Các nhân tố kinh tế-xã hội

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 58 - 64)

7. Bố cục của đề tài

2.2.2.Các nhân tố kinh tế-xã hội

2.2.2.1. Dân cư, nguồn lao động

Dân số của tỉnh trong những năm qua biến động không lớn, tăng từ 748.862 người năm 2000 lên 812.835 người năm 2005 và lên 867.777 người năm 2010, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 1,53%, trong đó tăng tự nhiên là 1,29% và tăng cơ học là 0,24%; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 1,32%, trong đó tăng tự nhiên là 1,22% và tăng cơ học là 0,10%. Như vậy, ngoài dân số tăng tăng tự nhiên, hàng năm tỉnh Bạc Liêu vẫn có một lượng dân từ bên ngoài di chuyển vào tỉnh, chủ yếu vào khu vực nông thôn để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Năm 2010 dân số thành thị 236,9 ngàn người (chiếm 27,3%), khu vực nông thôn là 630,8 ngàn người (chiếm 72,7%). Cơ cấu dân số thành thị và nông thôn của tỉnh thay đổi chậm, tỉ lệ dân số thành thị tăng chậm từ 25,6% năm 2005 lên 26,5% năm 2010, nhưng vẫn

cao hơn so với mức bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (21,4%). Các huyện có dân số thành thị tăng là Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải và Phước Long, còn lại là giảm.

Biểu đồ 2.2: Phân bố dân cư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2010

Mật độ dân số của tỉnh vào loại thấp, năm 2010 là 338 người/km2, thấp hơn so với mật độ dân số của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (436 người/km2) và xếp hàng thứ 11 so với các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ cao hơn tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang). Mặt khác, trừ Thành phố Bạc Liêu có mật độ dân số cao (860 người/km2), mật độ dân số ở khu vực nông thôn thấp và chênh lệch giữa các địa phương không lớn (khoảng 1,6 lần). Sự phân bố dân cư khá đồng đều giữa các địa phương đã phần nào giảm bớt áp lực đối với công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn nông thôn tỉnh Bạc Liêu.

Năm 2010, dân số trong độ tuổi lao động là 587 nghìn người, chiếm 67,4% số dân toàn tỉnh, trong đó lao động làm việc trong các ngành kinh tế khoảng 465,3 nghìn người, bằng 79,3% lực lượng lao động. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đã tăng từ 75,6% năm 2000 lên 90,3% năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 4,45% năm 2006, đến năm 2010 giảm xuống còn 3,05%.

Tổng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp của tỉnh có xu hướng tăng nhanh từ 244.208 người năm 2000, lên 284.211 người năm 2005 (bình quân tăng 3,08%/năm), sau đó tăng chậm lại và đạt 305.089 người năm 2010 (bình quân tăng 1,43%/năm). Tỉ trọng lao động nông nghiệp có xu hướng giảm liên tục từ 73,0% năm 2000, xuống 69,8% năm 2005 và 65,9% năm 2010 là xu hướng đúng, nhưng tốc độ giảm còn chậm so với yêu cầu, bình

quân trong giai đoạn 2001-2005 chỉ giảm ở mức 0,64%/năm và trong giai đoạn 2006-2010 giảm nhanh hơn là 3,9%/năm.

Bên cạnh đó, một trong những hạn chế của lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn của tỉnh hiện nay là trình độ tay nghề, kỹ năng lao động của nông dân, nhất là nông dân nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Theo thống kê, tỉ lệ lao động chung của toàn tỉnh được đào tạo tăng nhanh từ 10,5% năm 2000, lên 25% năm 2005 và lên 35% năm 2010, nhưng tỉ lệ này trong khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất thấp, theo kết quả điều tra nông nghiệp, thủy sản và nông thôn năm 2006 chỉ khoảng 5-6%.

2.2.2.2. Cơ sở hạ tầng a. Về giao thông vận tải

- Giao thông đường bộ

Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh hiện có 4 tuyến quốc lộ bao gồm: tuyến quốc lộ 1A, Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Cầu Sập – Ninh Quới – Ngàn Dừa với tổng chiều dài 122,83 km; 12 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 213 km; 21 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 324,9 km và 1537 km đường giao thông nông thôn.

Trong những năm qua chất lượng giao thông đường bộ của tỉnh được cải thiện đáng kể, đã làm mới và nâng cấp 7/11 tuyến đường tỉnh và các đường nội thị xã Bạc Liêu, với tổng chiều dài là 159/213 km; đã xây dựng 114/273 cầu trên các tuyến đường tỉnh và huyện. Đường huyện đã thi công 7/21 tuyến với chiều dài 174/324,9 km. Đường giao thông nông thôn đã xây dựng 373/1.537 km, bắc 372 cây cầu nông thôn dài 6.690 m. Đến nay chỉ còn 17 xã và 1 thị trấn chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. So với các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mật độ đường bộ các loại của tỉnh đạt 1,3 km/km2 là tương đối cao, nhưng phân bố không đều, thiếu đường nối giữa các huyện với nhau, cũng như từ huyện xuống xã và giữa các xã trong huyện.

