- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.3.3.1. Lý tưởng, mục tiêu chính trị cao đẹp và phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo
tự chủ, sáng tạo
Một trong những nhân tố chủ quan góp phần tạo nên VHCT Hồ Chí Minh chính là lý tưởng và mục tiêu chính trị mà như Người đã công bố rằng: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[57, tr.187]. Có thể nói, mọi người đều có lý tưởng, đặc biệt là các sĩ phu yêu nước, ai cũng có mục tiêu, lý tưởng giành độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, quan niệm về độc lập của Hồ Chí Minh khác hẳn về chất so với các bậc tiền bối. Trong khi đại biểu của các phong trào cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến hay tư sản coi ĐLDT là trở về với chế độ quân chủ chuyên chế hoặc chế độ dân chủ tư sản mà ở đó, giai cấp địa chủ hay giai cấp tư sản là người thống trị còn nhân dân lao động là người bị trị. Hồ Chí Minh cho rằng, ĐLDT phải gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc, công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, theo Người “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[57, tr.64].
Quan niệm về ĐLDT như trên là nguyên nhân chính của việc Hồ Chí Minh rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng lại không tán thành cách làm của một người nào và đã khước từ con đường Đông Du theo gợi ý của Phan Bội Châu. Và, đó cũng là nguyên nhân của việc Người đã tiếp xúc với nhiều học thuyết, nhiều hệ tư tưởng, đã nghiên cứu, khảo sát, thậm chí đã sống ở các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị lớn của chủ nghĩa tư bản nhưng Người chỉ lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga. Điều này cũng giải thích tại sao, có một số người đã tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin trước Hồ Chí Minh, nhưng lại không xác định được con đường cứu nước như Người.
Cùng với mục tiêu, lý tưởng chính trị cao đẹp, phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo là một yếu tố chủ quan của việc hình thành, phát triển VHCT Hồ Chí Minh. Thực tiễn đã cho thấy, cùng một hiện thực xã hội Việt Nam thuộc địa nửa phong kiến với nhu cầu giành ĐLDT và cùng một bối cảnh quốc tế với những tiền đề chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng với phong cách tư duy truyền thống, bảo thủ thì có con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến; với phong cách tư duy đổi mới nhưng rập khuôn máy móc lại đưa đến con đường cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản; trong khi đó, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đã đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với con đường cách mạng vô sản và một kết luận có tính chân lý rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[65, tr.30].
Với phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Người chỉ coi chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam chứ không phải kinh thánh. Do vậy, quá trình vận dụng phải kiên định về mục tiêu, con đường; về phương hướng, chiến lược nhưng phải linh hoạt, sáng tạo về sách lược. Phong cách trên đây không chỉ có giá trị bởi sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể đã tạo nên những thắng lợi to lớn đối với cách mạng Việt Nam, mà còn mở rộng không gian, nâng cao sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tạo lên nét đặc trưng trong VHCT Hồ Chí Minh.