- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.2. CÁCH TIẾP CẬN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ HỒ CHÍ MINH 1 Cách tiếp cận văn hóa
2.2.1. Cách tiếp cận văn hóa
Cách tiếp cận là cách thức mà chủ thể nghiên cứu lựa chọn nhằm đến được với đối tượng, trên cơ sở đó sử dụng các phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể để nhận thức đối tượng. Do vậy, đối tượng nghiên cứu khác nhau thì có cách tiếp cận khác nhau. Cách tiếp cận đúng, phù hợp với đối tượng sẽ tạo điều kiện cho nhận thức đến gần hơn với bản chất của sự vật và ngược lại. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, người nghiên cứu có thể lựa chọn và sử dụng một hay nhiều cách tiếp cận cùng lúc. Theo cách hiểu chung nhất, văn hóa là một khái niệm dùng để chỉ mọi giá trị mang tính Chân, Thiện,
Mĩ mà loài người sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Vì vậy, văn hóa là vấn đề rộng lớn và phức tạp, nó liên quan đến mọi hoạt động sống của con người, nó bao gồm cả tính lịch sử, tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại, nó mang cả dấu ấn của các yếu tố tạo nên môi trường sống của con người như điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết, khí hậu…Với tính cách là một chỉnh thể tồn tại gắn liền với con người và xã hội, văn hóa có nguồn gốc hình thành, có cấu trúc, chức năng, giá trị và ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong những lĩnh vực khác nhau của hoạt động sống. Do đó, để nhận thức đầy đủ mọi chiều cạnh của văn hóa, phải cần đến nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Trong phạm vi của luận án này, với mục đích nghiên cứu là làm rõ mối liên hệ giữa tính cộng đồng với tính cá nhân của văn hóa và vai trò của cá nhân, đặc biệt là của các lãnh tụ chính trị trong việc đóng góp vào văn hóa của cộng đồng, của quốc gia dân tộc và của cả nhân loại. Do vậy, tác giả lựa chọn và sử dụng một số cách tiếp cận văn hóa chủ yếu sau đây:
Thứ nhất,tiếp cận văn hóa với tính cách là những giá trị được sản sinh ra trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Với cách tiếp cận này, văn hóa được nhìn nhận ở phạm vi rộng nhất cả về không gian và thời gian, gắn liền với khái niệm con người, là thuộc tính của con người. Tức là, khi nào và ở đâu có con người thì ở đó có văn hóa, và văn hóa là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống con người và được con người tạo ra một cách có ý thức thông qua hoạt động thực tiễn. Như vậy, khái niệm văn hóa cần được tiếp cận từ các khái niệm liên quan.
Trong mối liên hệ với văn hóa, con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của văn hóa ở những cấp độ và tính chất khác nhau. Ở cấp độ rộng nhất, con người mang tính khái quát và trừu tượng, với vai trò chủ thể đã liên tục làm giàu các giá trị văn hóa và làm cho văn hóa có tính nhân loại trong đó chính bản thân con người với sự hoàn thiện không ngừng cũng là một giá trị của văn hóa. Ngược lại, với tư cách là sản phẩm của văn hóa, con người là biểu hiện tập trung nhất của văn hóa, là vật mang văn hóa đặc biệt, có khả năng tự tái tạo văn hóa. Thực tế cho thấy, nhiều giá trị có thể bị mất đi bởi những biến cố khách quan hoặc chủ quan, nhưng còn con
