Những tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loạ

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 70 - 74)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

2.3.1.2. Những tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loạ

Tinh hoa VHCT của nhân loại là những giá trị nổi bật về tư tưởng và thực tiễn chính trị mà loài người đã sản sinh ra, được chia sẻ, vận dụng trong đời sống chính trị hiện thực. Tư tưởng chính trị phương Đông thể hiện trong các giáo lý và học thuyết của các nhà tư tưởng tiêu biểu như: giáo lý của Phật giáo ở Ấn Độ; tư tưởng Nho gia, Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia ở Trung Quốc. Những giáo lý và tư tưởng chính trị trên đây đều ít nhiều có ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng hơn cả là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Tuy mức độ ảnh hưởng không ngang bằng nhau nhưng nhìn chung cả ba tôn giáo này hòa đồng với nhau và đều có chỗ đứng nhất định trong chính trị cũng như trong xã hội, đây chính là tinh thần tam giáo đồng nguyên diễn ra dưới thời nhà Trần. Mặc dù không trực tiếp bàn về chính trị, nhưng với tư tưởng từ bi, bình đẳng, bác ái, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu, rộng trong dân gian nói chung, trong chính trị nói riêng, đã tô đậm thêm truyền thống, đạo lý nhân văn, nhân đạo của người Việt, trong đó có Hồ Chí Minh. Những giá trị của nhân cách chính trị Hồ Chí Minh như: tình cảm yêu thương đồng loại; đề cao lao động; khoan dung độ lượng, vị tha...trong cuộc sống đời thường cũng như trong đấu tranh chính trị đã cho thấy sự tác động của Phật giáo đến việc hình thành, phát triển VHCT của Người.

Bên cạnh Phật giáo, với tính cách là một học thuyết chuyên về chính trị - Nho giáo không được nhân dân Việt Nam đề cao trong thời kỳ Bắc thuộc. Tuy nhiên, vào thời độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam lại phải dựa vào Nho giáo. Chính vì vậy, thời kỳ này, Nho giáo phát triển mạnh hơn và bắt đầu từ thời Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo. Với vị trí thống trị về tư tưởng trong suốt hơn nửa thế kỷ, Nho giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống của nhân dân ta và có đóng góp to lớn vào sự phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam. Hồ Chí

Minh sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà nho, nhưng trước sự bất lực của tư tưởng Nho giáo, Người đã đi tìm con đường cứu nước mới. Tuy nhiên, với quan điểm kế thừa và phát triển, Hồ Chí Minh đã lựa chọn những yếu tố tích cực để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Cùng với việc trân trọng, kế thừa những hạt nhân hợp lý, Người cũng triệt để phê phán những hạn chế của Nho giáo. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những ông vua tôn sùng Khổng Tử không phải chỉ vì ông không phải là người cách mạng, mà còn là vì ông tiến hành một cuộc tuyên truyền mạnh mẽ có lợi cho họ. Họ khai thác Khổng giáo như bọn đế quốc đang khai thác Kitô giáo”[55, tr.562]. Và, theo Hồ Chí Minh, Khổng Tử “rõ ràng là người phát ngôn bênh vực những người bóc lột chống lại những người bị áp bức”[55, tr.562].

Một trong những tư tưởng chính trị Trung Hoa cổ đại có ảnh hưởng nhất định ở Việt Nam và tác động phần nào đến việc hình thành VHCT Hồ Chí Chí Minh đó là tư tưởng của Đạo giáo. Tư tưởng chính trị của Đạo giáo phản ánh quyền lợi của người lao động và thấm đượm tình thương đồng loại, chủ trương xây dựng một xã hội dựa trên sự bình đẳng và không có áp bức, bóc lột. Từ quan niệm về Đạo và Đức, Lão Tử đề xướng xây dựng một chính quyền vì dân, đem lại hạnh phúc cho dân và chính quyền như thế cần phải biết tôn trọng các quy tắc tự nhiên của cuộc sống con người. Ông còn cho rằng, nhà nước không phải để cai trị dân mà để làm chỗ dựa cho dân, tạo ra môi trường để dân yên ổn làm ăn. Ông cũng đặt ra tiêu chuẩn của người cầm quyền cai trị là phải có Đức, phải quan tâm đến lợi ích của dân, nói phải đi đôi với làm, phải biết đứng sau, ngồi dưới, có công mà không kể công. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, tiếp thu và kế thừa tư tưởng của Đạo giáo khi nhắc nhở việc giữ gìn an ninh trật tự ở Thủ đô sau ngày giải phóng (10-10-1954). Người viết: “Chính quyền và nhân dân chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giữ gìn trật tự an ninh, sao cho “Dạ bất bế hộ, lộ bất thập di”[62, tr.77], nghĩa là: Ban đêm không cần đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi. Sự kế thừa Đạo giáo còn biểu hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người nói: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm…Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…Riêng phần

tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ,…sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[57, tr.187]. Mặc dù trích dẫn Đạo giáo không nhiều nhưng thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh là người hiện thực hóa nhiều nhất các quan điểm, tư tưởng tích cực của Đạo giáo trong điều kiện mới.

