Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 52 - 58)

7. Bố cục của đề tài

2.2.Các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu

2.2.1. Các nhân tố tự nhiên

2.2.1.1. Vị trí địa lí

Bạc Liêu là 1 tỉnh ven biển thuộc bán đảo Cà Mau được chia tách ra từ tỉnh Minh Hải vào tháng 1 năm 1997. Với diện tích tự nhiên là 2.570,93 Km2 (chiếm 6,4% diện tích tự nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long) và được xác định ở 9032’ đến 9038’9” vĩ Bắc và từ 105014’15” đến 105051’54” kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây Bắc giáp Kiên Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp biển.

Với vị trí địa lý nêu trên, đã tạo cho tỉnh Bạc Liêu có một hệ sinh thái nông nghiệp hết sức đa dạng, mang đậm nét đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của vùng Bán đảo Cà Mau nói riêng, bao gồm: Hệ sinh thái mặn ven biển, hệ sinh thái lợ và ngọt trong nội đồng, rất thuận lợi cho phát triển toàn diện cả nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản.

2.2.1.2. Địa hình

Địa hình của tỉnh Bạc Liêu tương đối bằng phẳng và thấp, hướng nghiêng chính từ Tây Bắc xuống Tây Nam, cao độ trung bình khoảng 0,2 đến 0,8 mét, độ dốc trung bình 1 - 1,5 cm/km. Địa hình Bạc Liêu có hai dạng chính:

- Phía Bắc Quốc lộ 1A địa hình thấp (cao trung bình 0,2 - 0,3 m). Dạng địa hình như trên tạo thuận lợi tận dụng nước triều để tiêu thoát nước, nhưng cũng tạo thành những vùng

trũng đọng nước chua phèn gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp. Như khu vực chuyển đổi sản xuất của huyện Hồng Dân và Giá Rai.

- Phía Nam Quốc lộ 1A có địa hình cao hơn (cao trình 0,4 - 0,8 m), do có những giồng cát biển không liên tục, tạo nên khu vực có địa hình cao ven biển hướng nghiêng thấp dần từ biển vào nội địa.

Nhìn chung với đặc điểm địa hình của tỉnh khá bằng phẳng, độ nghiêng thấp, nên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và giao thông vận tải đồng thời dạng địa hình trên còn tạo thuận lợi cho việc tận dụng thủy triều đưa nước mặn vào ruộng phục vụ nuôi trồng thủy sản; song cũng tạo thành những vùng trũng cục bộ, nhất là đối với các khu vực chuyển đổi sản xuất như ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai.

2.2.1.3. Đất đai

Đất đai của tỉnh Bạc Liêu phần lớn được hình thành trên các trầm tích biển, sông biển hỗn hợp, theo tính chất phân thành các loại sau:

- Nhóm đất cát: Diện tích 450 ha (chiếm tỷ lệ 0,18% diện tích tự nhiên), phân bố dọc theo bờ biển thuộc địa bàn thành phố Bạc Liêu và huyện Hòa Bình (khu vực giồng nhãn và giồng giữa của xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông, phường Nhà Mát của thành phố Bạc Liêu và xã Vĩnh Hậu A của huyện Hòa Bình).

- Nhóm đất mặn: Diện tích 91.792 ha (chiếm 35,71% diện tích tự nhiên ), chịu ảnh hưởng mặn của nước biển do thủy triều hoặc mặn ngầm mao dẫn, phân bố quanh khu vực đê biển thuộc huyện Hòa Bình, Đông Hải và thành phố Bạc Liêu.

- Nhóm đất phèn: Diện tích 118.008 ha (chiếm tỷ lệ 45,9 % diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu ở phía Bắc QL1A, thuộc các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi và huyện Giá Rai.

- Nhóm đất phù sa: 7.601 ha (2,96% diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu ở khu vực phía Đông Bắc của huyện Hồng Dân, hầu như không bị nhiễm mặn trong vòng 125 cm và được cung cấp đủ nước ngọt trong mùa khô, thuận lợi cho trồng 2-3 vụ lúa, lúa - màu.

- Nhóm đất nhân tác: 22.625 ha, chiếm 8,8% diện tích tự nhiên, phân bố dọc theo các kênh rạch, các trục lộ giao thông lớn và các khu dân cư tập trung, bao gồm: Đất thổ cư, đất xây dựng cơ bản, đất lập liếp trồng cây lâu năm. Do tác động của con người, lớp phủ thổ nhưỡng bị xáo trộn và đặc điểm lý hóa tính có nhiều thay đổi.

