- Các luận văn, luận án có liên quan:
3.1.1.1. Tri thức chính trị của Hồ Chí Minh
Tri thức là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hay xã hội, là sản phẩm của hoạt động thực tiễn, có liên hệ mật thiết với thế giới khách quan và môi trường sống của con người. Tri thức chính trị là những hiểu biết về bản chất các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân với cộng đồng; giữa các giai cấp, tầng lớp với nhau trong một quốc gia dân tộc; giữa quốc gia này với quốc gia khác và thái độ của số đông quần chúng nhân dân với mỗi thể chế chính trị hiện thực. Theo đó, tri thức chính trị bao gồm học vấn chính trị và các kinh nghiệm chính trị đã diễn ra trong thực tiễn đời sống. Tri thức chính trị có vai trò hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của mỗi chủ thể chính trị. V.I.Lênin đã chỉ rõ, không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Do vậy, tri thức chính trị không chỉ là một trong những yếu tố cấu thành mà còn là yếu tố nền tảng của VHCT.
Sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh là sự nghiệp tìm kiếm lý luận, kinh nghiệm và mô hình chính trị để thực hiện mục tiêu GPDT gắn liền với giải phóng nhân dân lao động khỏi sự thống trị, áp bức, bóc lột, bất công. Vì vậy,
Người đã lựa chọn cách thức tiếp thu và làm chủ tri thức chính trị hết sức thiết thực. Người quan niệm, mọi lý thuyết và kinh nghiệm chỉ là phương tiện, phương pháp để thực hiện mục tiêu chính trị đã xác định. Trước hết, với chủ trương đi ra nước ngoài xem người ta làm như thế nào rồi về giúp đồng bào mình, Hồ Chí Minh đã lựa chọn con tàu buôn của Pháp - một phương tiện có thể đi đến nhiều nơi, nhiều trung tâm kinh tế, chính trị của châu Âu và thế giới. Tại những trung tâm lớn như Pari, NewYork, London, Người không bị cám dỗ bởi danh lợi cá nhân mà đã tự đặt mình vào địa vị của các giai cấp, tầng lớp cần được giải phóng, không chỉ để thấu hiểu bản chất của các chế độ chính trị mà ở đó người lao động đang là đối tượng bị bóc lột mà chính là để chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh của một giai cấp tiên tiến đang kiên quyết đấu tranh chống giai cấp tư sản.
Không chỉ tiếp thu tri thức chính trị thông qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh còn dành nhiều thời gian để học ngoại ngữ và đến các thư viện, bảo tàng để đọc các tác phẩm lý luận, văn học, nghệ thuật của các nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của châu Âu và thế giới. Với khả năng ngoại ngữ xuất sắc, Người đã thông thạo lịch sử châu Âu, châu Mỹ, hiểu rõ diễn biến, kết quả của các cuộc cách mạng lớn ở phương Tây, như cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789. Từ thực tiễn sinh động và nhiều tri thức đã thu nhận được thông qua tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn bám sát mục đích, Hồ Chí Minh đã rút ra những kết luận chính trị quan trọng, trở thành vốn tri thức chính trị phong phú, sâu rộng.
Ngay sau khi đặt chân lên nước Pháp, Người đã có kết luận, “Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương”[99, tr.17]. Đây là kết luận quan trọng đầu tiên của Hồ Chí Minh trong nhận diện bạn, thù, xác định đồng minh của cách mạng và là cơ sở của kết luận, “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[54, tr.287]. Sau khi nghiên cứu, khảo sát thực tế chế độ chính trị và mô hình nhà nước tư sản, đặc biệt sau khi tiếp xúc với Luận cương của Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng
sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người…sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[54, tr.496]. Với các cuộc cách mạng tư sản điển hình, Hồ Chí Minh đã kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mạng đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”[55, tr.296]. Nhận thức rõ điều đó, Người đã nhắc nhở, “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền trao cho dân chúng số nhiều…Thế mới khỏi phải hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[55, tr.292].
Chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân lao động ở thuộc địa và của giai cấp công nhân ở chính quốc, Người đã kết luận: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi”[55, tr.130]. Và, để cùng nhau chống kẻ thù chung, Người kêu gọi nhân dân lao động ở tất cả các nước đoàn kết lại.
