- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.2.4. Cách tiếp cận văn hóa chính trị Hồ Chí Minh
Việc thừa nhận vị trí, vai trò của cá nhân trong VHCT đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu VHCT của những nhân vật tiêu biểu, những lãnh tụ chính trị. Mặc dù vậy, việc nhìn nhận VHCT của cá nhân như một đối tượng nghiên cứu độc lập của khoa học chính trị vẫn chưa có sự nhất trí cao, do đó chưa có nhiều các công trình nghiên cứu về VHCT với tính cách là cá nhân hay lãnh tụ chính trị. Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị vĩ đại, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, Người không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc mà còn là nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất. Người không chỉ sáng tạo lý luận mà còn để lại những chuẩn mực về phong cách ứng xử và tham dự chính trị. Vì vậy, VHCT Hồ Chí Minh cần được tiếp cận nghiên cứu từ những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Thứ nhất,tiếp cận VHCT Hồ Chí Minh từ mối quan hệ giữa cá nhân, dân tộc và thời đại.
Thực tế cho thấy, mỗi cá nhân không thể tách rời cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Bởi lẽ, mỗi cá nhân chỉ có thể chứng tỏ sự tồn tại của mình trong mối quan hệ với cộng đồng bằng việc đáp ứng các chuẩn mực văn hóa và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Do đó, mỗi cá nhân sẽ mang dấu ấn và bản sắc văn hóa của cộng đồng mà mình được sinh ra. Hồ Chí Minh là người con của dân tộc Việt Nam, là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam. Người ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng từ thực tiễn chính trị Việt Nam và nhằm thay đổi diện mạo đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh cụ thể của chính trị thế giới. Vì vậy, khi nghiên cứu VHCT của Người không thể tách rời con người chính trị Hồ Chí Minh với truyền thống gia đình, đặc trưng văn hóa của quê hương và thực tiễn bối cảnh chính trị trong nước và quốc tế. Tiếp cận VHCT Hồ Chí Minh từ mối quan hệ giữa cá nhân với dân tộc và thời đại, cho phép xác định đúng nguồn gốc, cơ sở hình thành, phát triển và tầm vóc của những giá trị chính trị mà Người sáng tạo ra. Qua đó khẳng định, Hồ Chí Minh là nhà chính trị, lãnh tụ chính trị của nhân dân Việt Nam nhưng có tầm vóc quốc tế.
Thứ hai,tiếp cận VHCT Hồ Chí Minh từ VHCT và VHCT của cá nhân. Bởi vì, Hồ Chí Minh là một cá nhân, con người chính trị cụ thể. Như trên đã trình bày, VHCT là những giá trị, chuẩn mực được hình thành trong quá trình đấu tranh giai cấp. Do vậy, VHCT Hồ Chí Minh cũng phải được xem xét gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp, cụ thể là gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở đó làm rõ thực chất VHCT Hồ Chí Minh và đánh giá những giá trị lý luận và thực tiễn mà Người đã đóng góp cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mặt khác, tiếp cận từ VHCT của cá nhân để làm rõ cấu trúc của VHCT Hồ Chí Minh. Cụ thể là, làm rõ các yếu tố như nhận thức chính trị, hành vi chính trị và nhân cách chính trị của Người.
Thứ ba, tiếp cận VHCT Hồ Chí Minh từ thực tiễn cách thức hoạt động chính trị của Người.
Hồ Chí Minh dấn thân vào sự nghiệp cách mạng từ thực tiễn chính trị Việt Nam, lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất phát và mục tiêu cuối cùng là cải biến và thúc đẩy sự phát triển đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam. Do vậy, ở Hồ Chí Minh, các giá trị hành vi phong phú hơn các giá trị tư tưởng. Mặc dù, Người đã để lại một di sản lớn các tác phẩm, các bài nói, bài viết không chỉ có giá trị lý luận mà còn có giá trị văn học hết sức quý giá, nhưng những hành vi, ứng xử chính trị cụ thể trong suốt cuộc đời, sự nghiệp chính trị của Người mới là những giá trị và đóng góp nổi bật, không chỉ cho các chủ thể chính trị lãnh đạo, quản lý mà cho cả dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Với Hồ Chí Minh, giữa lý luận và thực tiễn hầu như không có khoảng cách, mà luôn gắn liền và đi đôi với nhau.
Theo Hồ Chí Minh, lý thuyết không có chức năng tự thân, mà chỉ có chức năng duy nhất là phục vụ cho sự cải tạo và biến đổi hiện thực, bao gồm cả hiện thực tự nhiên và hiện thực xã hội. Với đặc trưng về cách thức tham dự chính trị của Hồ Chí Minh, một số chính khách nước ngoài đã cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà chính trị thực dụng. Nhận định này mang tính hạn hẹp nhưng không sai, bởi lẽ sự thực dụng ở đây không vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích của quốc gia,
dân tộc, vì sự phát triển của phong trào Cộng sản, Công nhân quốc tế nói riêng và cách mạng thế giới nói chung. Như vậy, với cách tiếp cận này sẽ chỉ ra được sự khác biệt và những đặc trưng cơ bản của VHCT Hồ Chí Minh.
Tóm lại, VHCT Hồ Chí Minh với tính cách một chỉnh thể thì cách tiếp cận phải là tổng hòa các phương pháp bảo đảm tính khoa học và khách quan để đi đến các khái quát về nguồn gốc, bản chất, cấu trúc, đặc trưng, giá trị và ý nghĩa VHCT của một cá nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc và khả năng chia sẻ các giá trị đó trong đời sống chính trị hiện nay.