Bảng 2.1: Diện tích các loại đất tỉnh Bạc Liêu

Số TT Tên đất Diện tích (ha) Tỉ lệ (%) 1 Bãi cát, cồn cát và đất cát biển 450 0.18 2 Đất mặn 91.792 35.71 3 Đất phèn 118.008 45.90 4 Đất phù sa 7.601 2.96 5 Đất nhân tác 22.625 8.80 6 Sông 6.396 2.49

7 Đất có mặt nước ven biển 10.221 3.96

TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN 257.093 100

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Bạc Liêu 2010)

Phần lớn đất đai của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện. Về phân loại khả năng thích nghi: đất Bạc Liêu chia thành hai vùng chính, vùng Bắc Quốc lộ 1A và vùng Nam Quốc lộ 1A:

Vùng Bắc Quốc lộ 1A có 11 vùng thích nghi, trong đó phía Đông và Bắc thích hợp cho trồng lúa, màu và cây trồng nông nghiệp khác. Khu vực phía Tây bao gồm một phần diện tích huyện Hồng Dân, Phước Long và Giá Rai thích nghi cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất theo mô hình lúa – tôm.

Vùng Nam Quốc lộ 1A gồm 10 vùng thích nghi, phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, làm muối và phát triển rừng ngập mặn.

Nhìn chung, Bạc Liêu có nhiều vùng đất thích nghi, trong đó nhóm đất ngọt thích hợp cho các loại cây có giá trị kinh tế cao như lúa và hoa màu; nhóm đất mặn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng rừng phòng hộ.

2.2.1.4. Khí hậu

Tỉnh Bạc Liêu nằm trong khu vực mang đặc trưng điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo, ảnh hưởng của biển, với nền nhiệt độ cao (nhiệt độ không khí trung bình 26,75 0C, cao nhất 36,7 0C, thấp nhất 16,4 0C; tổng lượng nhiệt cả năm trên 9.500 0C); lượng mưa trung bình năm 1.855 mm (giai đoạn 1980-1999) và 2128,6mm (giai đoạn 2000-2010), lượng mưa cao nhất 2.877 mm (năm 2007) và lượng mưa thấp nhất 1.391 mm ( năm 1991); lượng bốc hơi cao (trung bình 1.191 mm, cao nhất 1.334 mm và thấp nhất 858 mm); số giờ chiếu sáng cao (bình quân 2.486 giờ, cao nhất 2.624 giờ và thấp nhất 2.112 giờ); chế độ gió biến động không lớn; bị ảnh hưởng không nặng bởi bão và áp thấp nhiệt đới, trừ cơn bão số 5 xảy ra vào năm 1997.

80 79 78 77 84 86 57 88 89 90 87 83 25,2 26,3 27,6 28,2 27,2 26,5 26,3 25,5 27,1 28,5 26,6 26,7 0 50 100 150 200 250 300 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Tháng mm 23 24 25 26 27 28 29 0 C

Độ ẩm TB (%) Lượng mưa TB (mm) Lượng Bốc Hơi (mm) Nhiệt độ TB (0C)

Biểu đồ 2.1: Một số yếu tố khí hậu khu vực tỉnh Bạc Liêu (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Những đặc điểm khí hậu cần lưu ý trong quá trình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

- Mùa mưa từ tháng V đến tháng XI, lượng mưa chiếm trên 90% tổng lượng mưa cả năm, phân bố không đều giữa các tháng và có xu hướng tăng dần từ tháng V đến tháng VI, giảm trong tháng VII và tháng VIII, tăng mạnh trong tháng IX và tháng X. Đối với những năm mưa ít, tổng lượng mưa nhỏ, mưa thường đến muộn và dứt sớm, giữa mùa mưa (trung tuần tháng VII đến đầu tháng VIII) thường xảy ra đợt hạn hán kéo dài từ 15 - 20 ngày (còn gọi là hạn bà chằng), dẫn đến mặn xâm nhập sâu hơn năm bình thường, thiếu nước ngọt cho canh tác nông nghiệp vào thời gian đầu, giữa và cuối mùa mưa, làm giảm năng suất hoặc phải tăng chi phí bơm tưới, điển hình là mùa mưa năm 2009. Ngược lại, đối với những năm mưa nhiều, thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ ở khu vực có địa hình thấp, nhất là vào tháng IX và tháng X (riêng năm 2010 ngập úng đã xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh vào tháng XI), cũng làm tăng chi phí bơm tiêu úng, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu, gây khó khăn cho thu hoạch và phơi sấy, làm thất thoát và giảm chất lượng sản phẩm nếu không có biện pháp sấy kịp thời (vụ Hè Thu).

