Khái niệm văn hóa chính trị

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 32 - 38)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

2.1.1.3. Khái niệm văn hóa chính trị

Chính trị là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, dùng để chỉ những công việc liên quan đến nhà nước, là nghệ thuật cai trị của nhà nước và là phương pháp để thực hiện các mục tiêu của quốc gia. Chính trị xuất hiện từ khi xã hội có phân hóa giai cấp và tác động, chi phối đến tất cả mọi người thuộc các giai cấp, tầng lớp khác nhau. Chính vì thế mà Aristotle cho rằng, con người

là động vật chính trị. Mặc dù vậy, trong thực tế, chính trị đã từng là công cụ đặc quyền để giai cấp thống trị buộc các giai cấp khác phải phục tùng ý chí của mình. Tuy nhiên, cùng với quá trình dân chủ hóa, chính trị dần trở thành công việc của đông đảo quần chúng nhân dân. Mọi công dân đều có quyền tham gia vào công việc của nhà nước ở những mức độ, phạm vi khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi công dân.

Vậy, chính trị có cần thiết hay không?, là tốt hay xấu đối với con người?. Trước hết cần khẳng định là, chính trị là một hiện tượng lịch sử, chỉ ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của giai cấp, nhưng nó rất cần thiết cho sự phát triển của xã hội, là một nấc thang trong tiến trình phát triển của nhân loại. Xung quanh vấn đề chính trị, từ xưa đến nay đã có rất nhiều quan điểm khác nhau. Ở phương Tây, một triết gia Hy Lạp cổ đại - Plato - người thầy của Aristotle cho rằng, chính trị là nghệ thuật cai trị và cai trị bằng sức mạnh là độc tài, còn cai trị bằng thuyết phục mới là cai trị đích thực. Gần đây, nhà kinh tế, chính trị và xã hội học người Đức Maximilan Carl Emil weber cho rằng, chính trị là khát vọng tham gia vào quyền lực hay ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia, bên trong quốc gia hay giữa các tập đoàn người trong một quốc gia. Với quan điểm này, một số học giả cho rằng, chính trị là sự khôn khéo, là nghệ thuật, là thủ đoạn, là trường đấu tranh, chiếm quyền hành, tước vị mà kẻ thắng thế chưa hẳn là người tốt.

Các quan niệm trên đây tuy có những yếu tố hợp lý nhưng chưa phản ánh đúng nội dung cơ bản nhất trong phạm trù chính trị, đó là tính giai cấp của nó. Chỉ khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, phạm trù chính trị mới có được những quan niệm đúng đắn, cách mạng và khoa học. Theo Lênin, về bản chất, “Chính trị là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp; chính trị là thái độ của giai cấp vô sản đang đấu tranh tự giải phóng mình chống giai cấp tư sản toàn thế giới”[47, tr.482]. Về phương thức của chính trị, Lênin cho rằng, “Chính trị là một khoa học và nghệ thuật không phải từ trên trời rơi xuống, mà đòi hỏi một sự cố gắng, rằng giai cấp vô sản muốn thắng giai cấp tư sản thì phải đào tạo lấy “những nhà chính trị giai cấp” thực sự của mình,

những nhà chính trị vô sản và không thua kém các nhà chính trị của giai cấp tư sản”[47, tr.80-81].

Về mối quan hệ giữa chính trị với văn hóa, chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, văn hóa là tiền đề, điều kiện của chính trị và luôn bị chi phối bởi chính trị. Lênin viết: “Chừng nào ở nước ta còn có một hiện tượng như nạn mù chữ, thì rất khó có thể nói đến giáo dục chính trị. Đó không phải là một nhiệm vụ chính trị, đó là một điều kiện mà nếu thiếu, thì không thể nói đến chính trị được. Một người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị”[48, tr.218]. Tóm lại, dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, văn hóa và chính trị luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo nghĩa rộng, chính trị là một hệ sản phẩm, một phương thức biểu hiện của văn hóa, nằm trong văn hóa. Theo nghĩa hẹp, văn hóa bị chi phối bởi chính trị và phải phục vụ cho chính trị.