người thì văn hóa vẫn tồn tại và phát triển. Lịch sử phát triển của nền văn hóa Việt Nam đã cho thấy, sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, với thủ đoạn đồng hóa của phong kiến phương Bắc, nhiều giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể của dân tộc đã bị phá hủy, nhưng con người Việt Nam còn, cho nên nền văn hóa của dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Ở cấp độ quốc gia, con người mang tính tập thể và cộng đồng, đây chính là sản phẩm của văn hóa tổ chức. Nhờ có văn hóa mà con người biết tổ chức, liên kết cộng đồng từ gia đình, thị tộc, bộ lạc, đến quốc gia dân tộc và các tổ chức quốc tế…những sáng tạo của chủ thể văn hóa với tính cách cộng đồng đã tạo nên tính dân tộc và bản sắc văn hóa của cộng đồng, dân tộc và đặc trưng văn hóa của các tổ chức. Ở cấp độ nhỏ nhất, con người mang tính cá nhân. Với tính chất này, văn hóa là nguồn gốc xã hội tạo nên con người cụ thể, làm cho mỗi cá nhân không chỉ có một nhân cách văn hóa nhất định, là những biểu hiện sinh động của văn hóa mà còn là nhân tố tạo thành chủ thể của văn hóa. Không có con người với tính cách cá nhân liên kết lại với nhau trong không gian sẽ chẳng có con người mang tính tập thể hay cộng đồng. Không có nhiều tập thể, cộng đồng liên kết với nhau trong thời gian sẽ không có con người mang tính khái quát, trừu tượng. Những phân tích trên đây đòi hỏi, trong nghiên cứu văn hóa, cùng với việc quan tâm đến tính xã hội, tính cộng đồng, không thể bỏ qua hoặc coi nhẹ vai trò của cá nhân, đặc biệt là những cá nhân kiệt xuất, những người có vai trò to lớn đối với sự phát triển của văn hóa.
Trong mối liên hệ giữa con người và văn hóa, không thể không nhắc đến tự nhiên và hoạt động thực tiễn. Bởi lẽ, tự nhiên là tính thứ nhất so với văn hóa, là nguồn gốc của văn hóa. Tự nhiên vận động tạo ra con người, ngược lại con người bằng hoạt động thực tiễn tác động vào tự nhiên để tạo ra những giá trị đáp ứng nhu cầu của chính mình. Thực tế cho thấy, tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng với những vùng miền khác nhau, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, điều đó làm cho văn hóa vừa có tính lịch sử, vừa có tính dân tộc và tính địa lý. Như vậy, hoạt động thực tiễn là cầu nối giữa con người với tự nhiên, có con người và tự nhiên mà thiếu hoạt động thực tiễn sẽ không có văn hóa. Mặt
khác, hoạt động thực tiễn cũng có quá trình vận động, phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Hoạt động sẽ tạo ra văn hóa, nhưng bản thân hoạt động cũng là văn hóa, vì nó không có sẵn trong tự nhiên mà phải do con người tự sáng tạo ra. Qua những phân tích trên đây thấy rằng, văn hóa không chỉ là sản phẩm mà còn là quá trình và quy trình làm ra sản phẩm đó.
Thứ hai,tiếp cận văn hóa từ tính chất Chân, Thiện, Mĩ và tính chuẩn mực của các giá trị mà con người tạo ra. Giá trị, theo cách hiểu chung nhất, là tính có ích của một sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, giá trị vừa có tính khách quan, vừa có tính chủ quan. Bên cạnh tính khách quan, một sự vật, hiện tượng được cho là có ích hay không lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Vì vậy, một sự vật thậm chí được cho là có ích, đáp ứng mục đích của nhóm người này lại phản lại mục đích của nhóm người khác. Do đó, không phải tất cả mọi cái được cho là có giá trị đều là văn hóa, để giới hạn và nhận diện cho rõ thì chỉ những giá trị nào đáp ứng được tiêu chuẩn Chân, Thiện, Mĩ, được nhiều người thừa nhận và chia sẻ mới là văn hóa. Tức là những giá trị đó phải có tính nhân văn, nhân đạo, vì sự phát triển, tiến bộ của con người, của đồng loại, đáp ứng lợi ích của bản thân hay nhóm người này nhưng không xâm hại đến lợi ích của cá nhân hay nhóm người khác.
