CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA
2.2. KTNN trong quản lý nợ công
2.2.5.2. Đánh giá, kiến nghị quản lý nợ công
Thông qua hoạt động kiểm toán nợ công đối với cơ quan quản lý nợ, các đơn vị, tổ chức sử dụng nợ vay, KTNN cho ý kiến về tính đúng đắn, trung thực đối với việc quản lý nợ công, xác nhận tính trung thực của thông tin trên báo cáo nợ công do các cơ quan quản lý nợ lập theo định kỳ và đột xuất, xác định mức nợ công và tỷ lệ nợ công so với GDP, so với thu NSNN. Sự công khai hoá cũng có thể tạo ra kênh thông tin giúp các chuyên gia phân tích, dự báo các vấn đề tiềm ẩn trong mối liên hệ với các chính sách tiền tệ, tài khoá và tình hình thực tế của môi trường kinh tế vĩ mô trước khi xảy ra khủng hoảng.
Bằng việc cung cấp thông tin xác thực, tin cậy về nợ công cho cơ quan lập pháp, cho công chúng để có thể kiểm soát tình hình vay nợ một cách tốt nhất, Cơ quan KTNN cũng đánh giá việc thực hiện rà soát nợ Chính phủ, nợ quốc gia, hạn chế nợ dự phòng; đánh giá giới hạn an toàn nợ công theo yêu cầu của Quốc hội. Khi đó, KTNN có thể sử dụng một số chỉ tiêu đánh giá tình trạng nợ công nói chung của một Chính phủ như: tỷ lệ nợ/GDP, nợ/xuất khẩu, nợ/tổng thu ngân sách, cơ cấu nợ trong nước, ngoài nước, nợ Chính phủ bảo lãnh... để xác định mức trả nợ hàng năm và đánh giá việc tạo nguồn và sử dụng quỹ tích luỹ trả nợ nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại hoặc nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ.
Với những đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực của việc quản lý nợ công đối với từng dự án sử dụng vốn vay cụ thể, KTNN có thể kiểm toán đánh giá tiến độ giải ngân nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả các khoản vay nợ. Thông qua việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm (hoặc kiểm toán theo yêu cầu của các nhà tài trợ, các cam kết trong Hiệp định của các Chính phủ...), đặc biệt là các công trình có sử dụng vốn ODA, các công trình sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, KTNN có thể chỉ ra việc không tuân thủ mục tiêu vay nợ, phân bổ vốn vay dàn trải và sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả hoặc giải ngân vốn chậm, cũng có thể là huy động vốn nhiều hơn so với yêu cầu. KTNN có thể phân tích, đánh giá để kiến nghị điều chỉnh, củng cố các biện pháp kiểm soát trong quản lý nợ công hoặc đưa ra các thông tin giúp Quốc hội, Chính phủ kiểm soát nợ công. Từ đó, cơ quan KTNN đưa ra các khuyến cáo về vay nợ trong những năm tiếp theo nhằm cảnh báo các rủi ro có thể phát sinh ở tầm vĩ mô.
Khi thực hiện kiểm toán nợ công, KTNN cũng kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng nợ công, chỉ ra những vi phạm các nguyên tắc về tính tuân thủ pháp luật, tính hiệu quả, tiết kiệm trong việc quản lý và sử dụng nợ công, chỉ ra các sai lệch so với chuẩn mực được chấp nhận, phơi bày các sai trái so với quy định của pháp luật, đặc biệt là chỉ ra những trường hợp cụ thể về việc không tuân thủ mục tiêu vay nợ, phân bổ vốn vay dàn trải và sử dụng vốn không đúng mục đích, quyết toán sai quy định, không hiệu quả hoặc giải ngân vốn chậm, cũng có thể là huy động vốn nhiều hơn so với yêu cầu. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật. Trong một số trường hợp những xa rời của hoạt động quản lý so với các quy định của pháp luật còn bị bắt buộc phải sửa chữa, khắc phục, đền bù thiệt hại thậm chí bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. Và thông qua đó hiệu lực pháp luật nói chung và pháp luật về nợ công nói riêng càng được nâng cao. Thực hiện vai trò này, cơ quan KTNN như là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn, luôn có ý kiến nhằm chuyển tải các quy định mang tính lý luận ngày càng gần hơn so với thực tiễn đồng thời, cũng có tính răn đe, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm toán quản lý nợ công, KTNN sẽ phát hiện các lỗ hổng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật cũng là một nội dung quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý nợ công. Vì cơ chế điều chỉnh pháp luật có thể xem là một yếu tố cơ bản thuộc nội dung của cơ chế quản lý nhà nước. Mục đích cuối cùng của việc phát hiện thiếu sót trong cơ chế điều chỉnh pháp luật là tìm ra được những quy phạm pháp luật mà nội dung của nó phản ánh không đúng đắn chức năng điều chỉnh hành vi của con người. Tức là, phát hiện những chuẩn mực, những mô hình của hành vi mà cơ quan lập pháp thể hiện không đầy đủ, không chính xác.
Kiến nghị kiểm toán của KTNN không chỉ tư vấn cho cơ quan lập pháp trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về nợ công mà còn phát hiện ra những điểm hạn chế, chưa phù hợp thực tiễn của hệ thống pháp luật về nợ công. Nhất là những nước đang trong quá trình phát triển, hệ thống pháp luật đang được hoàn thiện thì đây là hoạt động rất quan trọng để hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý kinh tế, tài chính trong đó có nợ công. Khi phát hiện những điểm chưa phù hợp với thực tế của pháp luật về nợ công, KTNN sẽ đưa ra các khuyến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để hệ thống pháp luật về nợ công phù hợp hơn so với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tế của quốc gia. Với vị trí và chức năng của mình trong hệ thống chính trị, KTNN có lợi thế khi thường xuyên tham gia với Quốc hội trong việc quyết định các
chính sách về tài chính ngân sách, trong việc ban hành các văn bản pháp luật về quản lý nợ công. Trong quyết định các chính sách về tài chính ngân sách của quốc gia, cơ quan KTNN với kinh nghiệm chuyên môn, tư vấn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để quyết định chính xác, đảm bảo tính khả thi. Vấn đề này được nhiều nước trên thế giới sử dụng một cách có hiệu quả như Trung Quốc, Malaysia, Đức, Pháp, áo... Các kiến nghị của KTNN nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa các chính sách nợ với các chính sách tiền tệ và tài chính: Các cơ quan quản lý nợ, các cố vấn chính sách tài chính, và ngân hàng trung ương phải cùng chia sẻ các mục tiêu, các biện pháp, rủi ro trong quản lý nợ và các chính sách tài chính - tiền tệ trong sự kết hợp giữa các công cụ chính sách khác nhau. Các kiến nghị kiểm toán nợ công giúp cho việc làm rõ và tăng cường vai trò, trách nhiệm, mục tiêu và sự thống nhất của các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nợ, nhất là trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đối với việc tham mưu chính sách quản lý nợ, phát hành trái phiếu, dàn xếp trên thị trường thứ cấp, tổ chức thanh toán, bù trừ, phân bổ nguồn vốn vay…
Với vai trò này, KTNN đánh giá và đưa ra ý kiến đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong chính sách, pháp luật, đồng thời buộc các cơ quan có thẩm quyền xử lý, trừng trị những hành vi vi phạm pháp luật, chính sách của đơn vị được kiểm toán.