Cách tiếp cận văn hóa chính trị

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 55)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

2.2.2. Cách tiếp cận văn hóa chính trị

Cách tiếp cận VHCT là việc lựa chọn cách thức nhằm thu nhận những tri thức nhất định về các giá trị do con người sáng tạo ra và sử dụng những giá trị ấy trong một lĩnh vực hoạt động sống hết sức phổ biến của xã hội loài người, đó là lĩnh vực chính trị. Thực tế cho thấy, khi xã hội có phân hóa giai cấp cũng là lúc xuất hiện cuộc đấu tranh giữa các giai cấp xung quanh vấn đề nhà nước. Cuộc đấu tranh đó trước hết để mỗi nhà nước, trong khi sử dụng quyền lực công phục vụ lợi ích giai cấp mình phải đồng thời bảo đảm lợi ích của các giai cấp khác trong xã hội. Khi một nhà nước nào đó không bảo đảm được sự cân bằng giữa hai chức năng này trong một giới hạn cho phép, lúc đó cách mạng xã hội sẽ nổ ra và giai cấp tiên tiến nhất, có nguồn lực mạnh nhất của thời đại sẽ giành quyền kiểm soát, điều hành và sử dụng nhà nước. Đây chính là những chu trình chính trị vận động theo hình xoáy ốc, diễn ra bằng những lần phủ định biện chứng của các mô hình nhà nước.

Trong các công trình nghiên cứu của giới khoa học chính trị phương Tây nổi lên hai cách tiếp cận VHCT tiêu biểu được coi là tiền đề lý luận cho các nghiên cứu VHCT tiếp theo. Cụ thể là:

Thứ nhất,tiếp cận dựa trên lý thuyết về các định hướng chính trị của chủ thể. Đại biểu là hai nhà khoa học Mĩ là Gabriel A. Almond và Sidney Verba, với công trình nghiên cứu có tiêu đề "The Civic Culture. Political Attitudes and Democracy in Five Nations”, do trường đại học Princeton ấn hành lần đầu vào năm 1963. Trong cách tiếp cận này, các tác giả phân khách thể chính trị ra thành bốn loại, đó là: hệ thống chính trị với tính cách là một chỉnh thể; các yếu tố đầu vào của quá trình chính trị như các kênh, các thiết chế cung cấp thông tin; các yếu tố đầu ra của quá trình chính trị như các quyết định, chính sách, pháp luật và bản thân công dân với nghĩa là các chế định và quan niệm về vai trò của công dân đối với chính trị. Với mỗi loại khách thể chính trị, VHCT sẽ thể hiện ở ba loại định hướng đó là: định hướng tri nhận, tức là nhận thức về nó; định hướng cảm nhận, tức là thái độ đối với nó và định hướng đánh giá, tức là những phán xét về nó.

Như vậy, cách tiếp cận này đã đưa ra những công cụ bảo đảm tính khách quan trong nghiên cứu so sánh các nền VHCT, cho phép đánh giá sự tương hợp hay không tương hợp giữa VHCT với một thể chế chính trị cụ thể. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế nhất định: một là, mới chỉ nhìn nhận VHCT ở phạm vi quốc gia, dân tộc, do đó chưa thể đưa ra một định nghĩa tổng quát về VHCT theo nghĩa rộng; hai là, mới chỉ nhìn VHCT ở góc độ nhận thức và ứng xử của người dân nói chung đối với quá trình chính trị hiện tại nên chưa thấy được nguồn gốc và tính chất của VHCT.

Thứ hai, tiếp cận VHCT dựa trên lý thuyết lựa chọn chính trị, đại biểu là Aaron Wildavsky đã đưa ra trong tác phẩm: Choosing Preferences by Constructing Institutions: A cultural Theory of Preference Formation. Với cách tiếp cận này, VHCT được coi là tính chất chủ quan của việc lựa chọn giữa các phương án chính trị mà trong những điều kiện nhất định, các phương án không phải là vô hạn. Tức là, cũng giống như cách tiếp cận định hướng chính trị, tác giả coi VHCT là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị. Cách tiếp cận lựa chọn chính trị đã bổ sung cho cách tiếp cận định hướng chính trị những công cụ hữu hiệu để nhận diện nguồn gốc và tính chất của VHCT. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chủ yếu đề cập đến vai trò của nhóm mà chưa cung cấp một cách nhìn tổng quát hơn về VHCT.

Qua phân tích một số cách tiếp cận nêu trên thấy rằng, để nhìn nhận VHCT một cách khái quát nhất, cần bổ sung một số cách tiếp cận sau đây:

Một là, tiếp cận VHCT từ văn hóa và tính hệ thống của văn hóa. Thực ra đây là việc thu hẹp phạm vi tiếp cận của văn hóa. Cách tiếp cận này cho phép nhìn nhận VHCT với tính cách là những giá trị được sáng tạo ra trong lĩnh vực chính trị, là một trong nhiều chiều cạnh của văn hóa, là một tiểu hệ thống trong tính chỉnh thể hệ thống của văn hóa. Theo đó, VHCT thực chất là tính văn hóa của chính trị, là văn hóa hòa quyện vào và biểu hiện ra trong tất cả các khâu, các bước của quá trình chính trị, hay nói cách khác, là chính trị có văn hóa. Tức là, các yếu tố của chính trị

như: con người chính trị; đảng chính trị; nhà nước; mục tiêu, lý tưởng chính trị; quy trình, phương pháp chính trị và các sản phẩm của chính trị là các chủ trương, đường lối, các quyết sách chính trị phải hướng tới các giá trị Chân, Thiện Mĩ, vì sự phát triển, tiến bộ của số đông quần chúng.