- Mùa khô từ tháng XII đến tháng IV dương lịch năm sau, lượng mưa không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng mưa cả năm, nền nhiệt độ cao, ẩm độ không khí xuống thấp, thời gian chiếu sáng trong ngày dài, triều xâm nhập sâu, độ mặn tăng cao, hầu hết cây trồng đều không canh tác được nếu như không chủ động được nguồn nước tưới. Ngược lại,

nếu có nước tưới chủ động thì hầu hết cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ trong mùa này (vụ Đông Xuân và Xuân Hè).

2.2.1.5. Tài nguyên nước

a. Nguồn nước mặt và chế độ thủy văn

Nguồn nước mặt và chế độ thủy văn trên sông rạch của tỉnh chịu tác động của 4 yếu tố chính là địa hình, lượng mưa tại chỗ, nguồn nước sông Hậu đưa về và chế độ thủy triều biển Đông, biển Tây với những đặc điểm chính như sau:

- Do vị trí địa lý của tỉnh Bạc Liêu nằm ở khu vực Bán đảo Cà Mau thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có địa hình tương đối thấp, hệ thống kênh rạch dày đặc và có nhiều cửa sông, kênh rạch lớn ăn thông ra biển như: Kênh 30/4, Chùa Phật, Cái Cùng, Huyện Kệ và sông Gành Hào. Mực nước trong các kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của chế độ bán nhật triều biển Đông với lưu tốc dòng chảy mạnh, biên độ triều khá lớn (bình quân 2,85 m), tạo thuận lợi cho việc tiêu nước tự chảy và rửa mặn, phèn; lấy nước mặn từ biển vào đồng ruộng để NTTS, làm muối, phát triển rừng ngập mặn; phần diện tích còn lại (khu vực xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A và một phần xã Lộc Ninh, Ninh Thạnh Lợi,... huyện Hồng Dân) chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều biển Tây qua hệ thống sông Cái Lớn, tỉnh Kiên Giang.

- Hiện nay, khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A đến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp và từ kênh Giá Rai - Phó Sinh đến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đã được ngọt hóa (Tiểu vùng giữ ngọt ổn định); khu vực còn lại của vùng phía Bắc Quốc lộ 1A được điều tiết nước mặn phục vụ NTTS (nuôi tôm sú kết hợp nuôi cua, cá) vào mùa khô (qua hệ thống cống dọc Quốc lộ 1A và một phần từ biển Tây do chưa khép kín các công trình ngăn mặn từ phía tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang); vào mùa mưa thực hiện giữ ngọt phục vụ trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh (Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất); khu vực phía Nam Quốc lộ 1A (vùng thích nghi) thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi tôm quản canh cải tiến kết hợp, tôm – rừng, làm muối và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Bên cạnh các đặc điểm nêu trên, chế độ thủy văn trên địa bàn tỉnh còn có một số đặc điểm khác cần được lưu ý đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và NTTS:

- Do chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều biển Đông và biển Tây, đã gây nên một số khu vực giáp nước ở phía Bắc kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (khu vực từ kênh 6.000 đến kênh 10.000), hạn chế đến khả năng tiêu thoát và gây ô nhiễm nguồn nước.

- Do ở cách xa sông Hậu, tuy ít chịu ảnh hưởng của lũ sông Mê Công, nhưng nguồn nước ngọt về tỉnh trong mùa mưa bị hạn chế và mùa khô hầu như không có, cộng với triều cường tăng dẫn đến mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng.