Như vậy, chính trị luôn gắn liền với con người kể từ khi nhà nước ra đời và đó là một lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của đời sống xã hội. Mọi thành quả lý luận và thực tiễn do con người sáng tạo ra liên quan đến việc giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước đều thuộc về VHCT. Với cách nhìn nhận như vậy, cùng với quá trình ra đời và phát triển của nhà nước, khái niệm VHCT đã hình thành và từng bước hoàn thiện.

Việc định nghĩa VHCT tùy thuộc vào mục đích và cách tiếp cận của mỗi chủ thể nghiên cứu. Cùng với sự phát triển của khoa học chính trị ở các nước nói chung, ở phương Tây nói riêng, cho đến nay đã có khá nhiều định nghĩa về VHCT. Có thể kể đến một số định nghĩa tiêu biểu sau:

Người đầu tiên đưa ra khái niệm VHCT là nhà chính trị học người Mĩ G.Almond. Trong bài “Các hệ thống chính trị so sánh” đăng trên tạp chí chính trị học (The Journal of politics), số 8-1956, Almond đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa chính trị của một dân tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị”[114, tr.14-15]. Sau khi ra đời, khái niệm VHCT này đã được giới chính trị học thế giới quan tâm nghiên cứu.

Trong cuốn “Bách khoa toàn thư khoa học xã hội quốc tế”,được biên soạn năm 1961, nhà chính trị học người Anh L.Pye đã đưa ra định nghĩa: “văn hóa chính

trị là hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm; nó đem lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ bản và quy tắc chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể”[118, tr.218]. Định nghĩa này cho thấy, tác giả không những chưa đề cập đến vấn đề giai cấp của VHCT mà nội hàm của VHCT cũng chỉ được đề cập đến ở góc độ nhận thức tư tưởng.

Theo tác giả Phạm Hồng Tung, gần đây, ở phương Tây có hai cách định nghĩa tiêu biểu về văn hóa chính trị của giới khoa học chính trị Đức đó là: cách định nghĩa thứ nhất của Werner J.Patzelt, được đưa ra trong cuốn sách “Nhập môn khoa học chính trị”, xuất bản năm 1992. Tác giả định nghĩa:

Văn hóa chính trị là một khái niệm tập hợp dùng để chỉ những giá trị chính trị quan trọng, tri thức, quan niệm và thái độ trong một xã hội; những dạng thức được bộc lộ ra thông qua hoạt động chính trị và tham dự chính trị; những quy tắc công khai hay mặc nhiên được thừa nhận của quá trình chính trị và những cơ sở thường nhật của các hệ thống chính trị.[dẫn theo 104, tr.22].

Cách định nghĩa thứ hai của các nhà khoa học chính trị Đức được nêu ra trong cuốn “Từ điển chính trị” xuất bản năm 2007. Ở đây, VHCT được định nghĩa:

Là khái niệm dùng để chỉ chiều cạnh chủ quan của những cơ sở xã hội của các hệ thống chính trị. Văn hóa chính trị liên quan tới những bộ phận khác nhau của ý thức chính trị, những phong thái, những lối nghĩ và ứng xử điển hình của những nhóm xã hội hoặc toàn xã hội. Văn hóa chính trị bao gồm tất cả những đặc tính chính trị cá nhân của từng cá thể, tiềm ẩn trong những thái độ và các giá trị, bắt rễ trong những động cơ bẩm sinh của hành vi chính trị, và cả trong những hình thức bộc lộ có tính chất biểu tượng và những ứng xử chính trị cụ thể.[dẫn theo 104, tr.23-24]. Hai định nghĩa trên đây cho thấy, VHCT không chỉ là các giá trị của tri thức chính trị, thái độ chính trị mà còn bao gồm những dạng thức của hành vi và sự tham dự chính trị. Mặt khác, hai định nghĩa này lần đầu tiên đề cập đến tính chất cá nhân của VHCT.

Kế thừa các kết quả nghiên cứu của thế giới, các nhà khoa học Việt Nam đã có sự nhìn nhận rõ hơn về VHCT. Trong cuốn sách “Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay” do Phạm Ngọc Quang (chủ biên), xuất bản năm 1995 đã định nghĩa:

Văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa; nó nói lên tri thức, năng lực sáng tạo trong hoạt động chính trị dựa trên sự nhận thức sâu sắc các quan hệ chính trị hiện thực cùng những thiết chế chính trị tiến bộ được lập ra để thực hiện lợi ích chính trị cơ bản của giai cấp hay của nhân dân phù hợp sự phát triển của lịch sử. Văn hóa chính trị nói lên phẩm chất và hình thức hoạt động chính trị của con người cùng những thiết chế chính trị mà họ lập ra để thực hiện những lợi ích giai cấp cơ bản của chủ thể tương ứng.[87, tr.19].

