Cấp độ của năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 32 - 34)

Cấp độ của năng lực cạnh tranh là phạm trù đạt được sự thống nhất cao độ giữa các học giả trên thế giới. Hầu hết các học thuyết, nghiên cứu về năng lực cạnh tranh đều chia khái niệm này trên 3 mức cấp độ khác nhau là năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp ngành và năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp.

2.2.1.2.1. Cạnh tranh ở cấp độ quốc gia

Đây là nội dung thường được phân tích theo quan điểm tổng thể, chú trọng vào môi trường kinh tế vĩ mô và thể hiện vai trò của chính phủ.

Theo Giáo sư Michael Porter (1990) định nghĩa năng lực cạnh tranh cấp quốc gia là năng suất mà một quốc gia sử dụng các nguồn nhân lực, tài lực và vật lực của mình. Đối với Michael Porter, mấu chốt của năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng suất.

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Công nghiệp của Mỹ thì “cạnh tranh đối với một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới điều kiện thị trường tự do và công bằng, có thể sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và nâng cao được thu nhập thực tế của người dân nước đó”.

Hầu hết các học giả kinh tế trên thế giới đều có cùng quan điểm rằng năng lực cạnh tranh ở cấp độ quốc gia chính là năng suất lao động toàn quốc, và kết quả đi liền theo là

33 chất lượng cuộc sống của người dân tại quốc gia đó.

2.2.1.2.2. Cạnh tranh ở cấp độ ngành

Theo Van Duren (1991) cạnh tranh ở cấp độ ngành là “năng lực duy trì được lợi nhuận và thị phần trên thị trường trong và ngoài nước”

Ash, K., Brink, L.(1992) cho rằng “một ngành được coi là có tính cạnh tranh khi ngành này có khả năng tạo lên lợi nhuận và tiếp tục duy trì được thị phần trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Ở cấp độ ngành công nghiệp, năng lực cạnh tranh là khả năng của các công ty trong cùng một ngành đạt được những thành công ổn định trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài mà không có sự bảo hộ hay hỗ trợ từ phía chính phủ.

Để đo lường năng lực cạnh tranh cấp ngành, người ta thường sử dụng các tiêu chí như là tổng lợi nhuận của các công ty trong cùng một ngành, cán cân thương mại của ngành công nghiệp đó, cán cân đầu vào và đầu ra của nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và các biện pháp đo lường trực tiếp mức chi phí và chất lượng ở cấp độ ngành công nghiệp.

Năng lực cạnh tranh ở cấp độ ngành công nghiệp là một chỉ báo về thực trạng kinh tế quốc gia tốt hơn so với năng lực cạnh tranh ở cấp công ty. Nguyên nhân của điều này có thể là vì sự thành công của một công ty duy nhất có thể là do các yếu tố riêng có của công ty đó mà khó có thể mô phỏng hay nhân rộng ra các công ty khác. Trong khi đó, sự thành công của một số công ty trong cùng một ngành công nghiệp lại thường là bằng chứng của các yếu tố mang tính chất quốc gia và có thể được nhân rộng và cải tiến trên nhiều công ty khác trong cùng một ngành đó.

Theo quan niệm cạnh tranh dựa trên yếu tố năng suất toàn bộ, một ngành công nghiệp được coi là cạnh tranh khi mức độ yếu tố năng suất toàn bộ bằng hoặc cao hơn mức nào đó của đối thủ cạnh tranh. Yếu tố này quan tâm đến hiệu quả sản xuất trong việc sử dụng yếu tố đầu vào của vốn và lao động để tạo ra năng suất lao động cao hơn, góp phần tăng cạnh tranh của ngành.

Cũng như cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, các quan niệm và cách tính toán về cạnh tranh có thể khác nhau nhưng kết quả cuối cùng là ngành đứng vững trên thị trường dựa trên các yếu tố như hiệu quả trong sản xuất-kinh doanh, sử dụng công nghệ tiên tiến.

2.2.1.2.3. Cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm/doanh nghiệp

Có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm/doanh nghiệp, tuy nhiên đều có điểm chung là nghiên cứu cạnh tranh ở cấp độ vi mô.

Ở cấp độ doanh nghiệp, khái niệm về năng lực cạnh tranh được đưa ra bởi nhiều tổ chức, nhiều nhà kinh tế với những nội dung không tương đồng, thống nhất.

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu bản phát hành năm 1990 (IDM&WEF 1990), năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp đó hoạch định, sản

34 xuất và tiếp thị hàng hoá, dịch vụ, giá cả và các yếu tố phi giá của mình để tạo nên những sản phẩm tổng thể hấp dẫn hơn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Cùng trong một phương thức tiếp cận theo xu hướng về lợi thế cạnh tranh và cạnh tranh về giá, Bộ Công thương của Anh Quốc (DTI, 1998) đã định nghĩa năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp là khả năng sản xuất đúng loại hàng hoá dịch vụ với những chất lượng tương ứng ở mức giá phù hợp tại thời điểm thích hợp. Nói cách khác, đó chính là khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác.

Ở góc độ tiếp cận mang tính chất quản lý và chiến lược, Michael Porter (1980) đã định nghĩa năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là một nhiệm vụ trong quá trình phát triển năng động, của sự sáng tạo và là khả năng có thể thay đổi và cải tiến.

Giáo sư Attila Chikán (Andrea Gelei, 2003) của Đại học Budapest cũng có cùng một quan điểm nhưng làm rõ nghĩa và cụ thể hơn khi định nghĩa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng cơ bản của doanh nghiệp đó trong việc nhận thức những thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp đó, và khả năng thích nghi với những thay đổi này để tạo ra các dòng lợi nhuận đảm bảo cho hoạt động lâu dài bền vững của doanh nghiệp.

Ở cấp độ sản phẩm, Theo Keinosuke Ono và Tatsuyuki (2001) sản phẩm cạnh tranh tốt là “sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, dịch vụ trong và sau khi bán hàng. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm”.

Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2003) cho rằng “sản phẩm cạnh tranh là sản phẩm đem lại giá trị tăng cao hơn hoặc mới lạ hơn để khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình chứ không phải lựa chọn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Cạnh tranh không phải mang tính chất nhất thời mà là một quá trình liên tục”.

Tóm lại, năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp/công ty xét theo nghĩa rộng là bất cứ khả năng nào giúp cho doanh nghiệp/công ty tăng trưởng và phát triển hay ít nhất là giữ nguyên được vị trí của mình trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Xét theo nghĩa hẹp đó là khả năng giúp doanh nghiệp/công ty có thể tồn tại, duy trì hay tăng thị phần, lôi kéo khách hàng trên thị trường dùng sản phẩm dịch vụ để gia tăng giá trị tài sản, thị phần, doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp/công ty.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)