Tổng quan về tỉnh Bạc Liêu

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 51 - 52)

7. Bố cục của đề tài

2.1.Tổng quan về tỉnh Bạc Liêu

Bạc Liêu là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây Bắc giáp Kiên Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp biển. Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.570,93 Km2 và dân số 867.777 người (thống kê năm 2010).

Nếu so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số. Trên địa bàn tỉnh có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là người Kinh, người Khơ me và người Hoa. Nhắc đến Bạc Liêu, người ta biết đến một vùng đất trù phú với những ruộng lúa bạt ngàn, một dãy cánh đồng muối trắng ven biển, những vườn nhãn xum xuê, cây xanh trái ngọt nối dài...Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Nơi đây có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng.

Đất của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Đất có khả năng trồng lúa, cây hàng năm, cây lâu năm chiếm 83,58% tổng diện tích đất; Đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối chiếm 13,49%. Diện tích rừng và đất rừng chiếm khoảng 2,49% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ. Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn có năng suất sinh học cao, có giá trị lớn về phòng hộ và môi trường, chủ yếu là cây tràm, cây đước.

Bạc Liêu có đường bờ biển dài 56 km và vùng biển rộng 40.000 km². Dưới lòng biển sâu có nhiều loại hải sản có trữ lượng và giá trị cao như: tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim... cho phép đánh bắt mỗi năm 240.000 – 300.000 tấn cá và khoảng 10.000 tấn

tôm. Đặc biệt trữ lượng cá đáy và cá nổi khoảng 800.000 tấn, có thể trở thành nơi xuất nhập khẩu trực tiếp.

Với những lợi thế về thiên nhiên, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ tổng hợp, du lịch và giao thông. Bạc Liêu đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần nâng dần phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ; mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thủy sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước tiên là xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 51 - 52)