhưng thu nhập hộ không tăng tương xứng; đầu tư sản xuất nông nghiệp và nông thôn còn thiếu, yếu và không đồng bộ; khoảng cách giàu- nghèo ngày càng gia tăng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Hậu giang theo hướng cạnh tranh giai đoạn (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w