Hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 26 - 30)

CTCK là một tổ chức tài chính trung gian trên TTCK, do vậy, bên cạnh hoạt động tự doanh, CTCK còn thực hiện nhiều hoạt động khác với tính chất cung cấp các dịch vụ liên quan tới chứng khoán cho khách hàng (nhà đầu tư và nhà phát hành). Các hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán của CTCK gồm hoạt động môi giới, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư chứng khoán và các hoạt động khác.

2.1.3.2.1. Hoạt động môi giới

Đối với CTCK, các hoạt động xuất hiện theo những nhu cầu của nhà đầu tư và theo sự phát triển của thị trường. Hoạt động môi giới được xem là hoạt động xuất hiện đầu tiên đồng thời là hoạt động cơ bản nhất trong số các hoạt động mà một CTCK tiến hành triển khai. Thông qua hoạt động môi giới, CTCK sẽ đảm đương vai trò là nhà trung gian giúp cho nhà đầu tư thực hiện việc mua bán chứng khoán. CTCK với lợi thế có mạng lưới thông tin rộng khắp trên cả thị trường chính thức lẫn phi chính thức có thể cung cấp cho nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về TTCK và giúp khách hàng có thể mua bán được chứng khoán ở bất kỳ thị trường nào.

Như vậy, hoạt động môi giới chứng khoán là hoạt động kết nối giữa những người cần mua và những người cần bán chứng khoán. Theo luật chứng khoán, môi giới chứng khoán là việc CTCK làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng.

Sau mỗi giao dịch mua bán chứng khoán được thành công, cả bên mua và bên bán đều trả cho CTCK một khoản tiền, khoản tiền này được gọi là phí môi giới giao dịch. Cách tính phí môi giới giao dịch tùy theo việc CTCK tiến hành mua bán hộ chứng khoán cho khách hàng trên thị trường nào. Nếu mua bán chứng khoán trên thị trường chính thức (sở giao dịch), thông thường phí môi giới giao dịch sẽ được tính là một tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị giao dịch. Nếu trên thị trường phi chính thức (OTC), phí giao dịch được tính kèm vào giá (markup).

Phí môi giới giao dịch là một trong những nguồn thu của CTCK. Phí này có được thông qua việc CTCK thực hiện mua bán chứng khoán cho khách hàng. Do đó, số lượng khách hàng tiến hành mua bán qua công ty càng nhiều thì doanh thu từ hoạt động môi giới càng lớn. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho CTCK là làm thế nào để thu hút và giữ được khách hàng đến với công ty. Để giải quyết vấn đề này, các CTCK đều tiến hành các công việc liên quan tới tiếp cận khách hàng và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, cụ thể:

Công việc trước tiên CTCK cần tiến hành bao gồm các khâu: (1) Tìm kiếm khách hàng; (2) Sàng lọc khách hàng; (3) Tìm hiểu cụ thể nhu cầu đầu tư, khả năng tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro… của khách hàng; (4) Cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.

27 lại ở việc thực hiện các công việc như: nhận và chuyển lệnh giao dịch (mua/bán) chứng khoán của khách hàng; xác nhận kết quả giao dịch và thanh toán giao dịch đối với khách hàng; giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Tuy nhiên, TTCK ngày càng phát triển, lượng thông tin trên thị trường cũng ngày càng nhiều, lượng hàng hóa ngày càng đa dạng, các nhà đầu tư không thể nắm bắt cũng như xử lý lượng thông tin khổng lồ của thị trường. Do vậy, một nhu cầu mới của các khách hàng phát sinh, đó là nhu cầu được cung cấp thông tin và được tư vấn. Do đó, hoạt động môi giới lúc này không chỉ đơn thuần là thực hiện việc mua bán hộ chứng khoán cho khách hàng mà còn chứa đựng hàm lượng tư vấn khá cao.

2.1.3.2.2. Hoạt động bảo lãnh phát hành (BLPH)

Khi tổ chức phát hành (TCPH) phát hành chứng khoán để tăng vốn, họ có nhiều cách để tiến hành. Để đợt phát hành thành công họ thường nhờ tới một tổ chức tài chính trung gian trên thị trường giúp họ thực hiện các công việc liên quan tới đợt phát hành. Tổ chức tài chính trung gian này thường là các CTCK, ở một số nước (Mỹ, Anh,...) tổ chức tài chính trung gian này là các ngân hàng đầu tư. Với ưu thế về đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm, trình độ trong lĩnh vực chứng khoán, các CTCK sẽ cung cấp dịch vụ trọn gói cho TCPH từ việc tư vấn cho TCPH về loại chứng khoán sẽ phát hành, giá cả chứng khoán phát hành, phương thức phát hành cho tới việc chuẩn bị hồ sơ cho đợt phát hành, nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền và cuối cùng là phân phối chứng khoán và bình ổn giá chứng khoán sau phát hành.