Bên cạnh các tiêu chí Chân, Thiện, Mĩ, các giá trị do con người sáng tạo ra còn được đánh giá bằng các chuẩn mực văn hóa. Chuẩn mực là sự kết tinh của giá trị, là những khuôn mẫu định sẵn để làm thước đo thang bậc và đánh giá mức phổ quát của các giá trị. Việc khái quát các giá trị thành chuẩn mực cũng là một sáng tạo văn hóa. Chuẩn mực cũng có tính lịch sử, tính giai cấp và tính chủ quan. Thông thường, các giá trị được đánh giá bằng các chuẩn mực để xem xét tính hợp chuẩn hay lệch chuẩn của giá trị ấy. Tuy nhiên, do tính lịch sử và tính chủ quan của nó mà trong những điều kiện cụ thể một số chuẩn mực cũ sẽ không còn phù hợp và việc phá bỏ, thay thế các chuẩn mực ấy cũng mang tính văn hóa. Chẳng hạn, cùng là chuẩn mực đạo đức “Trung”, “Hiếu” nhưng trong quan niệm của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh hoàn toàn khác với trong quan niệm của đạo đức Nho giáo. Như vậy, khái niệm chuẩn mực luôn gắn liền với khái niệm văn hóa và là hình thức
biểu hiện tập trung nhất của văn hóa. Tóm lại, cách tiếp cận này không chỉ cho phép nhìn nhận và phân loại các giá trị nào là văn hóa, các giá trị nào không phải là văn hóa; đánh giá được các thang bậc giá trị mà còn vạch trần thủ đoạn ngụy văn hóa, áp đặt quan điểm giá trị của một nhóm người hay một quốc gia dân tộc nào đó cho các quốc gia, dân tộc khác.
Thứ ba,tiếp cận văn hóa từ tính sáng tạo, tính biểu tượng và tính hệ thống của các giá trị. Tính sáng tạo là yếu tố làm nên đặc trưng của nhân cách văn hóa và bản sắc của mỗi nền văn hóa, là điều kiện cho văn hóa phát triển. Không có tính sáng tạo, văn hóa sẽ nghèo nàn, đơn điệu và thiếu sức sống. Tính sáng tạo một mặt biểu hiện ở sự tiếp biến các giá trị văn hóa của các cộng đồng, các quốc gia dân tộc khác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để thỏa mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của dân tộc mình. Mặt khác, quan trọng hơn cả là việc tạo ra những giá trị văn hóa mới đáp ứng đòi hỏi của thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Cùng với tính sáng tạo, tính biểu tượng cũng là một đặc trưng của văn hóa. Biểu tượng là cái được gắn vào đó các ý niệm, các khái niệm, các tư tưởng về một sự vật, hiện tượng mà con người mong muốn nó trong thực tiễn cuộc sống. Thực tế cho thấy, mọi hoạt động sáng tạo ra các giá trị của con người đều bắt nguồn từ những tư tưởng, ý nghĩa nhất định, hoặc nhằm đạt tới tư tưởng và ý nghĩa nào đó. Tư tưởng và ý nghĩa có nguồn gốc từ thực tiễn nhưng luôn có yêu cầu cao hơn thực tiễn. Do đó, con người thường lựa chọn những hình ảnh khách quan hoặc chủ quan và gắn cho nó một ý nghĩa, tư tưởng hay khái niệm để nó trở thành những giá trị chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Biểu tượng văn hóa thường có giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất. Bên cạnh tính sáng tạo và tính biểu tượng, văn hóa còn có tính hệ thống. Tính hệ thống của văn hóa không đồng nghĩa với tính bộ phận của nó. Bởi vì, văn hóa không phải là phép cộng đơn thuần của các giá trị bộ phận, mà ngược lại, các giá trị của một bộ phận nào đó là một hình thức biểu hiện của văn hóa. Tóm lại, các cách tiếp cận trên đây mặc dù chưa phải là toàn bộ nhưng đã cho phép trả lời các câu hỏi liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu rằng: văn hóa là cái gì, được hình thành từ đâu, bao gồm những thành tố nào, có những tính chất và đặc trưng gì.