Như đã trình bày trong chương 1 và chương 2, phần lớn và chủ yếu tai nạn giao thông là do con người gây nên. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện nay, hầu hết mọi người, ở mọi lứa tuổi, ở mọi giới từ nam đến nữ, từ nông thôn đến thành thị... ai cũng tham gia giao thông ít nhất là tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đã làm thay đổi nhanh chóng từ đi bộ, đi bằng phương tiện phi cơ giới sang đi bằng phương tiện cơ giới đã làm tăng lưu lượng xe lưu thông trên đường, thành phần tham gia giao thông ngày càng phức tạp.
Điều đó đòi hỏi mọi người tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông là một nhân tố quyết định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ. Để mọi đối tượng tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông thì cần phải thực hiện tốt việc tuyên truyền giáo dục về luật và văn hóa giao thông, còn những đối tượng điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì còn phải được đào tạo cách nghiêm túc. Chính vì vậy ở đây, đề tài chia ra 2 nhóm giải pháp
a.Nhóm giải pháp về tuyên truyền giáo dục pháp luật và ý thức tham gia giao thông.
Có thể nói đây là nhóm các giải pháp mang tính xã hội vận động giáo dục ý thức tham gia giao thông.
- Giải pháp tuyên truyền ATGT trong nhân dân Ninh Bình
Để mọi người dân Ninh Bình khi tham gia giao thông có hiểu biết, kỹ năng nhất định về an toàn giao thông (ATGT) thì việc giáo dục ATGT không thể chỉ tiến hành trong nhà trường mà phải được tiến hành ở cả trong cộng đồng (đồng bộ về đối tượng áp dụng). Mặt khác, các phương tiện giao thông, hạ tầng cơ sở giao thông cũng như các hoạt động giao thông ngày càng phát triển thì ngay cả người đã có hiểu biết, kỹ năng nhất định cũng phải bổ sung những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông phù hợp trong những điều kiện mới (đồng bộ về nội dung).
Việc giáo dục ATGT trong cộng đồng ở Ninh Bình chưa được thể chế hóa, chưa hình thành hệ thống giáo dục ATGT tại cộng đồng. Điều đó có nghĩa là chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu lập kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đánh giá việc thực hiện... để việc giáo dục ATGT trong cộng đồng được tiến hành một cách thống nhất, thường xuyên, có mục đích thiết thực.
Bởi vậy đề tài đề xuất các giải pháp triển khai tuyên truyền ATGT trong nhân dân tỉnh Ninh Bình như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh và các cấp huyện, xã.
Thứ hai, xây dựng công tác tuyên truyền ATGT vào các hoạt động của các đội tuyên truyền cho các cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, và các xã, khu dân cư làm công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Qua nghiên cứu cho thấy để làm tốt 3 nội dung tuyên truyền nêu trên cần làm những công việc cụ thể như sau:
Thứ nhất, để nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng phương tiện thông tin đại chúng:
Để công tác tuyên truyền qua đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài phát thanh các địa phương hiệu quả: Các thông điệp ATGT, tình huống giao thông cần được lặp lại và củng cố để tác động nhân dân, đồng thời chuyển tải các thông tin trên qua nhiều kênh: sách báo, video, radio, truyền hình, sự kiện văn hóa xã hội, internet… ở mọi lúc, mọi nơi; đặc biệt qua phương tiện truyền thông đại chúng: Tivi, radio trong những “ thời gian vàng’’. Sự cần thiết của sách báo, tờ rơi tuyên truyền phải là ấn phẩm có hình thức trình bày đẹp, hấp dẫn, thông tin chuyển tải rõ ràng; có sức thu hút hấp dẫn. Tóm lại, để tạo ra sự chuyển biến mang "tính đột phá" trong nhận thức của người dân Ninh Bình về ATGT cần tổ chức một chiến dịch truyền thông quốc gia về ATGT cho mọi người dân. Đây chính là sự thể hiện tính đồng bộ về đối tượng áp dụng.
