Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự tích hợp, chắt lọc nhiều giá trị và mang bản chất của giai cấp công nhân

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 116 - 119)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

3.2.1. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự tích hợp, chắt lọc nhiều giá trị và mang bản chất của giai cấp công nhân

và mang bản chất của giai cấp công nhân

Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đã đề đôi câu đối đặt tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh ở ATK rằng: “Thâu thái Đông, Tây, Kim, Cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Đây là sự khái quát tinh tế và sâu sắc, làm nổi bật một đặc trưng cơ bản của VHCT Hồ Chí Minh, đó là sự tích tụ cả ở bề rộng và chiều sâu nhiều giá trị VHCT mà nhân loại đã sáng tạo ra để góp phần xây dựng nền chính trị nhân văn, tiến bộ ở Việt Nam. Bởi lẽ, Hồ Chí Minh là một trong số ít những nhà chính trị trên thế giới có trải nghiệm thực tế với thời gian dài và không gian rộng ở ngoài phạm vi biên giới quốc gia của dân tộc mình. Bằng ý chí, nghị lực và khả năng tự học siêu việt, Người đã tiếp xúc với hầu hết các học thuyết chính trị, các hệ tư tưởng cổ, kim, Đông, Tây trên thế giới. Một học giả nước ngoài đã viết: “Ông Hồ Chí Minh là một nhân vật kỳ lạ nhất trong thời đại chúng ta; ông có chút gì giống Găngđi, có chút ít giống Lênin, nhưng hoàn toàn có tính cách Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác trong thế kỷ này, ông Hồ là hiện thân sinh động của cách mạng đối với nhân dân ông và cả đối với thế giới nữa”[8, tr.63]. Mặc dù vậy, Người không sùng bái hay thiên kiến với riêng học thuyết nào. Theo Người, mọi học thuyết đều là tinh hoa tư tưởng của nhân loại và đều mang tính lịch sử, cụ thể của nó. Mỗi học thuyết đều nhằm giải quyết một hay một số vấn đề cụ thể nào đó của thực tiễn. Vì vậy, nó không có lợi cho giai tầng này thì lại có lợi cho giai tầng khác. Với tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, Người đã chắt lọc và tích hợp tất cả những giá trị nhân sinh, những yếu tố phù hợp, có lợi cho sự nghiệp GPDT và hướng tới giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Tuy nhiên, cần thấy rõ, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận, nguồn gốc chủ yếu quyết định nhất cho việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như VHCT của Người. Không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì Hồ Chí Minh chỉ là một trong số nhiều sĩ phu yêu nước cùng thời, và tư tưởng cũng như VHCT của Người không vượt qua được cái bóng của VHCT truyền thống. Thực tiễn cho thấy, chỉ sau khi tiếp xúc với Luận cương của

Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Hồ Chí Minh mới xác định chắc chắn con đường cách mạng cần phải đi; mới chuyển từ lập trường yêu nước truyền thống sang lập trường của giai cấp vô sản và lấy Cách mạng tháng Mười Nga làm tấm gương, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho mọi tư tưởng và hành động chính trị của mình. Người khẳng định:

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nó là “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”[64, tr.96].

Hồ Chí Minh đã ứng xử với chủ nghĩa Mác - Lênin bằng lập trường của người cộng sản và bằng chính những nguyên tắc phương pháp luận mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề ra. Người coi chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của khoa học xã hội nhưng không phải kinh thánh. Do vậy, theo Người, “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc…học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta”[64, tr.611]. Với tinh thần đó, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết tất cả những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Từ việc xác định mục tiêu, con đường đến chiến lược, sách lược của từng giai đoạn cách mạng; từ lực lượng, phương pháp đến hình thức, cách thức, bước đi trong từng nhiệm vụ cụ thể. Phát biểu tại khóa họp Xôviết tối cao Liên Xô nhân kỷ niệm bốn mươi năm Cách mạng tháng Mười, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi sáng con đường cho dân tộc chúng tôi tiến tới tương lai tươi sáng. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lênin,...nhân dân Việt Nam tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của mình, quyết tâm đi tới một tương lai hạnh phúc tươi đẹp, đi tới xã hội xã hội chủ nghĩa”[64, tr.181].

Như vậy, VHCT Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là sự tích hợp với tính cách là sự cộng lại những tinh hoa của văn hóa dân tộc và nhân loại. Bởi lẽ, trên nền

tảng những giá trị đó, bằng năng lực chủ quan của mình, Người đã vượt gộp tất cả để sáng tạo ra những giá trị mới. Do đó, VHCT Hồ Chí Minh không xa lạ với VHCT truyền thống của dân tộc nhưng lại khắc phục được sự bất lực của VHCT truyền thống trong cuộc đối đầu với VHCT của chủ nghĩa thực dân. Một nhà báo nước ngoài đã viết: “Hồ Chí Minh là một hình ảnh hoàn chỉnh của sự kết hợp: đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, tinh thần cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc. Tất cả đều hòa hợp trong một dáng dấp rất tự nhiên”[8, tr.124].

Một trong những nét đặc trưng của VHCT Hồ Chí Minh là tư tưởng và hành động ứng xử với giai cấp công nhân trong quá trình cách mạng. Vượt lên so với các bậc tiền bối và các nhà chính trị đương thời, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nhận ra vai trò to lớn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Người cho rằng, địa vị của mỗi giai cấp trong công việc sản xuất khác nhau, cho nên đặc tính của mỗi giai cấp cũng khác nhau và vai trò cách mạng cũng khác nhau, trong đó:

Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo.[61, tr.256].

Trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng và nắm chắc thực tiễn đất nước, cùng với việc đề cao vai trò lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đề cao giai cấp công nhân với tính cách là động lực chủ yếu của cách mạng. Theo Người, động lực cách mạng là toàn dân, bao gồm bốn giai cấp, trong đó, công nhân và nông dân là gốc của cách mạng. Người cho rằng, giai cấp công nhân sẽ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng cùng với tiến trình công nghiệp hóa tất yếu của một nước nông nghiệp quá độ lên CNXH. Hồ Chí Minh đã nêu câu hỏi và trả lời: “Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm

công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, v.v…nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân”[68, tr.679].

Nội dung biểu hiện rõ nét đặc trưng bản chất giai cấp công nhân trong VHCT Hồ Chí Minh là việc, Người thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng và của Nhà nước. Người yêu cầu, Đảng phải là đảng của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; nhà nước phải mang bản chất của giai cấp công nhân, do đảng cộng sản lãnh đạo và với chức năng của mình, nhà nước phải hướng tới mục tiêu xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Tóm lại, VHCT Hồ Chí Minh mang bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và đây là yếu tố cơ bản để phân biệt với VHCT của các chủ thể khác. Tuy nhiên không thể đồng nhất VHCT Hồ Chí Minh với VHCT Mác - Lênin, mà cần nhận rõ, đó là mối quan hệ biện chứng giữa cái chung, cái phổ biến với cái riêng, cái đặc thù.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 116 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)