Cách tiếp cận văn hóa chính trị cá nhân

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 55 - 57)

- Các luận văn, luận án có liên quan:

2.2.3. Cách tiếp cận văn hóa chính trị cá nhân

Cách tiếp cận văn hóa và VHCT đã cho thấy những tính chất, cấp độ khác nhau của văn hóa nói chung, VHCT nói riêng, cũng như cho thấy vai trò của cá nhân trong quá trình hình thành, phát triển của văn hóa. Mỗi cá nhân đều vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa. Điều đó đặt ra yêu cầu, khi nghiên cứu sự phát triển của văn hóa không thể bỏ qua vai trò của cá nhân, đặc biệt là trong sự phát triển của VHCT. Trong xã hội có giai cấp, mỗi cá nhân thuộc các giai cấp khác nhau dù muốn hay không, cũng luôn gắn liền với chính trị và bị chi phối bởi chính trị. Tuy nhiên, do sự khác nhau về địa vị giai cấp mà họ đang là thành viên dẫn đến sự khác nhau về cách ứng xử với chính trị.

Do vậy, tiếp cận VHCT cá nhân, trước hết phải bắt đầu từ VHCT. Bởi vì, mỗi cá nhân vừa là một thành tố chủ thể của VHCT, vừa là nơi biểu hiện của một nền VHCT. Việc nhìn nhận vị trí, vai trò của cá nhân trong văn hóa nói chung, VHCT nói riêng là một tất yếu, thể hiện quan điểm biện chứng và cụ thể trong nghiên cứu văn hóa. Điều này không có nghĩa là, khi nghiên cứu VHCT, buộc phải khảo sát đặc tính chính trị của tất cả các cá nhân, mà chính là để người nghiên cứu nhìn nhận đúng đắn, sâu sắc hơn những đặc điểm VHCT của các nhóm hay cộng đồng, dân tộc dưới sự tác động của một cá nhân, người đứng đầu nào đó. Trong tổng thể các cá nhân với tính cách là chủ thể của văn hóa, đương nhiên sẽ có những cá nhân do năng lực, khả năng, ý chí, quyết tâm của mình mà họ chiếm lĩnh được nhiều giá trị xã hội hơn, nên họ có uy tín và quyền lực hơn những cá nhân khác; thậm chí, họ có thể thu phục, thuyết phục, tác động, ảnh hưởng và chi phối những cá nhân khác. Mức độ, phạm vi, số lượng các cá nhân bị chi phối, ảnh hưởng bởi một người nào đó luôn tỷ lệ thuận với năng lực của người đó. Một cá nhân có thể là người chi phối hành động chính trị của một nhóm, một cộng đồng, một tộc người, một cuộc biểu tình, thậm chí là một cuộc cách mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, trong những hành vi chính trị có tính cộng đồng đều được hiện thực hóa thông qua hành vi và sự tham dự của cá nhân. Tuy nhiên, vai trò của từng cá nhân trong quá trình chính trị không ngang bằng nhau. Mỗi cá nhân là một chỉnh thể của sự thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội. Do đó, mặc dù có những điểm chung, nhưng mỗi cá nhân luôn có tính độc lập tương đối và sự phát triển không đều giữa các cá nhân là một tất yếu khách quan. Vì vậy, mỗi cá nhân đóng góp VHCT của mình vào VHCT của cộng đồng với những mức độ, phạm vi khác nhau. Sự đóng góp đó có thể chỉ là việc đồng thuận, tin tưởng, chia sẻ, bảo vệ và phát huy các giá trị về chính trị đã được cộng đồng thừa nhận hay tỏ thái độ yêu, ghét đối với một thể chế chính trị nhất định. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn, một cá nhân có thể đóng góp những giá trị mới về lý luận và thực tiễn chính trị, góp phần làm thay đổi về chất những giá trị truyền thống và tạo ra bước phát triển mới trong đời sống chính trị hiện thực.

Mặt khác, VHCT cá nhân cần được tiếp cận từ các yếu tố cấu thành VHCT. Nếu VHCT được cấu thành từ con người chính trị, hệ tư tưởng chính trị, chuẩn mực chính trị và các thiết chế chính trị thì VHCT cá nhân bao gồm các yếu tố như nhận thức chính trị, hoạt động chính trị thực tiễn và nhân cách chính trị. Trong đó, tri thức chính trị là những hiểu biết về các lý thuyết, học thuyết chính trị, các kinh nghiệm về đấu tranh chính trị, tham dự chính trị và các lý thuyết, kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý… Hoạt động chính trị thực tiễn là khả năng và cách thức tham dự và dấn thân vào chính trị, tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện một thể chế chính trị nhất định. Nhân cách chính trị cá nhân là toàn bộ những yếu tố như lý tưởng, niềm tin, động cơ, thái độ và phong cách ứng xử với một thể chế chính trị cụ thể. Trong xã hội có giai cấp, nếu ở tầm vĩ mô, văn hóa phải ở trong chính trị, thấm vào chính trị, mang bản chất của giai cấp thống trị, phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của giai cấp ấy, thì ở tầm vi mô, con người chính trị trước hết phải là một nhân cách văn hóa. VHCT cá nhân biểu hiện rõ nét ở các lãnh tụ chính trị, các chủ thể lãnh đạo, quản lý.

Một phần của tài liệu luận án tiến sỹ chuyên ngành chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)