- Các luận văn, luận án có liên quan:
3.1.1.2. Niềm tin chính trị của Hồ Chí Minh
Niềm tin là sản phẩm của nhận thức, là trạng thái tâm lý thừa nhận một kết quả tất yếu nào đó trong quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng, là cơ sở của thái độ, động cơ và hành động thực tiễn. Nền tảng và mức độ của niềm tin về một kết quả nhất định sẽ xảy ra hay không thể xảy ra trong hiện thực, là mức độ nhận thức về sự vật đó. Nếu niềm tin là kết quả của nhận thức cảm tính thì nó được hình thành một cách nhanh chóng nhưng mang nặng tính chất chủ quan, kinh nghiệm, có thể đúng đắn mà cũng có thể sai lầm và tính kiên định không cao. Ngược lại, nếu niềm tin là kết quả của nhận thức lý tính, khoa học, hơn nữa khoa học đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, khách quan thì nó có tính vững chắc cao, ít bị dao động hay thay đổi cho dù có bất kỳ sự tác động nào đến quá trình vận động của sự vật. Niềm tin sẽ quy định thái độ, động cơ và cách ứng xử cụ thể của con người đối với sự vật, hiện tượng. Niềm tin chỉ có ở con người, gắn liền với con người, là động lực thúc đẩy hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình nhận thức và cải tạo thế giới.
Niềm tin chính trị là sự thừa nhận tính đúng đắn, xác thực, ưu việt, hoặc tính lỗi thời, lạc hậu của một hệ tư tưởng hay một thể chế chính trị nhất định. Niềm tin đó sẽ quy định thái độ, động cơ, hành động ứng xử thực tế của các chủ thể chính trị đối với việc tiến hành duy trì, bảo vệ hay xóa bỏ một hệ tư tưởng, một chế độ chính trị cụ thể nào đó để thiết lập một chế độ chính trị mới. Một hệ tư tưởng, một chế độ chính trị nhất định chỉ có thể đứng vững khi nó làm cho quần chúng nhân dân tin rằng nó còn hợp lý và chính đáng. Niềm tin đó càng sâu rộng thì độ vững chắc càng cao và ngược lại. Tuy nhiên, với quần chúng nhân dân, niềm tin chủ yếu được hình thành một cách cảm tính theo số đông và phụ thuộc vào các tấm gương trong thực tế cuộc sống, đặc biệt là tấm gương của những người đứng đầu.
Do đó, để xây dựng niềm tin chính trị vững chắc, một mặt, phải đề cao việc nêu gương, trước hết là của lãnh tụ chính trị, đảng chính trị, mặt khác,
phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị để từ đó hình thành và củng cố niềm tin. Nhận rõ điều đó, sau khi xác định được con đường cứu nước đúng đắn, việc đầu tiên Hồ Chí Minh nghĩ tới là thức tỉnh quần chúng. Người viết: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ…đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”[54, tr.209]. Sau này, để củng cố niềm tin của nhân dân vào tính ưu việt của chế độ chính trị mới, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về đạo đức cách mạng, bởi theo Người “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[54, tr.284]. Thực tế cho thấy, niềm tin chính trị không chỉ là sản phẩm của tấm gương chính trị mà còn là sản phẩm của giáo dục chính trị. Mặt khác, niềm chính chính trị không những là cơ sở của việc tự tu dưỡng rèn luyện để hình thành các tấm gương chính trị mà còn là động lực thúc đẩy các hành động chính trị, các phong trào chính trị của quần chúng trong việc ứng xử với thể chế chính trị. Vì vậy, niềm tin chính trị là một bộ phận cấu thành quan trọng của VHCT và là một hình thức biểu hiện của VHCT.
Với Hồ Chí Minh, niềm tin chính trị là một bộ phận quan trọng trong VHCT của Người. Nếu không có niềm tin chính trị thì mọi mục tiêu, lý tưởng chính trị chỉ là mơ ước. Và nếu không có niềm tin chính trị, Hồ Chí Minh khó có thể vượt qua được những khó khăn, thách thức để trở thành một nhà chính trị chuyên nghiệp có những cống hiến vĩ đại không chỉ cho sự phát triển của VHCT Việt Nam mà còn cho sự phát triển mọi mặt của đất nước. Với mục tiêu, lý tưởng và nhận thức chính trị của mình, Hồ Chí Minh luôn có một niềm tin chính trị sâu sắc. Đó là niềm tin vào quy luật khách quan và xu thế thời đại; tin vào học thuyết Mác - Lênin; tin vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; tin vào mục tiêu, động lực, phương pháp của con đường cách mạng vô sản; tin vào sức mạnh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tin vào những phẩm chất tốt đẹp và khả năng hướng thiện của con người. Niềm tin chính trị Hồ Chí Minh là cơ sở để Người có thái độ, động cơ, cách ứng xử đúng đắn và quyết tâm cao nhất trong việc thực hiện các chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
Với tính cách là một bộ phận cấu thành của VHCT, niềm tin chính trị Hồ Chí Minh là một niềm tin lý tính, sâu sắc, cách mạng, khoa học, có giá trị to lớn, cho phép Người đưa ra những dự báo chính xác trước những diễn biến phức tạp, mau lẹ của tình hình chính trị thế giới và trong nước. Năm 1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh đã dự báo: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[56, tr.538]. Sau Cách mạng tháng Tám, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta lần thứ hai, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục khẳng định một niềm tin mãnh liệt rằng, “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”[57, tr.534]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước một kẻ thù mạnh hơn ta về nhiều mặt, nhưng Hồ Chí Minh luôn tin rằng, dù chiến tranh có thể kéo dài nhưng nhân dân ta nhất định sẽ đánh thắng giặc Mỹ.
Trên cơ sở niềm tin chính trị, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng tích cực nắm bắt tình hình, có sách lược phù hợp, chuẩn bị tốt những điều kiện cần và đủ để thời cơ cách mạng xuất hiện và chủ động nắm bắt, tận dụng thời cơ một cách triệt để, hiệu quả nhất. Niềm tin chính trị Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thế hệ cách mạng và quần chúng nhân dân, đã khích lệ ý chí, nghị lực, niềm tin và sức sáng tạo của nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.