- Các luận văn, luận án có liên quan:
3.1.2.1. Những hoạt động sáng tạo lý luận và thực tiễn chính trị
Năng lực là khả năng tiến hành và đạt được các mục tiêu, lý tưởng trong quá trình nhận thức và biến đổi hiện thực. Nguồn gốc của năng lực là những phẩm chất nhân cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho phép chủ thể hoạt động hoàn thành nhiệm vụ ở một hay một số lĩnh vực nhất định. Năng lực biểu hiện sự thống nhất giữa những giá trị khách quan với những phẩm chất chủ quan và được nhìn nhận ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau, vừa có tính chất cá nhân, vừa có tính chất xã hội. Năng lực cá nhân không chỉ là sản phẩm, mà còn là một dạng biểu hiện của năng lực xã hội, bị chi phối bởi năng lực của xã hội. Mặc dù vậy, năng lực của mỗi cá nhân lại góp phần bồi đắp, nâng cao năng lực của tập thể, của cộng đồng, xã hội. Mặt khác, dù là năng lực của cá nhân hay tập thể cũng chỉ được nhìn nhận thông qua các hoạt động xã hội, trong môi trường xã hội. Và, hoạt động xã hội hay hoạt động thực tiễn chính là thước đo năng lực của mỗi cá nhân, tập thể. Quá trình hình thành năng lực của mỗi cá nhân vừa có nhân tố chủ quan, vừa có yếu tố khách
quan, trong đó nhân tố chủ quan giữ vai trò quyết định. Việc chủ động tiếp thu những giá trị khách quan hay đem những tri thức, kinh nghiệm khách quan tác động một cách có chủ đích để khơi dậy, phát huy những nhân tố chủ quan chính là con đường cơ bản để hình thành năng lực cho mỗi cá nhân.
Năng lực chính trị không những là khả năng chiếm lĩnh, làm chủ các tri thức chính trị, đánh giá đúng giá trị và hạn chế của các tri thức đó, lựa chọn, kế thừa, phát triển và sáng tạo những tri thức mới phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; mà còn là khả năng biến những tri thức đó thành hiện thực trong đời sống chính trị, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân và phù hợp với xu thế thời đại. Năng lực chính trị vừa là một khâu trong quá trình chính trị, vừa là một yếu tố quan trọng tạo nên các giá trị hiện thực của chính trị. Nếu quá trình chính trị không đi đến đích, không trở thành hiện thực thì mọi nhận thức đúng đắn, mục tiêu, lý tưởng chính trị cao đẹp chỉ là lý thuyết, niềm tin chính trị sẽ trở thành chủ quan duy ý chí. Với ý nghĩa đó, năng lực chính trị thực sự là một giá trị quan trọng của VHCT.
Năng lực chính trị Hồ Chí Minh biểu hiện trước hết trong việc lựa chọn, vận dụng và phát triển sáng tạo một lý luận chính trị cách mạng, khoa học nhất, có thể trả lời thấu đáo các câu hỏi lớn của cách mạng Việt Nam như: làm thế nào để giành ĐLDT trước một kẻ thù có tính chất quốc tế là thực dân Pháp?; làm thế nào để có được một đảng cách mạng chân chính của giai cấp vô sản dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn nhỏ bé?, và làm thế nào để giải quyết vấn đề ĐLDT gắn liền với CNXH trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam?. Mặt khác, Hồ Chí Minh còn thể hiện một năng lực tuyệt vời trong việc lựa chọn nội dung, hình thức và cách thức truyền bá lý luận vào quần chúng, trong điều kiện chính quyền thực dân đang thực hiện chính sách ngu dân.
Năng lực chính trị Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở khả năng tổng kết lịch sử, tổng kết thực tiễn và dự báo trước các diễn biến chính trị. Với tầm nhìn chiến lược có phạm vi bao quát thời đại, trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, Người đều đưa ra những dự báo có độ chính xác gần như tuyệt đối. Khả năng dự báo của Hồ Chí Minh là sản phẩm của việc nắm vững các nguyên tắc phương pháp luận của của
chủ nghĩa Mác - Lênin; nắm vững quy luật vận động, phát triển khách quan của mỗi sự vật, hiện tượng; nhận thức đúng đắn vai trò và mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố khách quan, chủ quan và khả năng phân tích hàng loạt các dữ kiện chính trị trong nước và quốc tế. Những dự báo đó có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ vững lập trường, củng cố niềm tin của bản thân Người và của nhân dân ta vào mục tiêu, con đường chính trị đã lựa chọn. Mặt khác, những dự báo đó còn giúp Đảng ta điều chỉnh kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tạo ra sự tương hợp giữa các yếu tố khách quan - chủ quan, trong nước - quốc tế, dân tộc - thời đại mà từ đó sẽ xuất hiện thời cơ có lợi cho cách mạng.
Nội dung quan trọng nhất của năng lực chính trị Hồ Chí Minh là khả năng sử dụng các lực lượng vật chất để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị. Với tri thức và kinh nghiệm chính trị phong phú, Người đã sử dụng các lực lượng vật chất như báo chí và các diễn đàn quốc tế để vạch trần bản chất, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân và tranh thủ sự giúp đỡ của phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế cho sự nghiệp GPDT của Việt Nam; Người không chỉ sáng lập mà còn rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cách mạng chân chính, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập Mặt trận Việt Minh và kêu gọi mọi người Việt Nam yêu nước tích cực tham gia vào các tổ chức, đoàn thể nhân dân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng. Mặc dù chưa có chính quyền, nhưng cần có bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng trong quá trình lật đổ nhà nước thực dân, phong kiến và thiết lập nhà nước Dân chủ Nhân dân, Người đã chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Với khả năng dự báo và hiện thực hóa mục tiêu chính trị, Hồ Chí Minh đã sớm chuẩn bị cho tính chính đáng, tính nhân dân và tính hợp pháp, hợp hiến của một nhà nước dân chủ. Trong 24 năm trên cương vị đứng đầu nhà nước, năng lực chính trị Hồ Chí Minh còn thể hiện ở khả năng truyền cảm hứng cách mạng; cảm hóa, thu phục nhân tâm để tạo nên sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương lớn của Đảng, nhà nước; xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng, củng cố, tăng
cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thiết lập và tăng cường sự đoàn kết giữa các Đảng Cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Với kết quả vận dụng, phát triển sáng tạo và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều lĩnh vực, Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa tư tưởng và tấm gương đạo đức. Mặt khác, năng lực tư duy lý luận, tổ chức thực tiễn cùng những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng GPDT, nhà văn hóa kiệt xuất mà còn trở thành nhà chính trị, nhà tư tưởng lỗi lạc của Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX.