Giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến nông-lâm-ngư

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 134 - 139)

7. Bố cục của đề tài

3.4.2. Giải pháp về khoa học công nghệ, khuyến nông-lâm-ngư

3.4.2.1. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp úng dụng công nghệ cao

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ là một trong bốn nội dung chính trong chương trình hành động của Chính phủ và các địa phương về đẩy mạnh tiến

trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các nội dung chủ yếu của tỉnh cần tập trung vào trong giai đoạn tới:

- Xúc tiến mạnh mẽ công tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học và kỹ thuật sản xuất phù hợp với từng đối tượng sản xuất trên từng vùng và tiểu vùng, gồm:

+ Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, lúa sạch và lúa đặc sản trên đất nuôi tôm.

+ Chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. + Chương trình cơ giới hóa nông nghiệp.

+ Chương trình tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân

- Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và tiểu vùng, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp và thủy sản, gồm:

+ Mô hình 3 tăng, 5 giảm, 1 phải trong sản xuất lúa. + Mô hình sản xuất lúa kết hợp với nuôi thủy sản. + Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp.

+ Mô hình 2 lúa + 1 màu (vụ xuân hè với các loại cây trồng chính là bắp, đậu nành, dưa hấu, mè, đậu đỗ các loại…).

+ Mô hình sản xuất lúa sạch và sản xuất rau an toàn.

+ Mô hình cải tạo vườn tạp (trồng cây ăn trái, rau) và mô hình trồng rau, màu trên bờ vuông tôm.

+ Mô hình nuôi các loại thủy đặc sản (cá sấu, ba ba, cá trình, cá lăng, cá bống tượng, lươn, ếch…).

+ Mô hình chăn nuôi gia trại và trang trại kết hợp với nuôi trồng thủy sản.

- Thử nghiệm và nhân rộng (khi thành công) các kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước và công nghệ tưới thích hợp với từng loại cây trồng cạn.

- Hướng dẫn người sản xuất cách thức phối trộn và sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và thủy sản để giúp tăng năng suất và giảm chi phí, cũng như sơ chế biến các loại phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu sức ép về ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường.

- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về xử lý chất thải cho các trang trại và hộ chăn nuôi lớn, trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.

- Chuyển giao công nghệ chế biến nông sản và công nghệ sau thu hoạch, nhất là với các loại sản phẩm mới trong hệ thống đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi.

- Thử nghiệm các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để là cơ sở cho nhân rộng trong giai đoạn sau năm 2015, với các đối tượng chính là sản xuất giống cây trồng và vật nuôi, sản xuất rau an toàn, nuôi trồng thủy sản chuyên canh thâm canh cao, kỹ chuật chăn nuôi heo và gà trang trại.v.v.

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển nhằm hạn chế thiên tai và ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng, từng bước sử dụng có hiệu quả đất bãi bồi ven biển.

- Chú trọng xây dựng mạng lưới sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo cung cấp đủ giống cho sản xuất với chất lượng đảm bảo, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng. Cùng với đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất giống theo các phương pháp nhân giống hiện đại cho các cơ sở nhân giống, cần tăng cường công tác kiểm định giống trước khi đưa ra tiêu thụ. Hạn chế tối đa tình trạng sử dụng các giống kém chất lượng và không sạch bệnh. Từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước mắt tập trung vào sản xuất giống và sản xuất các sản phẩm an toàn:

- Vùng sản xuất giống thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: ở phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu (122 ha), ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (200 ha) và ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (200 ha).

- Vùng sản xuất giống lúa tập trung ứng dụng công nghệ cao, gồm: xã Ninh Hòa, Ninh Quới, Ninh Quới A (huyện Hồng Dân); xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi); xã Vĩnh Bình, Minh Diệu, Vĩnh Mỹ B, thị trấn hòa Bình (huyện hòa Bình); xã Phong Thạnh Đông, Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai); xã Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Thanh (huyện Phước Long).

- Vùng sản xuất rau an toàn tập trung ứng dụng công nghệ cao ở các ở Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu); Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Đông, Hưng Phú (Phước Long), TT. Ngan Dừa (Hồng Dân), Long Điền Tây và An Trạch (Đông Hải).

- Vùng sản xuất lúa + tôm càng xanh ứng dụng công nghệ cao ở xã Phước Long, huyện Phước Long.

3.4.2.2. Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông - ngư nghiệp

a. Cơ giới hóa nông nghiệp

- Đối với trồng trọt tập trung vào các khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch và phơi sấy, đặc biệt đối với sản xuất lúa cần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình sản xuất:

+ Đến năm 2015, hầu hết diện tích lúa được gieo bằng máy sạ hàng.

