CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA
2.3. Kinh nghiệm nước ngoài về vai trò của KTNN trong quản lý nợ công
2.3.1. Kinh nghiệm của Hy Lạp
Tình hình nợ công của Hy Lạp: Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp. Doanh thu ngành Du lịch và vận tải biển- hai ngành công nghiệp chủ chốt của Hy Lạp sụt giảm trên 15% vào năm 2009. Kinh tế Hy Lạp lâm vào cảnh khó khăn. Các nguồn thu thuế, phí… để tài trợ cho ngân sách bị thu hẹp trong khi Chính phủ vẫn phải tăng cường chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng đã đẩy nợ công đến con số khổng lồ.
Đến năm 2010, báo cáo của OECD cho thấy con số nợ công của Hy Lạp đã lên tới 320 tỷ Euro, tương đương với 175% GDP năm 2014. Mặc dù Hy Lạp có thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhưng con số nợ đến năm 2012 vẫn lên đến 172% GDP. Ngoài ra, do kinh tế đã lún sâu vào suy thoái , mặc dù đã cam kết những chính sách khắc khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách nhưng con số này 8 tháng đầu năm 2011 đã lên tới 18,1 tỷ Euro. Như vậy, Hy Lạp đang cùng lúc phải đối diện với những vấn đề
nan giải: nợ công quá cao (172% GDP), thâm hụt ngân sách quá lớn 13,6% năm 2010, năm 2011 là 9,1% và năm 2012 là 5,4% ) và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai lớn (trung bình khoảng 9% GDP)
Việc ngụy tạo các số liệu kinh tế nhằm che dấu thực trạng kinh tế đất nước đã khiến uy tín của Chính phủ Hy Lạp bị sụt giảm nặng nề. Cả ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất Thế giới đều đã hạ mức xếp hạng của Hy Lạp xuống mức gần thấp nhất trong thang điểm đánh giá tín nhiệm đồng thời cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của quốc gia này là rất cao. Lợi suất trái phiếu Chính phủ của Hy Lạp kỳ hạn 2 năm đã tăng lên đến 60% trong khi kỳ hạn 1 năm đã vượt 110%. Điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp gặp nhiều khó khăn trong việc huy động thêm vốn từ thị trường vốn quốc tế mà chỉ có thể trông chờ vào các khoản cứu trợ đặc biệt từ IMF, ECB hay một số quốc gia khác.
Hy Lạp đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Nền kinh tế nước này được cho là tiếp tục sụt giảm 4,5% trong năm 2013 với nợ công gia tăng lên mức 189% GDP, gần gấp đôi sản lượng quốc gia Hy Lạp.
Lịch sử hình thành: Tòa thẩm kế Hellenic Hylạp (Greece Hellenic Court of Audit- GHCA) được thành lập vào ngày 27/9/1833 dựa trên mô hình của Tòa thẩm kế Pháp (French Cour des Comptes). Mô hình Tòa thẩm kế về cơ bản cũng giống chức năng của các cơ quan kiểm toán tối cao SAI tuy nhiên, có một số điểm khác biệt. Hệ thống tư pháp Hy Lạp bao gồm các tòa án dân sự, hình sự và hành chính cộng với Tòa kiểm toán (GHCA). Như vậy, GHCA được phân loại như một tòa án công khai tài chính tối cao, có chức năng xét xử và phán quyết các sai phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và hưu trí công cộng.
Chức năng, nhiệm vụ: Được quy định rõ trong Điều 98 Hiến pháp năm 1975, GHCA chịu trách nhiệm:
+ Kiểm toán các khoản chi tiêu của Nhà nước và địa phương;
+ Kiểm toán các tài khoản của cá nhân, tổ chức và các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương;
+ Kiểm toán và báo cáo Quốc hội về các báo cáo tài chính thường niên của Chính phủ;
+ Cung cấp ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng luật điều chỉnh lương hưu, phúc lợi hay bất cứ vấn đề nào có liên quan đến thu chi ngân sách nhà nước;
+ Xét xử các vụ tranh chấp phát sinh từ các khoản tài trợ hưu trí, các trường hợp sai phạm gây ra cho ngân sách nhà nước liên quan đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và các cơ quan của Chính phủ.
Vai trò của GHCA trong quản lý nợ công:
Mặc dù vai trò của GHCA được quy định tương đối rõ trong Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ của nó bao quát cả lĩnh vực chi tiêu công của Chính phủ cũng như bao gồm cả việc xét xử các hành vi sai phạm trong lĩnh vực tài chính, tuy nhiên, trong quản lý nợ công, vai trò của GHCA khá chung chung và không được quy định rõ ràng. Trong hệ thống quản lý nợ công của Hy Lạp, GHCA không có vị trí hay đóng vai trò gì. Về chức năng, nhiệm vụ, cũng như ở Việt Nam, hàng năm, GHCA thực hiện kiểm toán và báo cáo Quốc hội về chi tiêu của Chính phủ và chính quyền địa phương, trong đó có mục vay nợ công và chi trả nợ. Tuy nhiên việc quản lý nợ công, lại không được GHCA tổ chức thực hiện kiểm toán. Chính vì vậy, GHCA không có những đánh giá toàn diện và đưa ra những kiến nghị cho Chính phủ, Quốc hội về lĩnh vực quản lý nợ công đồng thời, việc công khai thông tin về nợ công của GHCA cũng rất hạn chế trong khi số liệu về thực trạng kinh tế được cung cấp lại không chính xác. Cơ quan này mới dừng lại ở vai trò cung cấp một số số liệu về vay nợ và chi trả nợ của Chính phủ. Thông tin này cũng chưa đầy đủ, toàn diện và hữu ích cho những người quan tâm.
Thâm hụt ngân sách trầm trọng cộng với chi tiêu công tăng cao trong những năm gần đây trong khi hiệu quả đầu tư công thấp là những nguyên nhân chính dẫn đến việc xảy ra khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Bên cạnh đó việc GHCA không đóng một vai trò nào trong việc quản lý nợ công cũng là một nguyên nhân không nhỏ góp phần vào cơn ác mộng tài chính của quốc gia Châu Âu này. Vừa qua, với sự tham vấn của IMF, Liên minh Châu Âu vào 3/2015, Quốc hội Hy Lạp đã thành lập Ủy ban kiểm toán nợ công (Audit committee of puplic debt) với vai trò tổ chức kiểm toán việc quản lý nợ công, đánh giá, kiến nghị quản lý nợ công và công khai thông tin về quản lý nợ công, để giải quyết vấn đề này.