- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.1.2.2. Cấu trúc văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị bao gồm các thành tố: con người chính trị, hoạt động thực tiễn chính trị và các sản phẩm chính trị. Do vậy, cấu trúc VHCT được biểu hiện ở mối quan hệ và vai trò của các thành tố nêu trên.
Một là, con người chính trị với tư cách là những chủ thể trong xã hội có phân hóa giai cấp, trong đó có con người cá nhân và con người tập thể. Con người cá
nhân luôn chịu sự chi phối của môi trường chính trị mà họ đang sống, mà thông thường, môi trường đó do giai cấp thống trị tạo ra và áp đặt cho toàn xã hội. Do vậy, những cá nhân này biểu thị VHCT của mình bằng việc nhận thức về tính chính đáng của thể chế chính trị đang chi phối mình và tỏ thái độ tự hào, tin tưởng, muốn bảo vệ hay bất mãn, căm ghét và muốn thay thế bằng một thể chế chính trị khác. Bên cạnh đó, con người tập thể với tính cách là những cộng đồng, những tổ chức, tập hợp các thành viên có chung lợi ích, chung mục đích, lý tưởng, có thể đại diện cho quyền lợi của một giai cấp, một dân tộc (Đảng Cộng sản), hay một nhóm người nhất định (các hội, hiệp hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay của xã hội dân sự ở các nước phương Tây). Những tổ chức này tạo dựng nên các giá trị và phong cách riêng của mình trong quá trình tham dự chính trị. Con người tập thể biểu hiện VHCT của mình thông qua các mục tiêu, lý tưởng, các chuẩn mực và cách thức tiếp cận với quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước. Tóm lại, VHCT của tổ chức là tổng hòa VHCT của cá nhân, trong đó người đứng đầu, lãnh tụ chính trị giữ vai trò chi phối. Các tổ chức với tư cách chủ thể chính trị, đặc biệt là các đảng chính trị có vai trò quan trọng trong hoạt động tham dự chính trị và sáng tạo các giá trị mới của VHCT.
Hai là,hoạt động thực tiễn chính trị với tính cách là cầu nối giữa chủ thể chính trị với môi trường chính trị. Hoạt động thực tiễn chính trị của con người bao gồm một số lĩnh vực chủ yếu như: hoạt động nhận thức chính trị, hoạt động ứng xử chính trị và hoạt động tổ chức đời sống chính trị. Trong đó, hoạt động nhận thức chính trị có đối tượng là các tri thức, tư tưởng, học thuyết và các thể chế chính trị hiện thực mà loài người đã sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Trên cơ sở nhận thức chính trị sẽ nảy sinh những so sánh, đánh giá, phán xét và hình thành trạng thái tâm lý, thái độ, động cơ, tình cảm và cách ứng xử với một giá trị chính trị cụ thể. Hoạt động ứng xử chính trị là giai đoạn tiếp theo của hoạt động nhận thức chính trị. Nếu có nhận thức chính trị phong phú, biết lựa chọn những giá trị ưu việt, có tính phổ quát cao thì sẽ có những ứng xử đúng đắn và ngược lại. Đây là cơ sở lý luận để thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân và tiến hành bưng bít các thông tin về tình
hình chính trị thế giới ở Việt Nam. Và, có lẽ đây cũng chính là cơ sở để Hồ Chí Minh cho rằng, “Phải đi ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình”. Cùng với hoạt động nhận thức và ứng xử chính trị, hoạt động tổ chức đời sống chính trị chính là quá trình tham dự chính trị. Đối tượng của hoạt động này là việc thiết lập, tổ chức và vận hành một thiết chế chính trị cụ thể. Tính thống nhất hay mâu thuẫn của hoạt động tổ chức đời sống chính trị phụ thuộc vào tính chính đáng của thể chế chính trị đang tồn tại. Hoạt động tổ chức đời sống chính trị bao gồm các hành động cụ thể như, tìm cách bảo vệ hay lật đổ một chế độ chính trị, thông qua các hình thức dân chủ để thiết lập môi trường pháp lý, lựa chọn người đại diện, tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và hiện thực hóa các quyết sách chính trị…Hoạt động thực tiễn chính trị từ nhận thức, ứng xử, đến tham dự chính trị cũng có quá trình vận động, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn. Do vậy, bản thân hoạt động thực tiễn chính trị đã là một giá trị quan trọng của VHCT. Nói cách khác, tính nhân văn, nhân đạo của phương pháp và thủ đoạn chính trị chính là một giá trị của VHCT.
Ba là,các sản phẩm chính trị bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể. Trong đó, các giá trị vật thể bao gồm: các mô hình tổ chức đời sống chính trị; các kiểu nhà nước; các phương pháp, cách thức bầu cử và tham dự vào quá trình hình thành các quyết sách chính trị của nhà nước; các thể chế, thiết chế chính trị; các phương tiện, công cụ bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của một nền chính trị…Các giá trị phi vật thể bao gồm: các tri thức chính trị của nhân loại; các học thuyết, lý thuyết chính trị, tôn giáo; các hệ tư tưởng; các lý tưởng, niềm tin chính trị; các chuẩn mực và truyền thống chính trị…