Các công trình nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài với các quan điểm nghiên cứu, bối cảnh nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và các cách tiếp cận khác nhau đã có những đóng góp lớn trong quá trình nghiên cứu vai trò của KTNN trong quản lý nợ công ở Việt Nam. Các nghiên cứu trên trong thời gian qua đã phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình nợ công cũng như cơ cấu nợ công của Việt Nam, đưa ra những tiêu chí để đánh giá, quản lý tình hình nợ công cũng như khẳng định vai trò cần thiết của KTNN trong quản lý nợ công. Các công trình nghiên cứu đề cập đến KTNN hầu như đều tập trung vào phân tích sự cần thiết phải kiểm toán nợ công, cách thức tổ chức kiểm toán nợ công. Hiện chưa có nghiên cứu về vai trò của KTNN trong quản lý nợ công.
Nghiên cứu vai trò của một tổ chức bao gồm vị trí, chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức đó trong một lĩnh vực, tiến trình, hoạt động. Như vậy cách tiếp cận chính xác khi nghiên cứu vai trò của KTNN trong quản lý nợ công chính là trên góc độ vị trí pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của KTNN trong quản lý nợ công. Trong thời gian qua vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào tiếp cận vai trò của KTNN trong quản lý nợ công theo hướng này. Đặc biệt là chưa đưa ra một cách đầy đủ các vai trò của KTNN trong quản lý nợ công cũng như chưa đánh giá thực trang vai trò của KTNN hay các yếu tố tác động đến vai trò của KTNN trong quản lý nợ công.
Chính vì vậy, tác giả nhận thấy đây là khoảng trống cần nghiên cứu, qua cách tiếp cận đó, đóng góp một góc nhìn, đưa ra một ý kiến nhằm xác lập và nâng cao được vai trò của KTNN trong quản lý nợ công, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, bảo đảm tính bền vững của an ninh tài chính quốc gia.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 của Luận án đã làm rõ những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Luận án đã khái quát các công trình nghiên cứu ở trong nước theo những nội dung cơ bản rút ra trong lĩnh vực quản lý nợ công cũng như KTNN đối với quản lý nợ công. Các công trình nghiên cứu tập trung vào những vấn đề như sự cần thiết phải thiết lập vai trò của KTNN trong quản lý nợ công, cách thức tổ chức kiểm toán nợ công, thực trạng quản lý nợ công.
Thứ hai, luận án đã khái quát được các công trình nghiên cứu ở nước ngoài theo lĩnh vực có liên quan như nợ công, quản lý nợ công và các vai trò của KTNN trong quản lý nợ công, khẳng định được sự cần thiết phải thiết lập vai trò của KTNN trong quản lý nợ công. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra một số vai trò của KTNN trong lĩnh vực quản lý nợ công.
Thứ ba, luận án xác định khoảng trống nghiên cứu về vai trò của KTNN trong quản lý nợ công theo hướng tiếp cận ba góc độ vị trí pháp lý, chức năng và nhiệm vụ của KTNN trong quản lý nợ công. Trong đó tập trung phân tích vai trò của KTNN trong quản lý nợ công trên góc độ nhiệm vụ của KTNN trong quản lý nợ công.
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG QUẢN LÝ NỢ CÔNG