Như vậy, có thể hiểu, hoạt động BLPH là hoạt động trong đó CTCK giúp các nhà phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành.

Tổ chức tài chính trung gian thực hiện bảo lãnh phát hành cho TCPH được gọi là nhà bảo lãnh phát hành. Thông thường, một nhà BLPH sẽ tiến hành BLPH cho một đợt phát hành của TCPH. Tuy nhiên, hoạt động này chứa đựng nhiều rủi ro nên các nhà bảo lãnh thường lập ra một tổ hợp BLPH để chia sẻ rủi ro nhằm tiến hành phân phối thành công một đợt phát hành.

2.1.3.2.3. Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán (TVĐTCK)

Khi TTCK càng phát triển thì số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng nhiều nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có trình độ, kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn trong đầu tư chứng khoán. Do vậy, các CTCK với đội ngũ nhân viên có trình độ, kinh nghiệm sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn nhằm giúp các nhà đầu tư đầu tư có hiệu quả hơn.

Như vậy, TVĐTCK được hiểu là việc CTCK xác định các đặc tính và điều kiện chứng khoán, đánh giá thị giá chứng khoán, phân tích tình hình tài chính của công ty phát hành để giúp các nhà đầu tư mua bán chứng khoán được thành công.

Đây là hoạt động rất phổ biến trên TTCK thứ cấp. Với kinh nghiệm cũng như chuyên môn, các nhân viên tư vấn sẽ tư vấn cho khách hàng nên mua/bán loại chứng

28 khoán nào và vào thời điểm nào. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn thuộc về khách hàng và khách hàng là người gánh chịu kết quả của việc đầu tư. Những báo cáo phân tích của nhà tư vấn có tác động rất lớn tới tâm lý của người được tư vấn và có thể làm cho họ (những người được tư vấn) có lợi nhuận hoặc bị thiệt hại còn người tư vấn thu về cho mình khoản phí dịch vụ tư vấn và không chịu trách nhiệm về kết quả của việc đầu tư.

Do đó, đối với hoạt động này, yêu cầu về vốn tối thiểu không lớn nhưng những yêu cầu về nhân sự lại hết sức chặt chẽ. Những nhân viên tư vấn phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu, phải có giấy phép hành nghề tư vấn chứng khoán với các yêu cầu cao hơn những nhân viên môi giới thông thường như: tối thiếu phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành có liên quan và phải vượt qua một số kỳ thi sát hạch do ngành chứng khoán tổ chức.

Do đặc điểm riêng có của TTCK là giá cả chứng khoán luôn có sự biến động nên việc tư vấn về giá trị chứng khoán rất khó khăn và đôi khi các nhà tư vấn có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc về giá trị và xu hướng giá cả của các loại chứng khoán. Do vậy, nhà tư vấn phải thận trọng khi đưa ra những lời bình luận về giá trị các loại chứng khoán.

2.1.3.2.4. Hoạt động quản lý danh mục đầu tư - (ủy thác đầu tư)

Khi thực hiện hoạt động này khách hàng sẽ đưa tiền và chứng khoán của họ tới CTCK và ký hợp đồng uỷ thác đầu tư với CTCK. Khi đã ký hợp đồng CTCK vừa bảo quản hộ chứng khoán vừa đầu tư hộ chứng khoán cho khách hàng. Tùy theo mức độ ủy quyền trong hợp đồng được ký giữa khách hàng và CTCK mà CTCK có toàn quyền quyết định hoặc có quyền hạn chế trong các giao dịch mua bán số chứng khoán trong hợp đồng.

Như vậy, hoạt động QLDMĐT là hoạt động mà khách hàng uỷ thác cho CTCK thay mặt mình tiến hành kinh doanh chứng khoán. Hoạt động này vừa mang tính tư vấn tổng hợp vừa mang tính đầu tư. CTCK thực hiện việc đầu tư hộ cho khách hàng theo một chiến lược hay theo những nguyên tắc đã được khách hàng chấp thuận trong hợp đồng QLDMĐT. Do vậy, hoạt động QLDMĐT chứng khoán của CTCK thực chất là quá trình quản lý vốn của khách hàng.

Khi tiến hành QLDMĐT, CTCK phải tuân thủ các điều kiện trong hợp đồng ký kết. Hợp đồng này được thảo ra dựa trên các nguyên tắc của luật dân sự và tuân thủ các qui định của ngành chứng khoán. Trong đó, CTCK phải xác định rõ với khách hàng là họ không đảm bảo về lợi nhuận đầu tư và mọi rủi ro của hoạt động đầu tư sẽ do khách hàng gánh chịu. Hợp đồng cũng phải xác định rõ mức độ uỷ quyền của khách hàng đối với CTCK.

