3.3 .Chức năng của KTNN trong quản lý nợ công thời gian qua
3.4.3. Kiến nghị chấn chỉnh quản lý nợ công
* Kết quả kiểm toán “việc quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai
đoạn 2006-2012”
- KTNN đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
+ Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xác định rõ tiêu chí làm căn cứ xác định dự án, công trình được sử dụng vốn TPCP theo từng lĩnh vực: Giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Trên cơ sở đó ban hành tiêu chi phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn TPCP cho các bộ, ngành và địa phương.
+ Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xử lý dứt điểm số vốn giải ngân vượt kế hoạch vốn trong năm 2008 để cân đối nguồn vốn hoàn trả.
+ Chấn chỉnh công tác thông báo kế hoạch vốn hàng năm, tránh tình trạng thông báo quá chậm và một số dự án có trong danh mục theo Quyết định số 171/2006/QĐ-TTg ngày 24/7/2006 nhưng không được thông báo vốn.
+ Khi xác định danh mục dự án và giao kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn vốn TPCP cho các bộ, ngành và địa phương phải kiểm tra, rà soát lại việc quản lý và sử dụng số vốn đã bố trí, các trường hợp sử dụng sai mục đích, sai nội dung yêu cầu bố trí hoàn trả nguồn vốn TPCP, đồng thời cắt giảm kế hoạch vốn tương ứng với số vốn sử dụng sai.
-KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính:
+ Bổ sung, sửa đổi Thông tư số 29/2004/TT-BTC ngày 6/4/2004 hướng dẫn việc bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành TPCP, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh
và trái phiếu chính quyền địa phương, bảo đảm việc lựa chọn đối tượng bảo lãnh và chi trả phí bảo lãnh chắt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tránh sơ hở bị lợi dụng.
+ Phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 về việc phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013”.
- KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế: Chủ trì phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dự án cụ thể kèm theo Quyết định số 930/QĐ-TTg; sớm bổ sung, sửa đổi Quyết định số 3333/QĐ-BYT ngày 08/9/2008 quy định về danh mục thiết bị cần đầu tư, mua sắm cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ bác sỹ tuyến huyện để sử dụng các trang thiết bị tiên tiến và kịp thời bổ sung phương án điều trị mới nhằm thực hiện đầy đủ các mục tiêu của đề án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- KTNN đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
+ Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn TPCP tiến hành kiểm tra, rà soát lại các dự án, công trình thuộc danh mục sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2003-2010 để đánh giá tình hình, kết quả đầu tư, xác định cụ thể các dự án, công trình còn dở dang, từ đó phân loại dự án, công trình theo mức độ cấp thiết cần đầu tư, xác định mức vốn còn lại cần bố trí để hoàn thành dự án.
+ Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, tiến hành tính toán cân đối, xác định nhu cầu vốn TPCP đầu tư cho giai đoạn tiếp theo (2011 - 2015), trong đó xác định số vốn TPCP cần có để hoàn thành các dự án, công trình dở dang chuyển tiếp từ giai đoạn 2003-2010 sang; xem xét, bố trí, sắp xếp các dự án, công trình dở dang, chuyển tiếp sang giai đoạn 2011 - 2015 theo thứ tự ưu tiên; loại bỏ, dừng đầu tư các dự án, công trình kém hiệu quả, chưa thiết yếu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
+ Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án phát hành TPCP cho đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015, cân đối vốn đầu tư phù hợp với khả năng huy động vốn từ nguồn vốn TPCP, đảm bảo an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính Quốc gia.
+ Ban hành văn bản để hướng dẫn xử lý nguồn vốn đầu tư đối với trường hợp dự án sử dụng vốn TPCP được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, vượt mức vốn đã được quyết định, đảm bảo cân đối đủ vốn để hoàn thành dự án; quy định rõ về mức vốn đối ứng đối với các dự án có sử dụng vốn TPCP để tránh tăng nợ công khó kiểm soát.