Hai là,tiếp cận VHCT từ tính giai cấp của văn hóa. Cách tiếp cận văn hóa nói chung đã cho phép khẳng định rằng, văn hóa ra đời cùng với con người và trong một thời gian dài khi xã hội chưa có phân hóa giai cấp thì văn hóa chưa có tính giai cấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi chưa có giai cấp thì VHCT chưa xuất hiện. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội, trước nhu cầu phối hợp hành động chung để nâng cao hiệu quả trong hoạt động thực tiễn, con người đã liên kết lại với nhau và tổ chức thành các cộng đồng. Hình thức cộng đồng phát triển cao và hoàn thiện nhất là quốc gia, dân tộc. Cùng với sự phát triển của các hình thức liên kết đã diễn ra sự phân hóa giai cấp và dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước. Sự ra đời của giai cấp và nhà nước là sản phẩm của sự sáng tạo văn hóa trong lĩnh vực tổ chức xã hội, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Ngay khi giai cấp và nhà nước ra đời thì toàn bộ những sáng tạo văn hóa của con người đều mang tính giai cấp. Bởi vì, khi đó con người với tính cách là động vật chính trị bắt đầu xuất hiện và dù ở giai cấp nào, con người cũng bị chi phối bởi chính trị, giai cấp và nhà nước. Bản thân nhà nước ra đời từ mâu thuẫn giai cấp trong xã hội và dù có mang bản chất của giai cấp nào thì nhà nước cũng luôn bao hàm trong nó những mâu thuẫn nội tại đó là: mâu thuẫn giữa nhu cầu duy trì sự tồn tại lâu dài của mình với sự đấu tranh không ngừng nghỉ của các giai cấp khác (các nhà nước tiền vô sản); mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng hoàn thiện hơn để đưa xã hội tiến tới chỗ không còn giai cấp và nhà nước với sự chống phá quyết liệt của các giai cấp phi vô sản (nhà nước vô sản). Thực tế đó đã là tiền đề để các nhà kinh điển, nhà văn hóa chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin dự báo rằng, nhà nước chỉ là một hiện tượng lịch sử, nó sẽ tiêu vong cùng với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, sự tồn tại của giai cấp, nhà

nước là lâu dài và không thể phủ nhận vai trò của nó trong quá trình phát triển của nhân loại. Do vậy, toàn bộ những sáng tạo, những giá trị mà con người đạt được trong việc giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước là một lĩnh vực biểu hiện hết sức quan trọng của văn hóa và thuộc phạm trù VHCT. Cách tiếp cận này cho thấy, VHCT không phải là của một giai cấp mà là của tất cả các giai cấp và VHCT cũng mang tính lịch sử. Điều này đòi hỏi, trong nghiên cứu VHCT phải có quan điểm giai cấp, quan điểm lịch sử, cụ thể và phát triển. Để nhìn nhận một giá trị VHCT nào đó phải đặt nó trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, gắn với mục tiêu, lý tưởng và tính chất của giai cấp đã sản sinh ra nó.

Ba là,tiếp cận VHCT từ mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị. Như trên đã phân tích, trong xã hội có sự tồn tại của chính trị, giai cấp và nhà nước thì mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi chính trị và đều xoay quanh chính trị. Do vậy, văn hóa không thể tách rời chính trị, nó phải phục vụ chính trị. Vấn đề là ở chỗ văn hóa phục vụ chính trị nào, hoặc là phục vụ cho việc duy trì sự tồn tại của giai cấp thống trị, bóc lột, hoặc là phục vụ cho việc thiết lập và hoàn thiện một nền chính trị mới tiến bộ hơn. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy dân chủ - xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển”[46, tr.123]. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi bàn về về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[60, tr.246]. Nghĩa là, theo Người, văn hóa không nên và không thể phi chính trị, đứng ngoài chính trị hoặc độc lập với chính trị. Chính trị ở đây theo quan điểm Hồ Chí Minh là chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với CNXH, tự do, công bằng, bình đẳng và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Văn hóa ở trong chính trị tức là, văn hóa thấm sâu vào chính trị trở thành mục tiêu và động lực của chính trị, bảo đảm cho tính nhân văn, nhân đạo, tính

Chân, Thiện, Mĩ trong các chủ trương, đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Như vậy, cách tiếp cận này cho phép nhìn nhận một cách khách quan, khoa học về VHCT, tránh rơi vào thái độ quá tả hoặc quá hữu trong xem xét các giá trị chính trị.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)