Thực tiễn chính trị Việt Nam

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 74 - 76)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

2.3.2.1. Thực tiễn chính trị Việt Nam

Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong bối cảnh tình hình chính trị của đất nước có sự biến động lớn. Nhân dân Việt Nam lần đầu phải đối phó với một loại kẻ thù mới, đó là thực dân Pháp, chẳng những mạnh hơn về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật mà còn khác biệt về hệ tư tưởng và văn hóa. Trước thực trạng đó, triều đình nhà Nguyễn với hệ tư tưởng Nho giáo đã bộc lộ rõ sự bất lực trước nhiệm vụ giữ vững nền độc lập, tự chủ của đất nước, lần lượt ký các hiệp ước đầu hàng, chấp nhận sự đô hộ của thực dân Pháp. Việt Nam từ một nước quân chủ chuyên chế, trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.

Sau khi đã đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành đẩy mạnh khai thác thuộc địa nhằm chiếm đoạt tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ mạt và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Dưới sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, nhân dân Việt Nam chịu cảnh nước mất, nhà tan, bị bóc lột đến tận xương tủy, bị đầu độc về văn hóa, bị đọa đày trong đói rách, lầm than, bệnh tật. Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất cái gọi là chế độ bảo hộ của Pháp rằng: “Ở Đông Dương, chúng ta đang sống dưới sự “bảo hộ” của nước Pháp. Bảo hộ có nghĩa là che chở. Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn”[54, tr.27- 28].

Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, ở Việt Nam đã ra đời hai giai cấp mới, đó là giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Lúc này, trong xã hội tồn tại hai mâu

thuẫn cơ bản đó là: mâu thuẫn giữa nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến dân tộc là mâu thuẫn cũ, còn mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, mà chủ yếu là công nhân với giai cấp tư sản và giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp là mâu thuẫn mới. Trong đó, mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước với thực dân Pháp và phong kiến, tay sai là gay gắt và bức xúc nhất. Vì vậy, mặc dù nhà nước phong kiến đã chính thức đầu hàng thực dân pháp, nhưng với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần độc lập, tự chủ, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã bùng lên và lan rộng khắp cả nước. Tiêu biểu như phong trào Cần Vương, kéo dài từ 1885 đến 1896 với nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đỉnh cao là khởi nghĩa Hương Khê. Cùng thời gian này còn có cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, kéo dài đến năm 1913. Mặc dù vậy, do các cuộc khởi nghĩa và đấu tranh đó đều được khởi xướng bởi các sĩ phu yêu nước mang ý thức hệ phong kiến, chủ trương đánh đuổi Pháp để khôi phục lại chế độ phong kiến, nhưng lại chưa hiểu rõ kẻ thù, chưa thật tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, chưa có phương pháp đấu tranh đúng đắn, nên cuối cùng đều không giành thắng lợi. Thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX một lần nữa chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ giành độc lập dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Bước sang đầu thế kỷ XX, sau một thời gian tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mà trực tiếp là văn hóa Pháp, cùng với sự ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng Tân hợi (1911) của Trung Quốc, đã hình thành một phong trào cứu nước mới theo hệ tư tưởng tư sản. Những sĩ phu yêu nước theo hệ tư tưởng này chủ trương, gắn cuộc đấu tranh giành ĐLDT với việc xóa bỏ chế độ phong kiến để xây dựng một chế độ xã hội mới, đáp ứng đòi hỏi của đất nước và xu thế phát triển chung của thời đại. Tiêu biểu cho trào lưu cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh với hai phương pháp đấu tranh là bạo động và cải lương. Trong khi Phan Bội Châu lập ra Hội Duy tân, tổ chức phong trào Đông Du sang Nhật để học tập và tìm kiếm sự giúp đỡ của Nhật để đánh Pháp bằng con đường bạo động, thì Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh bằng con đường nghị trường, tiến hành các cải cách kinh tế, văn hóa trong khuôn khổ sự cai trị của Pháp, sau đó đòi thực dân

Pháp trao trả độc lập. Tuy nhiên, con đường cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản cũng sớm thất bại, bởi lẽ, trên thực tế, giai cấp tư sản đã và đang thể hiện sự hiếu chiến, phản động, vô nhân đạo đối với các dân tộc thuộc địa.

Sự chán ghét chế độ thuộc địa nửa phong kiến của nhân dân cộng với sự thất bại của các phong trào cứu nước đã cho thấy sự khủng hoảng và bế tắc về chính trị ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sau này, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”[65, tr.401]. Thực tế đó đã đặt ra cho nhân dân ta câu hỏi bức xúc là dựa vào lực lượng nào hay làm thế nào để giành lại độc lập, tự do, GPDT, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Câu hỏi lớn đó đã tác động đến Hồ Chí Minh từ khi Người còn là một thiếu niên, và sau này khi nhắc lại thời điểm đó, Người đã nói với một nhà văn Mỹ rằng: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”[dẫn theo 100, tr.20]. Như vậy, bối cảnh chính trị Việt Nam giai đoạn Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên không chỉ là yếu tố thôi thúc Người đi tìm con đường cứu nước mới mà còn là cơ sở để Người tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết chính trị duy nhất trả lời được câu hỏi của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Như Người đã nhận xét: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[55, tr.289].

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)