+ Xem xét, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương phát hành TPCP giai đoạn 2011-2015 và đề nghị bố trí nguồn vốn TPCP chi đầu tư phát triển nằm trong cân đối ngân sách hàng năm. Báo cáo kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012 [13]
* Kết quả kiểm toán “Chương trình Giảm nhẹ và Thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2013”
- KTNN đã kiến nghị UBND Tỉnh Bến Tre:
+ Đối với đơn vị được kiểm toán: - Kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Văn phòng Chương trình đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; Lập phương án xác định các nhiệm vụ cụ thể thuộc nội dung của Chương trình để tham mưu Ban chỉ đạo/UBND tỉnh phân bổ, sử dụng số kinh phí kết dư, tồn qua nhiều năm (2010-2013) (5.158 triệu đồng) để sử dụng đúng nội dung, mục tiêu Chương trình; Thực hiện kịp thời và đầy đủ các thủ tục chuyển nguồn kinh phí đúng quy định đối với số kinh phí chưa sử dụng hết trong năm; Rút kinh nghiệm đối với công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán; công tác quản lý tiến độ và chất lượng công trình; Chấn chỉnh công tác tài chính kế toán, lập báo cáo đảm bảo chính xác nhằm đảm bảo cho công tác quản lý, điều hành kịp thời, có hiệu quả; Tham mưu Ban chỉ đạo/UBND tỉnh có phương án sử dụng hợp lý đối với các nhà tránh, trú bão đã hoàn thành theo hướng đa mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đạt mục tiêu, nội dung Chương trình; Khẩn trương công bố các kết quả nghiên cứu, chuyển giao cho các đơn vị/cá nhân sử dụng để thu hút nguồn vốn đầu tư vào Chương trình cũng như việc xây dựng kế hoạch lồng ghép các yếu tố Biến đổi khí hậu vào trong các kế hoạch kinh tế xã hội và các kế hoạch khác của tỉnh.
+ Đối với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT: Chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị có liên quan trong tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành chương trình, trong thực hiện nhiệm vụ được Ban chỉ đạo Chương trình giao; Sở Tài chính chủ trì phối với Văn phòng Chương trình và các đơn vị rà soát công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí; tham mưu UBND tỉnh phân bổ số kinh phí kết dư từ các năm
trước số tiền 5.158 triệu đồng và tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre phương án, quy trình chuyển nguồn và sử dụng đúng nội dung chương trình, đúng thẩm quyền và hiệu quả; Sở KH&ĐT rà soát chặt chẽ hơn dự toán, nhu cầu vốn của các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn một cách hợp lý, đảm bảo các dự án được đầu tư liên tục, đồng bộ, kịp thời đề xuất sử dụng triệt để nguồn vốn hiện có của Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN.
+ Đối với UBND Tỉnh Bến Tre: Bố trí kinh phí ngân sách địa phương để hoàn trả kinh phí cho Chương trình đối với số tiền là 421,899 triệu đồng của Chương trình đã thanh toán cho đơn vị tư vấn lập dự án xây dựng 03 nhà tránh trú bão không được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; Chỉ đạo Văn phòng Chương trình dừng việc triển khai thực hiện đối với 03 nhà tránh bão đã khảo sát, lập dự án trong năm 2013; đồng thời xem xét sớm xây dựng và vận hành phương án và quy chế quản lý sử dụng hợp lý các nhà tránh bão trong điều kiện chưa có bão, thời gian không có mưa bão nhằm bảo quản tốt để công trình được sử dụng lâu dài, hạn chế lãng phí vốn đầu tư; Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan (Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, Văn phòng Chương trình Biến đổi khí hậu...) và các đơn vị thụ hưởng phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành chương trình, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của chương trình tránh những sai sót, chậm trễ về tổng hợp số liệu quyết toán, số liệu chuyển nguồn, thu hồi các khoản kinh phí thừa cuối năm; Báo cáo Ban chủ nhiệm, cơ quan quản lý Chương trình ở trung ương (thông qua Văn phòng Chương trình tại Bộ TN&MT) về số kinh phí và việc sử dụng số kinh phí hết nhiệm vụ chi kết dư từ các năm trước (5.158 triệu đồng).
- Đối với Tỉnh Quảng Nam:
+ Đối với Văn phòng Chương trình: kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo chương trình; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý tài chính, kế toán.
+ Đối với UBND tỉnh Quảng Nam: chỉ đạo Ban chỉ đạo, Sở Tài chính, Văn phòng Chương trình và các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát số kinh phí kết dư đến cuối năm, đã hết nhiệm vụ chi để phân bổ cho các nhiệm vụ thuộc nội dung của Chương trình trước khi kết thúc Chương trình; chỉ đạo UBND huyện Nông Sơn và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, bàn giao công trình Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam (do phát sinh thêm hạng mục trạm điện nên chưa thể nghiệm thu đưa vào sử dụng-chậm 228 ngày);
chỉ đạo các Chủ đầu tư rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; công tác quản lý tiến độ và chất lượng công trình.
+ Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường: sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế làm việc của Ban chủ nhiệm CTMTQG ứng phó với Biến đổi khí hậu, Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng CTMTQG ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2012- 2015; đề xuất Đoàn công tác liên ngành để giám sát, đánh giá việc thực hiện nội dung, mục tiêu Chương trình; Lập Báo cáo tình hình thực hiện nội dung và mục tiêu Chương trình định kỳ và hàng năm của Bộ TN&MT đúng quy định về quản lý CTMTQG; Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá lại việc thực hiện và quyết toán chậm đối với 03 nhiệm vụ còn tồn đọng để xử lý dứt điểm; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện và quyết toán chậm đối với 03 nhiệm vụ này; Chấn chỉnh công tác hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, dự kiến phương án phân bổ và phân bổ dự toán kinh phí Chương trình nhằm rút ngắn thời gian lập, thẩm định và giao dự toán, đảm bảo giao dự toán cho các đơn vị thực hiện Chương trình theo đúng thời gian quy định; công tác báo cáo định kỳ tình hình và kết quả thực hiện Chương trình; báo cáo đánh giá tác động của Chương trình; Nghiên cứu, thực hiện Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong việc hoàn thiện chương trình để đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch; Chỉ đạo các đơn vị chức năng (Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) tiếp tục rà soát lại đề cương, dự toán, sản phẩm, hồ sơ chứng từ, phê duyệt điều chỉnh dự toán và thực hiện quyết toán theo đúng chế độ đối với nội dung dự toán chưa đầy đủ căn cứ, đáp ứng công tác quản lý, điều hành và kiểm soát chi ngân sách của Chương trình; Chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành đơn giá, định mức đối với một số nhiệm vụ đang tạm áp đơn giá tạm tính trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, quản lý tài nguyên nước để hoàn thiện thủ tục quyết toán nhiệm vụ hoàn thành; Hướng dẫn UBND (Ban chỉ đạo chương trình) tỉnh Bến Tre về việc sử dụng số kinh phí kết dư từ 2010-2013, với số tiền 5.158 triệu đồng đúng nội dung, mục tiêu của chương trình.
+ Đối với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: khi thẩm định các nhiệm vụ, dự án trong khuôn khổ Chương trình với các Bộ, ngành, địa phương (cơ quan thực hiện Chương trình) cần có sự tham gia ý kiến của Bộ TNMT (cơ quan quản lý Chương trình); đồng thời khi giao dự toán cho các cơ quan thực hiện Chương trình, cần gửi cho Cơ quan quản lý Chương trình để cập nhật, theo dõi, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện đúng nội dung, mục tiêu của các cơ quan thực hiện Chương trình; Bộ Tài chính
nghiên cứu việc xây dựng, ban hành hoặc thỏa thuận với Bộ TNMT và các cơ quan liên quan về đơn giá bay chụp ảnh hàng không trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và quản lý đất đai; Báo cáo kiểm toán Chương trình Giảm nhẹ và Thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2013 [11]
Mặc dù KTNN chưa tiến hành kiểm toán quản lý nợ công với tư cách một cuộc kiểm toán độc lập và toàn diện nhưng thông qua các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm, kiểm toán các chương trình đầu tư, dự án, KTNN đã chỉ ra và kiến nghị với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm và biện pháp khắc phục; chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán, công tác quản lý hoạt động của đơn vị; kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm chế độ kế toán, tài chính của Nhà nước; đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng những kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý tài chính, kế toán nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính công được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao nhất. Đồng thời, phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn của chuyên đề, dự án; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, kiến nghị xử lý theo quy định của Pháp luật. Theo đó, KTNN đã giúp cho các cơ quan quản lý có những điều chỉnh phù hợp, kể cả việc bố trí vốn và điều chỉnh, bổ sung mục tiêu của chương trình, dự án cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời tạo sức ép để các đơn vị thụ hưởng vốn quản lý chặt chẽ hơn vốn được giao, qua đó phát huy được hiệu quả vai trò của mình trong quản lý nợ công.