Giải pháp về tổ chức sản xuất

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 142 - 145)

7. Bố cục của đề tài

3.4.5. Giải pháp về tổ chức sản xuất

3.4.5.1. Phát triển kinh tế hộ

- Kinh tế hộ là đơn vị kinh tế tự chủ, có vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và tiếp tục tồn tại lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kinh tế hộ có nhiều hạn chế cần được nhà nước cũng như các doanh nghiệp hỗ trợ,

- Tạo điều kiện phát huy tốt hơn vai trò tự chủ trong sản xuất kinh doanh, chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như: chính sách đất đai, đầu tư và tín dụng, khuyến nông, tiêu thụ nông sản.

- Khuyến khích hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, ngành nghề nông thôn để giảm bớt hộ thuần nông, tăng số hộ kiêm ngành nghề và dịch vụ, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo.

- Trợ giúp các hộ ít đất có thể chuyển sang các mô hình sản xuất sử dụng ít đất, nhưng sử dụng nhiều lao động, mô hình chăn nuôi gia trại để tăng thu nhập và sử dụng tốt nguồn lao động, khắc phục tình trạng tái nghèo.

3.4.5.2. Phát triển kinh tế tập thể

- Tạo sự thông suốt về chỉ đạo trong các cấp, các ngành, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về Luật Hợp tác xã và những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thành công trên địa bàn tỉnh, huyện và các tỉnh lân cận để tăng tính thuyết phục; nâng cao nhận thức

của người dân về tính cấp thiết và lợi ích của kinh tế hợp tác trong nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

- Củng cố các HTX đã có tiếp tục phát triển để làm nòng cốt cho phong trào, đi đôi với vận động và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập các HTX, trong đó chú trọng phát triển các HTX đa chức năng, gồm: sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư với hình thức quản lý khác nhau từ thấp tới cao.

- Khuyến khích người dân thành lập tổ kinh tế hợp tác phù hợp với yêu cầu sản xuất, trình độ quản lý sản xuất kinh doanh với các loại hình hợp tác như: tổ hợp tác về thủy nông, về tiêu thụ nông sản, về chăn nuôi, về ngành nghề, về tương trợ vốn, về sản xuất và cung ứng giống.v.v.v

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho HTX và tổ kinh tế hợp tác, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ kế toán và kỹ thuật, phấn đấu đến năm 2015 mỗi HTX có ít nhất một kỹ sư hoặc trung cấp chuyên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của HTX đó.

- Khuyến khích xã viên góp vốn bằng nhiều hình thức (bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất…) và tạo điều kiện cho hợp tác xã được vay vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác; nghiên cứu để hợp tác xã có thể thế chấp bằng tài sản từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và bằng dự án có hiệu quả cũng như từ các chương trình, dự án quốc gia.

- Mở rộng các mối liên kết kinh tế giữa HTX, tổ kinh tế hợp tác với các thành phần kinh tế khác, trước hết là với kinh tế nhà nước trong các lĩnh vực cung ứng vật tư, dịch vụ và tiêu thụ nông sản hàng hóa, tiến tới xây dựng mô hình hợp tác đa sở hữu vốn, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo ở những vùng sản xuất nguyên liệu, vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.

- Củng cố lại bộ phận chuyên trách về kinh tế hợp tác ở các cấp và các ngành có liên quan; xây dựng, tổ chức triển khai và định kỳ sơ tổng kết việc thực hiện đề án phát triển kinh tế hợp tác của ngành mình; thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

- Triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với thành phần kinh tế hợp tác như: chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, khoa học và công nghệ, khuyến nông, tiêu thụ nông lâm thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực.

3.4.5.3. Phát triển kinh tế trang trại

- Xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển trang trại nhằm đưa kinh tế trang trại phát triển đúng hướng, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp – nông thôn, nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi hiện nay.

- Tạo điều kiện thuận lợi cũng như có chính sách ưu đãi để hộ kinh tế trang trại mở rộng đất đai dưới nhiều hình thức; trợ giúp bồi dưỡng kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh cũng như kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho chủ trang trại; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tiếp cận thị trường xuất khẩu, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

- Đảm bảo cho kinh tế trang trại được hưởng từ các quy chế vay vốn ưu đãi trong đầu tư xây dựng trang trại và mua sắm máy móc để tổ chức sản xuất trong phạm vi trang trại và làm dịch vụ cho bên ngoài.

- Từng bước hình thành các hình thức liên kết hợp tác, trước hết là khuyến khích và lôi kéo các chủ trang trại tham gia vào các hợp tác xã, tự nguyện liên kết với nhau dưới hình thức câu lạc bộ trang trại, tổ liên kết trang trại hoặc với hình thức cao hơn là HTX trang trại, công ty cổ phần trang trại.

- Khuyến khích các trang trại đi tiên phong vào ứng dụng các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh cơ giới hoá, hiện đại hoá và tăng cường hợp tác với các thành phần kinh tế khác.

- Khuyến khích các trang trại có quy mô lớn chuyển sang thành lập doanh nghiệp để được hưởng các quy chế ưu đãi theo Luật Doanh nghiệp.

3.4.5.4. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

- Thực hiện tốt chính sách kêu gọi đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác các tiềm năng của tỉnh về sản xuất nông thủy sản, công nghiệp chế biến. Nghiên cứu, vận dụng, ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh cao hơn so với đầu tư vào các lĩnh vực khác. Có chính sách khuyến khích và ưu tiên phát triển vườn ươm tạo doanh nghiệp.

- Thu hút các nhà đầu tư đầu tư cho sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 142 - 145)