Phương pháp và phong cách chính trị của Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 91 - 94)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

3.1.1.3. Phương pháp và phong cách chính trị của Hồ Chí Minh

Phương pháp chính trị là tổng hợp các cách thức, biện pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, lý tưởng chính trị, là một khâu hết sức quan trọng của quá trình chính trị và có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của các quyết sách chính trị. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân thất bại của các cuộc đấu tranh nhằm thay đổi thể chế chính trị thuộc địa nửa phong kiến mà các sĩ phu yêu nước và nhân dân Việt Nam tiến hành trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là do chưa có phương pháp đấu tranh đúng đắn.

Trên cơ sở nhận rõ những hạn chế về phương pháp của các bậc tiền bối, tiếp thu và vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một hệ thống các phương pháp cách mạng đó là: lấy thực tiễn Việt Nam làm cơ sở xuất phát để hướng đến mục tiêu cải tạo và phát triển đời sống chính trị của nhân dân; động lực cách mạng là toàn dân nên phải huy động lực lượng của toàn dân; kiên định về chiến lược nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; tích cực, chủ động tạo lực, lập thế và nắm bắt thời cơ cách mạng; đi từ nhỏ đến lớn, từ bộ phận đến toàn thể, giành thắng lợi từng phần để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, các phương pháp trên đây luôn được Người sử dụng đồng thời với tính cách là một phương pháp tổng hợp. Với việc sáng tạo các phương pháp cách mạng, Hồ Chí Minh đã từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chính trị đã xác định, góp phần hình thành và phát triển VHCT.

Phương pháp kết hợp với phong cách trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành VHCT Hồ Chí Minh. Phong cách chính trị là những hoạt động có ý thức, được rèn luyện trở thành nền nếp ổn định của một cá nhân, tập thể hay cộng đồng người nhất định, tạo nên nét đặc trưng, có giá trị cho xã hội. Phong cách có nguồn gốc từ thói quen, nhưng không phải mọi thói quen đều trở thành phong cách. Những nền nếp, thói quen chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của một cá nhân, một tập thể hay một bộ phận người nào đó mà ảnh hưởng đến quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của người khác hay đi ngược lại với lợi ích của số đông thì không được gọi là phong cách. Phong cách không chỉ được phản ánh trong một lĩnh vực cụ thể nào, mà nó được biểu hiện trong mọi hoạt động sống của con người. Mỗi cá nhân và tập thể trong quá trình tồn tại và phát triển luôn phải giải quyết nhiều mối quan hệ khác nhau, đáp ứng những chuẩn mực, yêu cầu, đòi hỏi chung của xã hội. Vì vậy, phong cách gắn liền với mỗi cá nhân, mỗi tập thể, cộng đồng và được phản ánh trong từng mối quan hệ, từng hoạt động cụ thể. Một cá nhân hay tập thể có phong cách ở lĩnh vực này nhưng chưa

hẳn đã có phong cách ở lĩnh vực khác. Phong cách với tính cách là một bộ phận cấu thành của văn hóa phải là những thói quen có thể tạo ra những giá trị vượt trội hơn so với người khác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, có tính chất nhân văn, nhân đạo, được cộng đồng thừa nhận và chia sẻ.

Từ khi xã hội có phân hóa giai cấp, không một cá nhân nào có thể sống tách rời khỏi chính trị mà luôn là một phần của chính trị, luôn có sự tương tác với bộ phận quan trọng nhất của chính trị là nhà nước. Vì vậy, phong cách chính trị là những nền nếp, thói quen có ý thức của các chủ thể trong quá trình ứng xử và tham gia đời sống chính trị. Đó là những thói quen trong nhìn nhận mối quan hệ giữa thể chế chính trị, hệ thống chính trị với công dân và vai trò của công dân trong thể chế chính trị đó. Phong cách chính trị không chỉ thể hiện trong việc nhận thức tính chính đáng hay không chính đáng của hệ thống chính trị hiện hành; vị trí, vai trò của giai cấp đang thống trị về chính trị mà còn thể hiện trong những hành động thực tiễn để duy trì, bảo vệ, củng cố, phát triển hay thay đổi một thể chế chính trị này bằng một thể chế chính trị khác, tiến bộ, nhân văn và ưu việt hơn.

Phong cách chính trị Hồ Chí Minh là những nguyên tắc, lề lối được lặp đi, lặp lại trong hoạt động lý luận và thực tiễn chính trị, tạo nên sự khác biệt và những giá trị to lớn cho cách mạng Việt Nam, được biểu hiện ra trong quá trình tư duy chính trị, diễn đạt tư tưởng chính trị, ứng xử chính trị và sử dụng quyền lực chính trị. Với tính cách là một yếu tố cấu thành của VHCT, phong cách chính trị Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn, chắt lọc tinh hoa từ nhiều mẫu chủ thể chính trị khác nhau. Ở đó, có nguyên tắc, nền nếp ứng xử của người lao động, chấp hành pháp luật; của người cách mạng; của người lãnh đạo, người quản lý. Tuy nhiên, tất cả những nguyên tắc, nền nếp, thói quen ứng xử chính trị đó đều xuất phát từ nhân dân và trở về với nhân dân. Tức là, Người luôn lấy việc bảo đảm quyền con người và quyền dân tộc làm tiêu chuẩn, thước đo để nhìn nhận, đánh giá và ứng xử với những vấn đề chính trị cụ thể.

Phong cách chính trị Hồ Chí Minh thể hiện tập trung nhất ở nguyên tắc hành động là “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức

tránh”[57, tr.51]. Nguyên tắc đó luôn được quán triệt và thể hiện xuyên suốt, nhất quán, chỉ đạo mọi ứng xử chính trị của Người, từ việc phân tích, đánh giá bản chất, vị trí, vai trò của các giai cấp trong xã hội, lựa chọn hệ tư tưởng, mô hình nhà nước đến việc xác định tiêu chí của một thể chế chính trị mới, cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước. Với phong cách chính trị Hồ Chí Minh: người dân là chủ thể của chính trị, một thể chế chính trị thực sự chính đáng phải là đại diện tin cậy cho lợi ích của các giai cấp, tầng lớp và phải đưa xã hội phát triển đúng quy luật khách quan, xu thế thời đại; nhà nước là của dân, do dân, vì dân; cán bộ, công chức là công bộc của dân; Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Phong cách chính trị Hồ Chí Minh không chỉ góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp chính trị của Người, đưa lại những thắng lợi to lớn có ý nghĩa thời đại cho cách mạng Việt Nam, mà còn phát huy cao độ vai trò của nhân dân trong đời sống chính trị; làm cho những người mù chữ cũng không đứng ngoài chính trị.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)