- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.3.1.1. Những giá trị văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc Việt Nam
Lịch sử tồn tại và phát triển của bất kỳ quốc gia nào cũng đều ghi nhận công lao to lớn, sự đóng góp vượt bậc của những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và lãnh tụ chính trị của mình. Tuy nhiên, những danh nhân đó bao giờ cũng mang đậm dấu ấn của một dân tộc, và mọi tư tưởng, hành động, nhân cách của họ luôn chịu sự chi phối, tác động của nền văn hóa đã sản sinh, nuôi dưỡng họ. Sở dĩ văn hóa Hồ Chí Minh nói chung, VHCT Hồ Chí Minh nói riêng có được sức sống như hiện nay là bởi những giá trị đó ra đời từ VHCT truyền thống Việt Nam và nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Những giá trị VHCT truyền thống của dân tộc với tính cách là một trong những cơ sở tư tưởng, lý luận không thể thiếu cho việc hình thành và phát triển VHCT Hồ Chí Minh bao gồm:
Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước và tính cộng đồng của quốc gia dân tộc.
Lịch sử đã cho thấy, để tồn tại và phát triển, ngay từ rất sớm, các thế hệ người Việt đã phải quan tâm đến việc chế ước, cải tạo tự nhiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đó là công việc mà một người, một nhà không thể làm nổi mà phải cần đến sức mạnh tập thể. Mặt khác, không chỉ phải đoàn kết để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt mà muốn giữ đất, giữ làng, Các thế hệ người Việt Nam còn phải đoàn
kết để chống giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử. Thực trạng đó đòi hỏi phải có một chính quyền tập trung, thống nhất, để tổ chức, điều hành các hoạt động chung, chăm lo củng cố quốc phòng, lãnh đạo nhân dân đánh bại được các cuộc xâm lăng của ngoại bang, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thành quả lao động của nhân dân. Nhu cầu này được hiện thực hóa trải qua một quá trình, khởi điểm từ Ngô Quyền sau thắng lợi năm 938, mở ra thời kỳ ĐLDT sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục sự nghiệp xây dựng chính quyền quân chủ tập trung bằng công cuộc dẹp loạn mười hai sứ quân, tạo tiền đề cho chế độ quân chủ tập trung được xác lập một cách đầy đủ từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi và xây dựng Kinh đô tại Thăng Long.
Kể từ đó, những triều đại có thể lãnh đạo nhân dân giữ vững giang sơn, bờ cõi thì được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ và ngược lại. Vì vậy, lòng trung thành của người Việt Nam là trung thành với lợi ích và sự độc lập, thống nhất của quốc gia dân tộc chứ không đơn thuần là trung với Vua. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc, “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận”[71, tr.35], tức là đối với mỗi con dân nước Việt, Tổ quốc lớn hơn tất cả. Truyền thống yêu nước Việt Nam được bồi đắp qua nhiều thế hệ, đã trở thành bản sắc của dân tộc, thành lẽ sống, bản tính tự nhiên của mỗi người dân, và có thể so sánh một cách hình tượng như “Con cá sinh ra là biết bơi. Đối với con người Việt Nam sinh ra là đã biết yêu nước”[71, tr.130].
Giá trị VHCT truyền thống trên đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tâm hồn, nhân cách chính trị Hồ Chí Minh. Trước thực trạng đất nước bị nô lệ, nhân dân đói khổ lầm than, Nguyễn Tất Thành đã sớm hình thành chí hướng và nung nấu tư tưởng tìm một con đường để cứu nước, GPDT và giúp đồng bào mình thoát khỏi cảnh thống khổ của thân phận mất nước. Để thực hiện hoài bão cao cả đó, Người đã không quản ngại gian khổ, hy sinh khi quyết định vượt đại dương đi tìm đường cứu nước chỉ với hành trang ban đầu là lòng yêu nước và khát vọng ĐLDT, cái mà Người có được từ truyền thống VHCT của dân tộc. Hành trang đó đưa Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin là một tất yếu khách quan của lịch sử, và Người đã tin theo Lênin, quyết định đi theo con đường cách mạng vô sản, thực hiện mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH. Người từng nói, “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[65, tr.563]. Như vậy, đến Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã có sự phát triển mới về chất, yêu nước gắn liền với yêu CNXH.
Thứ hai, truyền thống đề cao vai trò của nhân dân, yêu nước gắn liền với thương dân, lấy dân làm gốc.