- Giao thông đường thuỷ

Với đặc thù là vùng sông nước nên hệ thống giao thông đường thuỷ của tỉnh khá phát triển:

Có 2 tuyến giao thông đường thuỷ đối ngoại quan trọng nhất của tỉnh là tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 55 km, rộng 28 - 30 m và tuyến Bạc Liêu - Cà Mau dài 48,5 km, rộng

30 - 40 m có thể cho các tàu trọng tải 1000 tấn lưu thông thuận lợi. Giao thông đường thuỷ nội tỉnh có mật độ phân bố 0,09 km/km2, nơi rộng nhất 40 m, hẹp nhất là 10 m. Các tuyến giao thông đường sông được phân bố thành 10 tuyến chính, liên hệ với nhau bằng các tuyến ngang, dọc. Đảm bảo tàu thuyền dưới 300 tấn có thể đi lại thuận tiện. Riêng kênh Hộ Phòng - Gành Hào có thể cho tàu trọng tải 1 ngàn tấn lưu thông thuận lợi. Song song với phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ tỉnh còn chú trọng phát triển hệ thống bến cảng trong đó có một bến tàu khách Hộ Phòng, diện tích 1.340 m2 và các bến tàu vừa và nhỏ phân bố rộng khắp các tuyến kênh đáp ứng nhu cầu vận tải trong và ngoài tỉnh.

b. Về hệ thống công trình thủy lợi

- Về hệ thống công trình

Bạc Liêu hiện có tuyến đê biển dài 52,4 km, đê sông và bờ bao dài 379 km, 67 cống, 87 bọng, 33 kênh trục và cấp 1 dài 720 km, 277 kênh cấp 2 dài 1.800 km, 649 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.413 km, hàng ngàn kênh cấp 3 và kênh nội đồng. Xây dựng được 190 ô thủy lợi khép kín (mỗi ô 30-70 ha), đảm bảo chủ động tưới tiêu bằng động lực, tạo điều kiện để kiên cố hóa kênh mương, hình thành các tổ hợp tác sản xuất.

- Về khả năng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Các ưu điểm: Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã góp phần tích cực phục vụ sản xuất nông nghiệp, cụ thể:

+ Có khả năng tiêu nước đáp ứng 100% diện tích tự nhiên, chủ yếu là tiêu nước theo triều.

+ Cung cấp nước mặn cho diện tích đất NTTS ở cả 2 vùng Nam và Bắc QL1A. + Đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, dẫn ngọt, tiêu úng, xổ phèn cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định.

+ Thực hiện tốt công tác điều tiết nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi thuộc vùng Bắc QL1A để phục vụ NTTS, bảo vệ an toàn vụ lúa trên đất tôm và diện tích lúa đông xuân trong mùa.

+ Bảo vệ được vườn chim an toàn trong mùa khô.

+ Tạo địa bàn bố trí dân cư theo cụm, tuyến công trình kênh, đê. + Tạo ra hệ thống giao thông thủy bộ phục vụ dân sinh, kinh tế.

Các hạn chế chính: Hệ thống thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch trước đây thiên về phục vụ sản xuất nông nghiệp, do đó khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản, hệ thống thủy lợi đã bộc lộ các hạn chế sau:

+ Do biển Đông và biển Tây đều là nguồn cấp nước và nhận nước thoát, nên hệ thống thủy lợi hiện nay là hệ thống cấp - thoát kết hợp, không tách riêng hệ thống kênh cấp và hệ thống kênh thoát để phục vụ các khu vực nuôi trồng thủy sản. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Hệ thống cống ngăn mặn từ cống Giá Rai đến cống Láng Trâm trước đây chỉ làm nhiệm vụ ngăn mặn và tiêu úng cho vùng bắc QL1A, nhưng từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay các công trình này có thêm nhiệm vụ cấp nước mặn cho vùng chuyển đổi, nên nhìn chung hệ thống 22 cống dọc QL1A hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát và điều tiết mặn, các cống đều đã bị xuống cấp và hư hỏng cửa van, cửa van có cao trình thấp không ngăn được hiện tượng nước triều dâng do biến đổi khí hậu, cần phải được đánh giá lại nhiệm vụ và xem xét lại quy mô.