2.1.3.2.5. Hoạt động tư vấn cho tổ chức phát hành (tư vấn tài chính)

Hoạt động tư vấn cho TCPH tuy không phải là những hoạt động đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu về vốn nhưng cũng là mảng hoạt động quan trọng của CTCK. Việc phát triển hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho CTCK thực hiện tốt các hoạt động khác như hoạt động BLPH, hoạt động dịch vụ khác, đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp và tạo ra hàng hoá có chất lượng cho thị trường.

29 Hoạt động tư vấn cho nhà phát hành tương đối đa dạng, CTCK có thể sử dụng các kỹ năng của mình để tư vấn cho công ty về việc sáp nhập, thâu tóm, tái cơ cấu vốn để công ty đạt mức độ hoạt động tối ưu hay tư vấn về loại chứng khoán phát hành. Khi thực hiện hoạt động này CTCK sẽ có nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp thực thi các nghiệp vụ chứng khoán cũng như các thủ tục hành chính để thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp bởi vì các doanh nghiệp không am hiểu về thủ tục cũng như luật lệ, nghiệp vụ chứng khoán.

Tùy theo mục đích, yêu cầu của TCPH mà CTCK sẽ tiến hành tư vấn các vấn đề liên quan tới tài chính hay liên quan tới đợt phát hành…, do đó, nội dung tư vấn của tư vấn tài chính có thể gồm một số mảng chính như: Phân tích tài chính doanh nghiệp; Tư vấn xác định giá trị của doanh nghiệp;Tư vấn phát hành; Tư vấn tái cơ cấu vốn; Tư vấn thâu tóm, hợp nhất doanh nghiệp; Tư vấn niêm yết.

2.1.3.2.6. Hoạt động lưu ký chứng khoán

Là việc lưu giữ, bảo quản chứng khoán của khách hàng và giúp khách hàng thực hiện quyền đối với những chứng khoán lưu ký. Đây là qui định bắt buộc trong giao dịch chứng khoán, bởi vì giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung là hình thức giao dịch ghi sổ, khách hàng phải ký gửi chứng khoán tại thành viên lưu ký. Khi thực hiện dịch vụ lưu ký chứng khoán, CTCK sẽ nhận được các khoản thu phí lưu ký chứng khoán: phí gửi, rút và chuyển nhượng chứng khoán.

2.1.3.2.7. Hoạt động thực hiện hộ quyền sở hữu của khách hàng

Khi sở hữu chứng khoán nhà đầu tư có một số quyền nhất định như: quyền bỏ phiếu bầu hội đồng quản trị, bỏ phiếu các vấn đề có ảnh hưởng đến toàn bộ công ty; quyền nhận thu nhập, quyền kiểm tra sổ sách của công ty, quyền chuyển đổi cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu… và được gọi chung là quyền sở hữu chứng khoán. Xuất phát từ hoạt động lưu ký chứng khoán cho khách hàng CTCK có thể thay mặt khách hàng thực hiện các quyền sở hữu trên đối với những chứng khoán lưu ký.

2.1.3.2.8. Hoạt động cho vay

Là hình thức CTCK cho khách hàng của mình vay tiền để họ mua chứng khoán và sử dụng các chứng khoán đó làm vật đảm bảo cho các khoản vay đó. Khách hàng sẽ chỉ cần ký quĩ một phần, phần còn lại sẽ được CTCK cho vay. Vì vậy hình thức này còn gọi là cho vay ký quĩ. Đến kỳ hạn thanh toán, khách hàng phải hoàn trả đầy đủ số tiền vay cùng với lãi cho CTCK. Nếu khách hàng không trả được nợ, CTCK sẽ bán những chứng khoán mà khách hàng đã mua để thu hồi vốn. Và nếu giá chứng khoán giảm tới mức thấp hơn giá trị khoản vay ký quĩ thì CTCK sẽ gặp rủi ro.

Bên cạnh việc CTCK cho vay ký quĩ, CTCK cũng còn cho khách hàng vay chứng khoán để thực hiện việc bán khống.

2.1.3.2.9. Hoạt động cung cấp thông tin

CTCK là một kênh cung cấp các thông tin về thị trường, về nhà phát hành, về các phiên giao dịch và các vấn đề về pháp luật cho nhà đầu tư. Đồng thời CTCK cũng cung

30 cấp thông tin về thị trường cho các cơ quản quản lý thị trường để thực hiện mục tiêu quản lý.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(152 trang)