Ở Việt Nam, “Nước - đất nước - Tổ quốc” là sự liên kết của nhiều làng xã, mà làng xã là của dân, do dân lập nên. Làng xã là cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia, dân tộc; là đơn vị hành chính nhỏ nhất nhưng vững chắc nhất; là nơi cung cấp cho chính quyền Trung ương sức người, sức của; là căn cứ địa của các cuộc khởi nghĩa, địa bàn của các cuộc kháng chiến. Văn hóa làng xã là những giá trị được hình thành trong quá trình giải quyết các mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể, giữa làng này với làng khác, giữa làng với nước…và nó trở thành cơ sở của văn hóa dân tộc.
Trải qua quá trình đấu tranh chống thiên tai, địch họa để tồn tại và phát triển, nhân dân Việt Nam thấu hiểu sâu sắc sức mạnh của cộng đồng và mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà với Làng, với Nước. Từ đó hình thành những triết lý dân gian, những giá trị văn hóa bền vững của dân tộc. Vì vậy, tục ngữ có câu (Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Thương người như thể thương thân, hay, Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ). Về mối quan hệ và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình với quốc gia, dân tộc, tục ngữ có câu, (Nước lụt thì lút cả làng/ Đắp đê chống lụt, thiếp chàng cùng lo; hay, Nước mất thì nhà tan)…
Truyền thống yêu nước, thương dân trong VHCT Việt Nam được biểu hiện ở tư tưởng và hành động đề cao vai trò của nhân dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân của các triều đại phong kiến. Thực tiễn đã chứng minh, toàn bộ sự hưng vong của một triều đại phụ thuộc vào “lòng dân”. Các triều đại phong kiến tiến bộ, biết yêu
thương dân, trọng dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, được nhân dân tin tưởng thì cường thịnh; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa có được những thành công rực rỡ trong sự nghiệp chính trị, văn hóa, được nhân dân ghi lòng tạc dạ là do có tình thương yêu nhân dân sâu sắc, vô bờ. Trong“Chiếu dời đô”, Lý Thái Tổ đã coi ý Dân như ý Trời và việc tìm một nơi trung tâm của đất nước để định đô nhằm xây dựng quốc gia thịnh vượng lâu dài cũng là mưu cho ích nước, lợi dân. Trần Quốc Tuấn đã rút ra một trong những nguyên nhân lớn nhất của ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông là “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức” và đưa ra di huấn về kế sách giữ nước lâu dài rằng “Phải khoan thư sức dân để làm kế bền gốc sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”.
Tư tưởng yêu nước, thương dân của các triều đại phong kiến Việt Nam biểu hiện tập trung nhất ở các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa lớn, anh hùng dân tộc, trong đó nổi bật là Nguyễn Trãi (1380 - 1442). Với tấm lòng tràn đầy tình thương người, thương dân, Nguyễn Trãi luôn xem đó là phương châm của đạo trị nước và là một tiêu chí quan trọng để quy chiếu mọi suy nghĩ và hành động của triều đình. Vì vậy, khi được sai soạn nhạc, Nguyễn Trãi cho rằng, nhạc là cần thiết trong trị nước ở thời bình, song, nhạc sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nhân dân chưa được no ấm, dân gian vẫn còn tiếng kêu than, nên Ông đã viết và tâu trong sớ rằng: “Xin Bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”[50, tr.393].
Như vậy, tình yêu thương nhân dân chính là nguồn cội của những tư tưởng nhân văn có sức sống vững bền cùng với thời gian. Đó chẳng những là nguyên nhân của những thành tựu đỉnh cao trong chính trị, quân sự, trở thành một giá trị cơ bản của VHCT Việt Nam truyền thống, mà còn là một trong những lý do để cắt nghĩa sự tồn tại của bản sắc văn hóa Việt Nam sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Giá trị trên đây của VHCT Việt Nam truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hình, phát triển của VHCT Hồ Chí Minh nói chung, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh nói riêng. Người luôn tự hào rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta.”[60, tr.38].
Truyền thống đó không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, động lực thúc đẩy mà còn trở thành niềm tin mãnh liệt để Hồ Chí Minh dấn thân vào sự nghiệp cách mạng bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, bảo đảm cho thành công của sự nghiệp cách mạng. Với những phẩm chất tốt đẹp được kết tụ rồi tỏa sáng từ con người Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu người Mỹ Jules Archer đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với tư cách là một nhà yêu nước vĩ đại nhất, một trong những con người kỳ diệu của thế kỷ.”[8, tr.11].
Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc vai trò chủ thể của nhân dân trong mối quan hệ với đất nước. Vì vậy, trong tư tưởng và hành động cách mạng của Người luôn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước gắn liền với thương dân, vì dân. Quan điểm đó trở thành một chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Không chỉ thấu hiểu, cảm thông với nỗi khổ đau của đồng bào mình, mà trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh còn nhận thấy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới cũng là những người cùng khổ, cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau để trở thành đồng minh chống lại kẻ thù chung là bọn thực dân, đế quốc. Vì thế, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh bao hàm cả tính dân tộc, tính giai cấp và tính nhân loại, mang bản chất của giai cấp công nhân, gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản.
