- Các luận văn, luận án có liên quan:
2.1.2.1. Cấu trúc văn hóa
Đề cập đến cấu trúc không chỉ đơn thuần là việc liệt kê các thành tố tạo nên văn hóa, mà phải xác định được trình tự, cách thức các thành tố đó liên hệ với nhau và mối quan hệ giữa chúng. Theo đó, trong các thành tố văn hóa ta thấy: có con người, có tự nhiên, có hoạt động thực tiễn của con người, có các sản phẩm về vật chất và các sản phẩm về tinh thần. Với tính cách là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo nhu ra nhằm thỏa mãn cầu cuộc sống và sự sinh tồn, văn hóa thường được chia ra thành hai bộ phận đó là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất được hiểu là những sản phẩm, những hiện vật có thể cảm giác được. Văn hóa tinh thần là những giá trị trừu tượng
không cảm giác được như các quan điểm, quan niệm, tình cảm, ý chí, phong tục, tập quán, thói quen…Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần. Chẳng hạn, một cuốn sách với hình thức đẹp, chất lượng giấy tốt biểu hiện giá trị vật chất. Nhưng, nội dung của cuốn sách giúp người đọc được phát triển tri thức, nâng cao hiểu biết và cảm thấy được thư giãn tinh thần khi đọc lại biểu hiện giá trị tinh thần. Vì vậy, để phân biệt rõ hơn giữa hai tính chất này, UNESCO đã đưa ra quan niệm về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, hai tính chất này có thể cùng tồn tại trong một sản phẩm văn hóa cụ thể. Như vậy, những phân tích trên đây mới chỉ nêu được quan niệm về các thành tố của văn hóa mà chưa nêu được cấu trúc của nó.
Với các thành tố của văn hóa đã liệt kê ở trên có thể thấy, đề cập đến cấu trúc văn hóa trước hết phải nói đến con người. Là sản phẩm của quá trình vận động lâu dài của thế giới tự nhiên, nhưng ngay sau khi ra đời, con người đã giữ vai trò chủ thể của thế giới, và tự nhiên lại trở thành đối tượng cải tạo của con người. Với tính cách vừa là khách thể, vừa là chủ thể của văn hóa, con người thông qua hoạt động thực tiễn tác động vào thế giới tự nhiên để sáng tạo ra các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngược lại, sau khi ra đời và được kiểm nghiệm, bồi đắp trở thành các chuẩn mực, các biểu tượng văn hóa, các sản phẩm văn hóa lại tác động trở lại, chỉ đạo hoạt động thực tiễn cải tạo tự nhiên và xã hội để phục vụ cho sự sinh tồn và mục đích cuộc sống của con người. Như vậy, cấu trúc của văn hóa là một chỉnh thể thống nhất giữa các yếu tố: con người, tự nhiên, hoạt động thực tiễn, các giá trị vật thể và phi vật thể liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng có vai trò không ngang bằng nhau. Trong đó, con người giữ vai trò quyết định.