- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.1.1.2. Khái niệm văn hóa
Văn hóa là một vấn đề rộng lớn, gắn liền với mọi lĩnh vực hoạt động sống của con người. Do vậy, từ khi xuất hiện lần đầu (1871) cho đến nay đã có rất nhiều định nghĩa văn hóa, và một số nhà khoa học nhận định rằng, có bao nhiêu nhà nghiên cứu văn hóa thì có bấy nhiêu định nghĩa về văn hóa. Về cách định nghĩa văn hóa, trong công trình nghiên cứu, “Văn hóa trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”, các nhà khoa học đã thống kê 6 cách định nghĩa chính đó là: cách định nghĩa miêu tả, cách định nghĩa lịch sử, cách định nghĩa chuẩn mực, cách định nghĩa tâm lý, cách định nghĩa cấu trúc và cách định nghĩa nguồn gốc. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, song theo Trần Ngọc Thêm, khái niệm văn hóa bao giờ cũng có thể quy về hai cách hiểu chính, đó là: theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.
Với phạm vi nghiên cứu của đề tài này, tác giả chỉ liệt kê một số định nghĩa tiêu biểu và có những điểm chung, với tính cách là cơ sở cho những khái niệm công cụ của đề tài nhưng có liên quan trực tiếp đến văn hóa.
Định nghĩa của Từ điển Triết học:
Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình thực tiễn xã hội lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát triển xã hội. Theo nghĩa hẹp hơn, người ta vẫn quen nói về văn hóa vật chất (kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giá trị vật chất) và văn hóa tinh thần (khoa học, nghệ thuật và văn học, triết học, đạo đức, giáo dục…). Văn hóa là một hiện tượng lịch sử, phát triển phụ thuộc vào sự thay thế các hình thái kinh tế xã hội.[107, tr.1329 - 1330].
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, văn hóa gắn liền với con người và có nguồn gốc từ hoạt động lao động sáng tạo của con người. Trong tác
phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta”,C.Mác viết: “Căn cứ vào mức độ tự nhiên được con người khai thác, cải tạo thì có thể xét được trình độ văn hóa chung của con người”[51, tr.507]. Theo tập thể tác giả của công trình nghiên cứu“Văn hóa trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”,mặc dù không chính thức đưa ra định nghĩa của mình về văn hóa, song “trong công trình “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” xuất bản lần đầu tiên năm 1884, Ph.Ăngghen đã có ngụ ý chứng minh: Văn hóa là toàn bộ những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của mình trong tiến trình lịch sử”[35, tr.24].
Một số định nghĩa tiêu biểu của các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài: Năm 1871, trong tác phẩmVăn hóa nguyên thủy,xuất bản lần đầu tại London, nhà nhân học người Anh Edward Burnett Tylor đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa hay văn minh, hiểu theo nghĩa rộng nhất về dân tộc học của nó, là toàn bộ phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán, cùng mọi khả năng và thói quen khác mà con người có được với tư cách một thành viên của xã hội”[103, tr.13]. Với cách định nghĩa miêu tả này, tác giả đã liệt kê một số thành tố của văn hóa và chỉ ra mối liên hệ biện chứng giữa văn hóa và con người với tư cách là con người xã hội. Đây là khái niệm văn hóa theo nghĩa hẹp, và có lẽ hạn chế của khái niệm này là tác giả đã đồng nhất văn hóa với văn minh.
Một khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng, do ông Federico Mayor, nguyên tổng giám đốc UNESCO trong khoảng thời gian từ 1987 đến 1999 đã nêu ra như sau: "Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế hệ, các hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”[74, tr.11].
Khái niệm này được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá họp năm 1970 tại Venise. Năm 1988, tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể các hệ thống giá trị, bao gồm các mặt tình cảm, tri thức,
vật chất, tinh thần của xã hội. Nó không thuần túy bó hẹp trong sáng tác nghệ thuật, mà bao gồm cả phương thức sống, những quyền cơ bản về con người, truyền thống tín ngưỡng”[dẫn theo 105, tr.16].
Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa được Người ghi lại trong mục đọc sách ở những trang cuối cùng của tập thơ“Nhật ký trong tù”,Người viết:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[56, tr.458].
Từ quan niệm trên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra các yếu tố cấu thành của văn hóa, nhấn mạnh đặc trưng sáng tạo và phát minh, đồng thời chỉ ra mục tiêu của văn hóa là vì sự sinh tồn và mục đích cuộc sống con người.
Một số định nghĩa của các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước: theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc:
Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác với các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác.[71, tr,19-20].
Định nghĩa trên nhấn mạnh đến tính biểu tượng của các giá trị văn hóa chi phối các mối quan hệ của con người với thế giới xung quanh được biểu hiện thông qua việc lựa chọn các giá trị.
Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do một cộng đồng người sáng tạo ra, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển trong quá trình lịch sử. Trên ý nghĩa đó, văn hóa phản ánh mức độ phát triển của toàn bộ cộng đồng cũng như của mỗi cá nhân về trình độ sản xuất - kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nếp sống - đạo đức, phong tục - tập quán, v.v.[96, tr.7].
Định nghĩa trên nhấn mạnh tính lịch sử của các giá trị do con người sáng tạo ra, thể hiện trình độ phát triển của cộng đồng người.
Tác giả Trần Ngọc Thêm định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống giá trị mang tính biểu tượng do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”[97, tr.56]. Định nghĩa này được cho là khá hoàn chỉnh, cho phép nhận diện và phân biệt văn hóa. Như vậy, mặc dù các định nghĩa nêu trên đề cập văn hóa ở những phạm vi rộng, hẹp khác nhau, nhưng tựu chung lại đã làm nổi bật khái niệm văn hóa ở những nội dung cơ bản đó là: Văn hóa gắn liền với con người, do con người và vì con người; nguồn gốc của văn hóa là tự nhiên, ra đời thông qua hoạt động thực tiễn; văn hóa là hệ thống các giá trị và biểu tượng được bồi đắp trong chiều dài lịch sử, có tính Chân, Thiện, Mĩ, tính sáng tạo và có đặc trưng, bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình tồn tại và phát triển trên một khu vực địa lý nhất định.
Tóm lại, văn hóa là một chỉnh thể các giá trị Chân, Thiện, Mĩ của con người, do con người, vì con người, được sáng tạo, bồi đắp trong suốt quá trình lịch sử thông qua sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.