Thứ ba, VHCT truyền thống Việt Nam luôn đề cao độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc hơn một nghìn năm, trước âm mưu đồng hóa của một kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần, các thế hệ người Việt Nam luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nơi sinh sống, bảo vệ nhà nước và các giá trị văn hóa của quốc gia. Vì không muốn người Việt trở thành người Hán, không muốn đất đai và chính quyền của người Việt trở thành một bộ phận của nước Hán, nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài để chống lại sự đồng hóa. Một mặt, để tạo sự khác biệt về mặt hình thể cũng như về văn hóa so với người Hán, người Việt đã kiên quyết bám đất, bám làng, duy trì tục nhuộm răng đen; xăm mình; đánh trống đồng để tế lễ; việt hóa chữ
Hán; giữ gìn tiếng nói riêng; lập đền thờ và duy trì các nghi lễ thờ cúng đối với những người có công với làng, với nước. Mặt khác, trong suốt thời gian đó, các cuộc khởi nghĩa có tính chất dân tộc để giành độc lập, khôi phục nền tự chủ liên tiếp nổ ra. Sau những cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, ông cha ta đều xưng vương, xưng đế, đặt mình ngang hàng với hoàng đế phương Bắc. Các cuộc khởi nghĩa có lần thắng, có lúc thất bại nhưng qua đó ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc ngày càng được bồi đắp.
Thời kỳ phong kiến dân tộc, bắt đầu từ Ngô Quyền, sau khi chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc, ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của quốc gia đã được nâng cao một bước. Trong suốt thời kỳ từ đầu thế kỷ thứ X đến giữa thế kỷ thứ XIX, tư tưởng và hành động độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc luôn được khẳng định và phát huy. Những giá trị đó được biểu hiện nổi bật không chỉ trong những cuộc kháng chiến toàn dân chống xâm lược dưới sự tổ chức và lãnh đạo của các triều đại phong kiến mà còn trong tư tưởng của các nhà chính trị, quân sự, nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc như: Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung…
Đến thời kỳ cận, hiện đại, trước sự tàn bạo, thâm độc của chủ nghĩa thực dân và đế quốc Pháp, trước những thử thách lớn lao của dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường vẫn được các sĩ phu yêu nước khơi dậy và được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng.
Như vậy, giá trị độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của VHCT Việt Nam truyền thống cùng với sự thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của nhân dân ta đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành VHCT Hồ Chí Minh. Các giá trị đó không chỉ là hành trang, là động lực bảo đảm cho Hồ Chí Minh vững bước trong suốt quá trình xác định con đường, mục tiêu, biện pháp, lực lượng để lật đổ nhà nước thuộc địa, nửa phong kiến, giành ĐLDT và xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam.
Ngay từ buổi đầu lập nước, người Việt đã tự ý thức về nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên, về cộng đồng dân tộc và chủ quyền quốc gia của mình. Tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc thì quốc gia nào cũng có nhưng với Việt Nam, tinh thần đó được tạo nên một cách đặc biệt từ văn hóa làng xã trong dựng nước và giữ nước. Chính văn hóa làng xã với nhiều mối quan hệ đan xen đã cung cấp cho mỗi thành viên cộng đồng một thân phận nhất định và việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ đó là tiêu chuẩn đánh giá nhân cách, đạo đức con người. Vì vậy, người Việt luôn gắn liền và tự hào về làng, nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc của mình.
Lòng tự hào, tự tôn dân tộc luôn là nền tảng tinh thần để mỗi người Việt Nam có cách ứng xử có trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia, dân tộc mình và với các dân tộc khác. Tư tưởng này đã được thể hiện trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước như, trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, trong bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt. Đặc biệt, trong lời tuyên bố của người anh hùng Trần Bình Trọng trước sự dụ dỗ của kẻ thù: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc thể hiện rõ nhất khi Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô đại cáo rằng: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có”[110, tr.77].
Một dân tộc nhỏ, đất không rộng, người không đông mà có thể vượt qua được sự đồng hóa có hệ thống, kéo dài hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc và đánh bại sự xâm lược của nhiều kẻ thù lớn đã tạo nên niềm kiêu hãnh của mỗi người Việt Nam. Nền văn hiến lâu đời không chỉ tạo nên một dân tộc anh hùng mà còn sản sinh ra những danh nhân văn hóa và đội ngũ những hiền tài, trí thức góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vua Lê