+ Chuyển từ bơm nước bằng máy xăng – dầu sang các trạm bơm điện với quy mô công suất vừa và nhỏ phục vụ từ 20-50 ha, tùy độ lớn của từng khu ruộng và quy mô của tổ hợp tác, trong đó ưu tiên đầu tư cho các vùng chuyên canh lúa.

+ Chuyển từ phun thuốc trừ sâu bình sang phun máy có công suất lớn. + Đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

+ Tăng tỷ lệ sấy thóc vụ hè thu đến năm 2015 đạt 40-50% sản lượng và đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu sấy toàn bộ sản lượng.

- Đối với chăn nuôi: Tăng cường trang bị cơ giới hóa khâu cung cấp thức ăn và khâu vệ sinh chuồng trại, hiện đại hóa khâu làm mát đối với các trang trại nuôi heo và nuôi gà theo phương thức chuồng kín.

- Đối với nuôi trồng thủy sản: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và trong mô hình nuôi thâm canh, đảm bảo xử lý tốt về chất thải để đảm bảo cân bằng sinh thái, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo từng thị trường xuất khẩu.

b. Hiện đại hóa đánh bắt thủy sản

Tập trung đầu tư cho đánh bắt xa bờ, chuyển từ tàu công suất nhỏ sang tàu công suất lớn (từ 90CV trở lên), trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại để tăng năng suất đánh bắt.

3.4.2.3. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông

- Xây dựng hoàn thiện mạng lưới khuyến nông (bao gồm cả khuyến lâm, ngư, ngành nghề nông thôn) từ tỉnh xuống đến xã trên cơ sở, tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông ở cấp huyện, bố trí đủ cán bộ chuyên trách nông nghiệp cho cấp xã, tổ chức tốt mạng lưới cộng tác viên ở thôn ấp nhằm làm tốt vai trò hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông – lâm – thủy sản.

- Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông – lâm – ngư, đặc biệt phải bám sát yêu cầu thực tiễn và tương lai phát triển để xây dựng kế hoạch phù hợp và hiệu quả, đưa chương trình đào tạo nghề cho nông dân vào các trường và các trung tâm dạy nghề. Tiếp tục xây

dựng và thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm và chuyên sâu, nhằm chuyển giao nhanh những kết quả nghiên cứu về giống, các mô hình sản xuất có hiệu quả trên từng vùng sinh thái, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

- Phát triển mạnh các câu lạc bộ khuyến nông và đưa các nội dung khuyến nông vào các chương trình truyền thông, mạng internet.

- Tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trực tiếp vào công tác khuyến nông.

- Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, trên cơ sở phát huy có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình; phong phú hoá một cách thiết thực các hoạt động khuyến nông để người nông dân có thể tiếp nhận nhanh nhất, hiệu quả nhất các TBKT, công nghệ vào sản xuất và kích thích tính sáng tạo của người dân.

- Có chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ khuyến nông về cơ sở nhằm ổn định mạng lưới khuyến nông viên, nâng cao chất lượng hoạt động.

- Nhân rộng dịch vụ tư vấn, bảo hiểm phát triển nông lâm thủy sản.

3.4.2.4. Chính sách phát triển khoa học công nghệ

- Ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nhằm tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững, các lĩnh vực được xác định cần tập trung gồm:

- Ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào tạo giống, nhân giống và sản xuất giống các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhằm giúp nông dân chủ động sử dụng các giống với chất lượng cao, giá thành hạ, sạch bệnh, đáp ứng kịp thời số lượng theo thời vụ sản xuất.

- Ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện quy trình sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và từng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

- Các chương trình ứng dụng các mô hình sản xuất mới đối với các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế và có tiềm năng mở rộng diện tích để hình thành các vùng nguyên liệu lớn là lúa gạo, thủy sản, rau - quả.

- Thu hút các chương trình nghiên cứu của Trung ương và hợp tác quốc tế, của các cơ quan nghiên cứu trong vùng miền, nhất là các đề tài có tính đột phá (giống mới cho năng suất và chất lượng cao, công nghệ sản xuất kết hợp với chế biến kèm theo), các đề tài nhằm tìm ra giải pháp ứng phó với tình trạng nước biển dâng, sử dụng tiết kiệm nước tưới vào mùa khô, phát triển rừng ngập mặn.v.v.

- Hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, chủ trang trại mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhu cầu cơ giới hóa của hộ, đồng thời làm dịch vụ cho các hộ khác trong vùng.

- Khuyến khích các cơ sở kinh doanh máy móc nông nghiệp mở rộng các hình thức bán trả góp hoặc cho thuê thông qua chính sách tín dụng và thuế.

- Chú trọng đầu tư cải tạo mặt bằng đồng ruộng, mở rộng quy mô đất sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung đi đôi với phát triển hệ thống giao thông vận chuyển để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triên nông thôn trên quan điểm phát triển bền vững ở tỉnh bạc liêu (Trang 134 - 139)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)