Khái niệm phát triển nông thôn

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 40 - 41)

7. Bố cục của đề tài

1.3.2.Khái niệm phát triển nông thôn

Phát triển nông thôn là một phạm trù rộng được nhận thức với rất nhiều quan điểm khác nhau. Đã có nhiều nghiên cứu và triển khai ứng dụng thuật ngữ này ở các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, thuật ngữ phát triển nông thôn được đề cập đến từ lâu và có sự thay đổi về nhận thức qua các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lý luận quản lý, chúng ta vẫn chưa có sự tổng hợp lý luận hệ thống về thuật ngữ này. Nhiều tổ chức phát triển quốc tế đã nghiên cứu và vận dụng thuật ngữ này ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngân Hàng Thế Giới (1975) đã đưa ra định nghĩa: “Phát triển nông thôn là một chiến lược nhằm cải thiện các điều kiện sống về kinh tế và xã hội của một nhóm người cụ thể - người nghèo ở vùng nông thôn. Nó giúp những người nghèo nhất trong những người dân sống ở các vùng nông thôn được hưởng lợi ích từ sự phát triển”. Chiến lược này cũng nhằm mở rộng phúc lợi của quá trình phát triển cho những cư dân nông thôn, những người đang tìm kiếm sinh kế ở nông thôn.

Một số quan điểm khác cho rằng, phát triển nông thôn là hoạt động nhằm nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người dân nông thôn thông qua việc sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực của điạ phương bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực. Phát triển nông thôn sẽ thành công khi chính người dân nông thôn tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Ðiều đó đòi hỏi chiến lược phát triển nông thôn phải được xây dựng trên nền tảng tính tự tin của chính người dân nông thôn. Họ phải biết cách tự duy trì bền vững cuộc sống của họ về tài chính, sự độc lập về kinh tế, có khả năng tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ vật chất và tinh thần ngày càng nhiều hơn. Qua đó, tự người dân nông thôn sẽ nâng cao vị trí của bản thân họ trong xã hội và trong quá trình phát triển của đất nước.

Phát triển nông thôn có tác động theo nhiều khía cạnh khác nhau. Ðây là một quá trình thu hút mọi người dân tham gia vào các chương trình phát triển, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các cư dân nông thôn. Ðồng thời, phát triển nông thôn là quá trình thực hiện hiện đại hoá nền văn hoá nông thôn, nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ.

Khái niệm phát triển nông thôn mang tính toàn diện và đa phương, bao gồm phát triển các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động có tính chất liên kết phục vụ nông nghiệp, công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, các ngành nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội,

nguồn nhân lực nông thôn và xây dựng, tăng cường các dịch vụ và phương tiện phục vụ cộng đồng nông thôn.

Phát triển vùng nông thôn phải đảm bảo sự bền vững về môi trường, ngày nay vấn đề phát triển nông thôn bền vững được đặt ra nhằm tạo sự phát triển lâu dài, ổn định không những cho các vùng nông thôn mà còn đối với cả quốc gia. Có thể hiểu phát triển nông thôn bền vững một cách ngắn gọn là sự phát triển tập trung vào người dân (tiếp cận từ dưới lên), đồng thời phải phát triển đa ngành và giải quyết thích đáng mối quan hệ liên ngành (tiếp cận tổng hợp), và phát triển đảm bảo sự cân xứng với việc quản lý môi trường (tiếp cận quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên).

Phát triển nông thôn là sự phát triển tổng hợp của tất cả các hoạt động có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa các yếu tố vật chất, kinh tế,công nghệ, văn hoá, xã hội, thể chế và môi trường. Nó không thể tiến hành một cách độc lập mà phải được đặt trong khuôn khổ của một chiến lược, chương trình phát triển của quốc gia. Sự phát triển của các vùng nông thôn sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế nói riêng và sự phát triển chung của cả đất nước.

Như vậy, có rất nhiều quan điểm về khái niệm phát triển nông thôn. Trong điều kiện của Việt Nam, tổng hợp quan điểm từ các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, thuật ngữ này có thể hiểu như sau: phát triển nông thôn là một quá trình cải thiện có chủ ý một cách bền vững về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Quá trình này, trước hết là do chính người dân nông thôn và có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước và các tổ chức khác.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 40 - 41)