CHƯƠNG 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA
2.2. KTNN trong quản lý nợ công
2.2.4. Chức năng của KTNN trong kiểm toán nợ công
Từ khái niệm của INTOSAI, “Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền, có kỹ năng nghiệp vụ, thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin có thể định lượng của một đơn vị nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được xây dựng'' INTOSAI [48] cho thấy, kiểm toán có các chức năng cơ bản sau:
Một là, chức năng xác minh (xác nhận): Nhằm khẳng định mức độ trung thực của số liệu, tài liệu và tính hợp pháp của các thông tin được kiểm toán. Xác minh là chức năng cơ bản gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của hoạt động kiểm toán. Ngày nay chức năng này được phát triển nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế, tài chính và quản trị doanh nghiệp, do đó đòi hỏi thông tin phải chính xác và hợp pháp. Để khẳng định tính trung thực trong việc ghi chép, hạch toán kế toán đến việc tính toán, phân bổ, tổng hợp các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh… phản ánh trên báo cáo tài chính được chính xác và hợp pháp thì cần có một tổ chức, cá nhân độc lập có thẩm quyền xác nhận lại các thông tin đó. Đây chính là chức
năng xác minh của kiểm toán. Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế thì chức năng xác minh không dừng lại ở phạm vi "Xác nhận hoặc chứng thực" mà nó được phát triển lên thành "Báo cáo kiểm toán" với đầy đủ các chuẩn mực, qui trình trợ giúp cho kiểm toán viên trong việc lập báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và chất lượng báo cáo kiểm toán nói riêng.
Hai là, chức năng bày tỏ ý kiến (kiến nghị): Mục đích của kiểm toán không dừng lại ở chức năng "xác nhận", do yêu cầu phát triển kinh tế ngày càng đa dạng, các loại hình sở hữu tư liệu sản xuất ngày càng phong phú, các hình thức kinh doanh cũng như việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí ngân sách nhà nước của chính phủ và các tổ chức đòi hỏi phải có hiệu quả hơn. Do đó chức năng bày tỏ ý kiến về pháp luật kinh tế, tài chính để tổ chức thực hiện luật và các cơ chế chính sách về quản lý kinh tế, tài chính cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước và sản xuất kinh doanh là một nhu cầu không thể thiếu được nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời đưa hoạt động kinh tế vào khuôn khổ pháp luật.
Dựa trên chức năng cơ bản của kiểm toán, với vị thế là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất, KTNN thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát nguồn lực, tài sản công của quốc gia. Tùy thuộc vào thể chế chính trị từng nước, KTNN còn có những chức năng đặc thù như ở Pháp và một số nước Châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha… KTNN (Toà Thẩm kế) còn có chức năng xét xử như một quan toà đối với các vi phạm của tổ chức và cá nhân trong việc quản lý và sử dụng công quỹ, hay như ở Mỹ KTNN còn có chức năng của cơ quan điều tra tội phạm kinh tế...
Ở Việt Nam, sau nhiều năm nghiên cứu và thực nghiệm, bằng việc ra đời Luật KTNN 2005, Nhà nước ta đã khẳng định được chức năng của KTNN bằng việc quy định: “Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước” Luật KTNN [28]. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quản lý nợ công thì chức năng của KTNN vẫn chưa được quy định cụ thể mà mới chỉ lồng ghép trong việc quy định chức năng của KTNN trong lĩnh vực ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nói chung.
Theo INTOSAI “các cơ quan KTNN có thể xem xét kiểm toán các vấn đề nợ công nếu có khả năng cung cấp kiến thức, quan điểm cũng như cách nhìn mới. Các báo cáo kiểm toán của cơ quan KTNN cần có khả năng tác động tới các nhà hoạch định chính sách và, vì thế, cần góp phần cải thiện đáng kể chất lượng quản lý nợ công” INTOSAI [48]. Theo INTOSAI, các quốc gia cũng thống nhất: “Trong quản lý nợ
công, chức năng của KTNN là kiểm tra, giám sát quản lý nợ công” INTOSAI [48]. Cụ thể là KTNN có chức năng thực hiện kiểm toán các tài liệu, số liệu kế toán, báo cáo nợ công của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi trình Hội đồng nhân dân và báo cáo nợ công của Chính phủ trước khi trình Quốc hội... để xác nhận tính trung thực, hợp pháp phục vụ cho việc quản lý nợ công. Ngoài việc thực hiện chức năng xác nhận, KTNN kiến nghị với các cơ quan của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách về quản lý nợ công phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng thời kỳ thông qua việc báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội và Chính phủ theo quy định.