+ Hệ thống kênh ở Bạc Liêu đều mau bị bồi lắng do phù sa, ở vùng Nam QL1A cứ 3-4 năm phải nạo vét một lần, ở vùng bắc QL1A cứ 4-5 năm phải nạo vét một lần. Khả năng đầu tư của tỉnh không theo kịp tốc độ bồi lắng của hệ thống kênh.

+ Hệ thống cấp 3 và nội đồng hiện nay chưa hoàn thiện (chỉ đạt 85% so quy hoạch), chưa đồng bộ với hệ thống cấp 1 và cấp 2.

+ Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển tăng so với các năm trước đây, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đầu tư kè chống sạt lở.

+ Công tác điều tiết nước mặn vào vùng ngọt hóa trong mùa khô để phục vụ NTTS được tiến hành qua 10 năm (2001-2010) đã bộc lộ một số hạn chế là hệ thống công trình kênh cấp, thoát nước xuống cấp (bồi lắng); việc điều tiết nước còn phụ thuộc vào thời tiết từng năm; khu vực điều tiết nước còn hở (phía tỉnh Cà Mau và Kiên Giang); các tỉnh trong khu vực Bán Đảo Cà Mau chưa có sự phối hợp trong việc đóng mở cống phục vụ sản xuất, nên việc điều tiết nước còn nhiều hạn chế, mặn dễ xâm nhập qua ranh 2 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng, từ đó tiếp tục xâm nhập vào tiểu vùng giữ ngọt ổ định của tỉnh.

+ Hệ thống đập thời vụ phân ranh mặn ngọt hiện nay còn tạm bợ (chủ yếu là đập đất), nên chưa hoàn toàn chủ động ngăn mặn giữ ngọt cho tiểu vùng giữ ngọt ổn định, dễ gây ô nhiễm môi trường và hạn chế giao thông thủy.

+ Khi trục kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp bị mặn xâm nhập vượt điểm cho phép, thì chưa có trục kênh dẫn ngọt nào khác thay thế để đảm bảo cung cấp đủa nước ngọt cho vùng giữ ngọt ổn định.

c. Về thông tin liên lạc

Hệ thống bưu chính viễn thông đã có những bước phát triển đáng kể. Hiện tại, hệ thống viễn thông đã phủ sóng khắp các vùng trong tỉnh đảm bảo nhu cầu trao đổi thông tin trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 1 bưu cục trung tâm, 6 bưu cục huyện, 30 bưu cục khu vực và bưu điện văn hóa xã. Mạng lưới điện thoại thông suốt từ tỉnh xuống 100% xã phường. Hệ thống vô tuyến truyền hình phủ khắp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nắm bắt thông tin trong và ngoài nước kịp thời, nắm bắt những nhu cầu kinh tế giúp cho người dân sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế sản xuất tự phát.

d. Về lưới điện quốc gia và mức độ điện khí hóa

Cùng với các công trình hạ tầng khác, mạng lưới điện vươn xa khắp mọi miền quê đã tạo nên diện mạo mới cho tỉnh. Tính đến năm 2005 có 100% xã, phường, thị trấn có điện, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện ở nông thôn đạt trên 93%.

Điện về ấp cũng có nghĩa là bà con nông dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng. không những thế, ánh sáng điện còn dẫn đường cho ánh sáng khoa học – công nghệ, những kiến thức kinh nghiệm tiên tiến trong công tác quản lí và sản xuất kinh doanh. Tạo điều kiện triển khai, nhân rộng mô hình kinh tế giỏi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân mà còn đảm bảo cung cấp cho các khu vực nuôi trồng thủy sản, các trạm thủy lợi, phục vụ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

e. Trạm, trại phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hiện trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Giống nông nghiệp – thủy sản do Nhà nước quản lý và 236 cơ sở sản xuất và nhân giống thủy sản, trong đó có 200 cơ sở sản xuất và nhân giống tôm, 36 cơ sở sản xuất cua giống. Các trạm, trại do Nhà nước quản lý có trên địa bàn tỉnh gồm:

- Trại giống cây trồng, diện tích 22 ha (Vĩnh Mỹ B, Hòa Bình).

- Trại chăn nuôi heo nái sinh sản, diện tích 5 ha (Long Thạnh, Vĩnh Lợi). - Trại giống thủy sản cấp I, diện tích 25 ha (Vĩnh Hậu, Hòa Bình).

- Trại thực nghiệm, diện tích 8 ha (Vĩnh Hậu, Hòa Bình).

Nhìn chung, kết quả hoạt động của Trung tâm Giống nông nghiệp – thủy sản và các trại mới tập trung vào khâu sản xuất giống, trong đó chủ yếu là nhân và sản xuất giống lúa, việc nhân và sản xuất giống heo, giống thủy sản vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính do cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nguồn nhân lực và đặc biệt là vốn đầu tư còn hạn chế.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 58 - 64)