Tham gia hoạt động trong phong trào công nhân, trong Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp đã giúp Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò quan trọng của Đảng đối với sự thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ, “Cách mệnh…Trước hết phải có đảng cách mệnh…Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[55, tr.289]. Với tri thức chính trị của mình, Hồ Chí Minh đã tiến hành chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Đặc biệt, kinh nghiệm tiếp thu tri thức chính trị đã được Người vận dụng trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng. Thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị và tổ chức phong trào vô sản hóa, Người đã biến các thanh niên tiểu tư sản, tư sản yêu nước của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành những hạt nhân cốt cán của Đảng và đào tạo được một thế hệ cán bộ thực sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, kiên cường, bất khuất, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạngViệt Nam.
Cùng với việc tìm kiếm tri thức để tiến hành lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, Hồ Chí Minh còn tìm hiểu rất kỹ về mô hình, cách thức và nguyên tắc pháp lý của một nhà nước dân chủ. Tiếp thu mô hình nhà nước Xô Viết của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Người chủ trương xây dựng nhà nước công nông binh. Mặc dù vậy, khi về nước, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam, Người đã điều chỉnh và đề nghị, “không nên nói công nông liên hợp và lập chính quyền Xô viết, mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”[15, tr.127].
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, để bảo đảm cho tính chính đáng của Chính phủ lâm thời sau khi lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, Hồ Chí Minh đã triệu tập Đại hội Quốc dân Tân trào, với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, kiều bào ta ở nước ngoài và đại biểu của các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù đất nước còn tạm thời chia cắt, Hồ Chí Minh cùng với Đảng vẫn quyết tâm đưa miền Bắc quá độ lên CNXH. Bởi theo Người, sự thay đổi của công cụ lao động và cách sản xuất kéo theo sự thay đổi của chế độ xã hội. Do đó, tiến lên CNXH là tất yếu khách quan, “Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được”[64, tr.601].
Giá trị của tri thức chính trị Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở việc Người đã lựa chọn và tiếp thu hệ tư tưởng cách mạng nhất của thời đại để truyền bá về Việt Nam. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã tiếp xúc với nhiều hệ tư tưởng, cả ở phương Đông và phương Tây, cả truyền thống và hiện đại, cả của dân tộc và nhân loại, nhưng xuyên qua tất cả, Người lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính trị của mình và sau đó là của cả dân tộc Việt Nam. Người đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[65, tr.563]. Với quan điểm đó, Hồ Chí
Minh luôn quán triệt sâu sắc, tiếp thu, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, mang lại thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc, kỷ nguyên ĐLDT gắn liền với CNXH. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chính là thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh tiếp thu hệ tư tưởng chính trị Mác - Lênin nhưng không dập khuôn máy móc, mà luôn có sự phát triển sáng tạo, cùng với sự tích hợp và vượt gộp mọi tinh hoa tư tưởng chính trị của nhân loại. Do đó, trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo và là động lực chủ yếu của cách mạng; mục tiêu chính trị là GPDT, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Tuy nhiên, trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh có lòng từ bi của Phật, lòng bác ái của Chúa, tư tưởng đức trị của Khổng tử, tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử, tư tưởng tiêu giao, thanh bạch của Lão Tử, tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn và tư tưởng đề cao cá nhân con người của chủ nghĩa nhân văn phương Tây.
Hồ Chí Minh thừa nhận đấu tranh giai cấp nhưng không coi đó là động lực chính của sự phát triển xã hội. Người chủ trương xây dựng Nhà nước Dân chủ Nhân dân và từng bước quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa nhưng tiếp thu những thành quả mà loài người đã đạt được dưới CNTB. Người chủ trương xây dựng chế độ kinh tế với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, bảo đảm các quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
Hệ tư tưởng chính trị mà Hồ Chí Minh tiếp thu không chỉ là yếu tố bảo đảm cho tính đúng đắn, cách mạng, khoa học trong các quyết sách chính trị, ứng xử chính trị và đường lối chính trị, mà còn là ngọn cờ tư tưởng để đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, tín ngưỡng, tôn giáo thành một khối thống nhất trong Mặt trận dân tộc thống nhất để thực hiện mục tiêu chính trị phù hợp với nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân và xu thế thời đại. Như vậy, tri thức chính trị là một trong những điều kiện cần và đủ để các cá nhân tham gia vào đời sống chính trị. Với Hồ Chí Minh, tri thức chính trị vừa
là một bộ phận cấu thành, vừa là yếu tố có vai trò to lớn làm nên tính cách mạng, khoa học, giá trị và sức sống cho VHCT của Người.