- Do tác động của các dòng hải lưu đã gây ra tình trạng xói lở và bồi lắng không đều dọc theo bờ biển Đông, gồm: Đoạn từ Gò Cát (xã Điền Hải) đến cửa Gành Hào, bờ biển bị xói lở mạnh; đoạn từ Gò Cát đến kênh 30/4 (thành phố Bạc Liêu), bờ biển được bồi đắp và đoạn từ kênh 30/4 tới ranh tỉnh Sóc Trăng, bờ biển bị xói lở trở lại. Kết quả tính toán từ ảnh vệ tinh giai đoạn 1968-1998, cửa sông Gành Hào bị xói lở từ 0,1 – 0,5 km, đoạn bờ biển huyện Đông Hải được bồi đắp 0,5-1,5 km và đoạn bờ biển huyện Hòa Bình được bồi đắp từ 0,36 – 0,73 km.

b. Nguồn nước ngầm

Nguồn nước ngầm tầng nông nằm sát mặt đất được bổ sung bằng nước mưa và lượng nước từ kênh rạch. Mực thủy cấp của nguồn nước này thay đổi tùy theo mùa. Mùa mưa mực nước ngầm cách mặt đất từ 0,5 – 1 m, mùa khô mực nước hạ thấp xuống 1 – 3 m. Nguồn nước ngầm tầng nông thường bị nhiễm mặn, phèn do vậy không thể sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Về mùa khô, nước được chuyển lên mặt đất bằng các mao dẫn mang theo muối và các chất gây độc không có lợi cho cây trồng.

Nguồn nước ngầm ở tầng sâu khá phong phú với trữ lượng lớn, chất lượng khá tốt. Có 4 tầng nước ngầm có thể khai thác nằm ở độ sâu khoảng 80 – 500 m trong địa bàn tỉnh. Hiện tại tầng nước được khai thác và sử dụng nhiều có độ sâu trung bình 80 – 100 m. Trữ lượng khai thác có thể đạt từ 3,68 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm được quản lý một cách đúng mức, cần phải có những biện pháp quản lý sát để bảo vệ nguồn nước ngầm.

Nhìn chung, nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của tỉnh chủ yếu là nước mưa, nước từ sông Hậu và nguồn nước ngầm. Trữ lượng nước có khả năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh.

2.2.1.6. Tài nguyên biển

Vùng biển Bạc Liêu rộng trên 40.000 km2 (trong đó vùng đặc quyền kinh tế 20.742 km2), trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại (như cá có tới 661 loài). Nhiều loại có trữ lượng và giá trị kinh tế cao như tôm biển các loại, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường. Trữ lượng cá đáy và cá nổi lên đến trên 800 nghìn tấn, hàng năm có thể

khai thác từ 240 nghìn đến 300 nghìn tấn. Tôm biển có trên 30 loài, có thể đánh bắt khoảng 10 nghìn tấn mỗi năm. Ngoài ra, ở vùng biển Bạc Liêu còn nhiều loài hải sản khác có thể khai thác hàng hóa như mực, nghêu, sò huyết…

Với 3 cửa biển Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng Bạc Liêu có thể phát triển mạnh các ngành vận tải, cảng biển và du lịch biển. Gành Hào có khả năng phát triển thành trung tâm kinh tế biển lớn của tỉnh cũng như của ven biển phía Đông Nam Bộ (khu vực từ Mũi Dinh đến Cà Mau), cung cấp các dịch vụ cho đánh bắt và chế biến thủy hải sản.

2.2.1.7. Sinh vật

Độ che phủ rừng đạt 2,49% năm 2010, diện tích rừng và đất rừng chiếm vào khoảng 6.401 ha, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (4.657 ha). Cây trồng chủ yếu là mắm trắng, cây đước, cây tràm. Rừng ở Bạc Liêu có 2 loại sinh thái rừng đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long là rừng ngập mặn ven biển và rừng ngập nước nội địa, trong đó rừng ngập mặn có năng suất sinh học cao, có giá trị về phòng hộ và môi trường. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Bạc Liêu có hệ động, thực vật khá đa dạng về mặt sinh học. Theo thống kê có: 64 loài thực vật thuộc 27 họ, chủ yếu là cây Đước, Vẹt, Mắm, Giá. Động vật trong rừng ngập mặn có 12 loài thú, 12 loài bò sát, 8 loài ếch nhái, 67 loài chim đầm lầy, 25 loài tôm và 250 loài cá nước mặn. Các hệ sinh thái rừng ngập mặn và cửa sông Bạc Liêu khá nhạy cảm với ô nhiễm môi trường. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, đây là khu vực cần được lưu ý và quan tâm đặc biệt.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 52 - 58)