Duy trì trật tự pháp luật và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật là nhiệm vụ cấp thiết và thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội; xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế và mọi công dân. Vì vậy, cần phải kết hợp sức mạnh của mọi chủ thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ này; đồng thời phải vận dụng
linh họat các biện pháp giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế nhằm loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật ra khỏi đời sống xã hội.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là nhằm bảo vệ kỷ cương, duy trì trật tự pháp luật và trật tự xã hội. Vì vậy, việc phát triển và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật là vấn đề có tính nguyên tắc. Theo V.I.Lê nin, tính nghiêm minh của pháp luật hoàn toàn không phải ở chỗ hình phạt đó phải nặng, mà ở chỗ đã phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt. Để đấu tranh chống và phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm có hiệu quả, phải giải quyết kịp thời những vụ việc lớn, gây nguy hiểm cho xã hội. Điều quan trọng là các cơ quan bảo vệ pháp luật không được vì bất cứ lý do gì mà bỏ qua, không xử lý, dù vụ việc nặng hay nhẹ. Kiên quyết chống mọi biểu hiện nương nhẹ nể nang, bao che hành vi phạm pháp cũng như người vi phạm pháp luật dưới bất cứ hình thức nào.
Để thực hiện giải pháp này đồi hỏi trước tiên là phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động của hệ thống cơ quan làm công tác tôn giáo, nhằm phát hiện ra những sai sót, lệch lạc để kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo đi đúng định hướng. Việc kiểm tra, thanh tra có thể được tiến hành bằng nhiều cách thức: một là kiểm tra, thanh tra một cách toàn diện các hoạt động trên các mặt của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; hai là kiểm tra, thanh tra theo từng chuyên đề, đối với từng lĩnh vực công tác; ba là kiểm tra, thanh tra theo từng cấp. Thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất khi có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật nhiệm vụ chính của các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và cơ quan thanh tra xử lý vi phạm pháp luật nói riêng, là đấu tranh phòng và chống các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa và bảo đảm để công dân được tự do thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo của cả nước nói chúng và của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng là một trọng trách hết sức khó khăn, bởi vì: vấn đề tôn giáo luôn là vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm và được các thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá lại Đảng và nhà
nước. Với những thủ đoạn tinh vi như: Tìm mọi cách thông qua các đạo lụât, nghị quyết, nhằm lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để can thiệp, chống phá Việt Nam; xúi giụp, kích động số phản động trong tôn giáo trong nước hoạt động chống phá ta; lợi dụng khiếu nại về đất đai, cơ sở vật chất có nguồn gốc tôn giáo và những sơ hở thiếu sót của ta trong giải quyết vấn đề tôn giáo gây ra bạo loạn chính trị và các điểm nóng tôn giáo; lợi dụng vấn đề dân tộc kết hợp với vấn đề tôn giáo chống phá ta; lợi dụng các hoạt động từ thiện và sử dụng các NGO (tổ chức phi chính phủ) tôn giáo để chống phá ta.
Do đó, để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động tôn giáo, mỗi cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải không ngừng trau dồi đạo đức, rèn luyện phẩm chất, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động cảnh giác trước âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo trong chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, đồng thời phải thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh nhất. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều rất xa lạ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, những hành vi đó phải được kiên quyết loại trừ, những cá nhân vi phạm nhất định phải được xử lý. Có như vậy mới xứng đáng với niềm tin và trọng trách mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao cho.
Trên cơ sở xử lý những biểu hiện tiêu cực đã phát sinh, chúng ta phải quan tâm nghiên cứu, phát hiện những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh những biểu hiện tiêu cực đó để đề ra biện pháp loại trừ nó ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức.
Để đạt được điều đó các cấp Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh, phải không ngừng tăng cường kiểm tra, uốn nắn đối với cán bộ thuộc quyền quản lý trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, phát hiện những cán bộ yếu kém để có biện pháp tu dưỡng rèn luyện, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động tôn giáo chỉ được thực hiện tốt khi có sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các cơ quan có thẩm quyền và sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Đây cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạt động tôn giáo ở tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.