Cùng với những tinh hoa VHCT phương Đông, những giá trị của tư tưởng chính trị phương Tây giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển VHCT Hồ Chí Minh. Chính khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của văn hóa Pháp mà Hồ Chí Minh được tiếp xúc từ khi học tiểu học là yếu tố quan trọng thúc đẩy Người đi sang phương Tây. Trên hành trình tìm đường cứu nước, đặc biệt khi ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc đã được nghiên cứu trực tiếp các tác phẩm về chính trị, tư tưởng, văn học, nghệ thuật của các nhà triết học, nhà văn hóa lớn như: Rousseau, Voltair, Montesquieu... Bên cạnh giá trị xuyên suốt là Tự do, Bình đẳng, Bác ái; những quan điểm duy lý trong khoa học, duy vật về xã hội trong tư duy triết học phương Tây; những tư tưởng về nhà nước pháp quyền, về dân chủ, về quyền con người... của VHCT phương Tây không những đã thấm vào tư tưởng và hành động chính trị Hồ Chí Minh mà còn bộc lộ rõ nét trong các văn kiện chính trị quan trọng của Người. Một chính khách nước ngoài - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Úc đã viết: “Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa sáng tạo vĩ đại và một người hành động…Tư tưởng chính trị của Người chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa lớn ở châu Âu được áp dụng vào một hoàn cảnh châu Á, và điều đó đã đem lại cho nó một ý nghĩa thế giới”[8, tr.85].

Tuy nhiên, yếu tố tư tưởng, lý luận có vai trò quyết định nhất tác động đến việc hình thành VHCT Hồ Chí Minh, được Người tiếp thu trong quá trình tìm đường cứu nước, đó là tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết Mác - Lênin nói chung, tư tưởng chính trị của chủ nghĩa Mác nói riêng được C.Mác, Ph.Ăngghen khái quát dựa trên nền tảng triết học phương Tây và thực tiễn đấu tranh giai cấp ở châu Âu, được Lênin bảo vệ, bổ sung, phát triển trong thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nước Nga. Với tính chất nhân văn, nhân đạo triệt để, với

mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, tạo môi trường chính trị để con người được phát triển toàn diện, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là tinh hoa văn hóa của phương Tây, mà còn là tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Tư tưởng chính trị nói riêng, VHCT Hồ Chí Minh nói chung có sự thay đổi về chất khi Người được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt sau khi đọc được Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên báo Nhân đạo tại Pari vào tháng 7.1920. Sau này, Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao?...Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[65, tr.562]. Người còn cho rằng, “Chủ nghĩa Lênin…, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[65, tr.563]. Kể từ đó, Người không chỉ vận dụng triệt để thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình hoạt động cách mạng của mình mà còn tìm cách truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhận rõ bước nhảy vọt về chất của VHCT Hồ Chí Minh sau khi Người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tế cho thấy, mặc dù chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết chính trị nhân văn nhất, được thể hiện ở mục tiêu chính trị mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã tuyên bố trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, nhưng giá trị văn hóa của học thuyết đó lại bị giới hạn bởi quan niệm về tiến trình đi đến mục tiêu cuối cùng khi cả C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đều cho rằng, các dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải phóng khi giai cấp vô sản ở chính quốc giành được chính quyền. Tiếp thu thế giới quan và phương pháp luận chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, cách mạng thuộc địa hoàn toàn có thể chủ động nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Mặt khác, sau khi giành được quyền tự quyết dân tộc, các nước đó có thể bỏ qua thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên CNXH.

Nhận định này là biểu hiện rõ nét một giá trị mới của VHCT Hồ Chí Minh và đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm.

Tóm lại, VHCT Hồ Chí Minh có sự tích hợp và chắt lọc các giá trị VHCT truyền thống của dân tộc, tinh hoa VHCT của nhân loại và VHCT của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người trở thành biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa, giữa dân tộc và nhân loại, giữa quá khứ và hiện tại. Như nhà thơ Xuân Thủy đã miêu tả: Một con người gồm kim cổ, tây đông/ Giàu quốc tế, đậm Việt Nam từng nét.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)