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh nhà văn hóa kiệt xuất” của Song Thành, xuất bản năm 2010, tác giả định nghĩa:

Văn hóa chính trị là một bộ phận cấu thành của văn hóa, kết tinh trong đó cả tri thức, lý tưởng, đạo đức và năng lực hoạt động chính trị, có ảnh hưởng đến thái độ, hành vi chính trị của một cá nhân hay một cộng đồng xã hội nhất định. Văn hóa chính trị được hình thành từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa chính trị hiện đại, dưới sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị của giai cấp hay đảng cầm quyền.[96, tr.86].

Trong cuốn “Các chuyên đề bài giảng chính trị học”, dành cho cao học chuyên chính trị học, do Phan Xuân Sơn chủ biên, đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa, ở đó kết tinh toàn bộ giá trị, phẩm chất, năng lực, trình độ và phương thức hoạt động chính trị, được hình thành trên cơ sở một nền chính trị với thể chế, hệ thống và thiết chế đúng đắn, khoa học, thực hiện lợi ích giai cấp, dân tộc, quốc gia, phù hợp với tiến bộ xã hội - con người”.[91, tr.260].

Như vậy, mặc dù về cơ bản, các định nghĩa nêu trên có điểm chung, đều coi VHCT là một bộ phận, một lĩnh vực của văn hóa nói chung; được cấu thành bởi các giá trị do con người sáng tạo trong quá trình hoạt động chính trị; ra đời nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi chính trị của cá nhân hoặc cộng đồng và luôn bị chi phối bởi hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội. Tuy nhiên, các khái niệm trên đây vẫn còn những khác biệt về nguồn gốc, cấu trúc, đặc trưng biểu hiện của VHCT. Do vậy, việc bổ sung, hoàn thiện khái niệm VHCT để có được một công cụ có tính phổ biến trong việc nghiên cứu VHCT nói riêng, chính trị học nói chung là cần thiết và có ý nghĩa khoa học. Kế thừa các định nghĩa khái niệm VHCT nêu trên và qua phân tích các dấu hiệu nội hàm của khái niệm VHCT, có thể rút ra một định nghĩa VHCT như sau:

“Văn hóa chính trị là một bộ phận, một phương thức biểu hiện của văn hóa, ra đời và tồn tại trong xã hội có giai cấp. Là tổng hòa các giá trị của tư tưởng, hành vi và các thiết chế chính cụ thể phù hợp với tiến bộ xã hội, do con người sáng tạo ra và bồi đắp trong suốt quá trình ứng xử với quyền lực nhà nước. Văn hóa chính trị biểu hiện qua các mô hình tổ chức thể chế chính trị, các chuẩn mực, phẩm chất, năng lực tham dự chính trị của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Khái niệm này cho thấy, VHCT là những giá trị chung mà cộng đồng người đã sáng tạo ra trong suốt quá trình ứng xử với quyền lực nhà nước, nhằm tạo ra các thiết chế chính trị phù hợp với tiến bộ xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, cần nhận rõ, giá trị chung là tổng hòa của nhiều giá trị riêng không ngang bằng nhau. Như vậy, trong giá trị chung đó, sẽ có những giá trị riêng tiêu biểu của những cá nhân xuất chúng, những lãnh tụ chính trị của dân tộc, vĩ nhân của thời đại mà những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của họ được cộng đồng thừa nhận trở thành giá trị chung. Những giá trị đó được thực tiễn kiểm nghiệm, chắt lọc và tích lũy trong quá trình lịch sử gắn liền với sự ra đời, phát triển của giai cấp và nhà nước. VHCT không chỉ bao gồm các giá trị tư tưởng, lý luận mà còn bao hàm cả những hành vi cũng như nghệ thuật thể hiện hành vi trong quá trình tham dự chính trị được cộng đồng thừa nhận, chia sẻ và vận dụng trong việc thiết lập và vận hành một nền chính trị nhất định.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)