Thứ hai, tuyên truyền ATGT phải phù hợp với đối tượng được tuyên truyền (Đồng bộ giữa nội dung và đối tượng của giải pháp)
Tuyên truyền theo lứa tuổi: Với mỗi lứa tuổi khác nhau, đặc điểm tham gia giao thông cũng khác nhau và nhận thức cũng khác nhau, vì vậy cần phải có các biện pháp tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể.
Chẳng hạn như với trẻ em, việc đi lại phụ thuộc phần lớn vào cha mẹ, là đối tượng gián tiếp tham gia giao thông. Còn học sinh cấp hai, cấp ba là đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, các em đã nhận thức được phần nào các quy tắc tham gia giao thông.Với thanh niên, cán bộ công nhân viên, người lao động, là đối tượng tham gia giao thông nhiều nhất, là đối tượng công dân có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi, yêu cầu giáo dục với họ vì thế cũng cần phải nâng cao hơn.
Khi biên soạn tài liệu tuyên truyền theo từng cấp học cần xem xét đến các yếu tố sau:
- Với mỗi lứa tuổi khác nhau, khả năng nhận thức cũng khác nhau. - Việc biên soạn tài liệu tuyên truyền còn được dựa trên đặc điểm tham gia giao thông của từng lứa tuổi.
Tóm lại, đề có thể biên soạn được bộ tài liệu tuyên truyền an toàn giao thông cho từng độ tuổi đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Các nhà biên soạn cần tìm hiểu kỹ tâm sinh lý lứa tuổi, khả năng nhận thức cũng như đặc điểm tham gia giao thông của từng loại đối tượng để từ đó có thể biên soạn ra bộ tài liệu hợp lý, có tác dụng giáo dục cao.
- Giải pháp tuyên truyền theo địa bàn sinh sống của người dân Ninh Bình
Ở mỗi một nơi tuyên truyền, do đặc điểm dân cư, thói quen, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, phương tiện sử dụng khác nhau nên các hình thức tuyên truyền cũng sẽ phải khác nhau.
Đề tài đề xuất 3 địa bàn tuyên truyền là: Tuyên truyền ở TP. Ninh Bình; Tuyên truyền ở huyện, xã (vùng nông thôn); Tuyên truyền dọc các trục đường liên tỉnh chính (Đây là sự thể hiện tính đồng bộ về không gian)
Tuyên truyền ở các thành phố thị xã.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân cư đô thị, mật độ xây dựng mạng lưới đường ở thành phố và thị xã rất cao. Chính vì thế, số lượng giao cắt giữa các trục đường cũng rất lớn, mỗi giao cắt lại gây ra những xung đột nhất định cho phương tiện chuyển động qua đó.
Phương tiện vận tải trong TP cũng rất đa dạng, bao gồm phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách..., phương tiện cá nhân, trong đó phương tiện cá nhân là xe máy chiếm đa số.
Tai nạn giao thông ở thành phố thị xã thường xảy ra do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, lấn làn, thiếu chú ý quan sát….
Dựa trên những đặc điểm về giao thông, phương tiện và nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, công tác tuyên truyền nên tập trung vào các quy tắc giao thông trong thành phố thị xã bao gồm:
- Không dàn hàng ngang;
- Không đi xe lạng lách đánh võng; - Không lấn chiếm lòng lề đường; - Không chở hàng cồng kềnh; - Không vượt đèn đỏ;
- Không đi ngược chiều; không đi vào các tuyến phố cấm, v v…
Để phát huy được hiệu quả của công tác tuyên truyền thì tất cả các hoạt động tuyên truyền trên phải được tiến hành đều đặn trong năm kết hợp với sự tăng cường xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đối với những hành vi trái luật GTĐB.
Tuyên truyền ở huyện, xã (vùng nông thôn):
Khác với TP, nông thôn là nơi dân cư sống tập trung theo đơn vị làng, xã. Chính vì thế, giao thông cũng khác nhiều so với giao thông đô thị.
Đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường liên thôn, liên xã và liên huyện. Mật độ phương tiện qua lại trên đường GTNT không đông như trên đường đô thị, đường nông thôn vì vậy cũng tương đối nhỏ, hẹp và ở nhiều nơi vẫn là đường cấp phối, đá dăm chưa được trải nhựa.
Các vùng sâu, vùng xa là những vùng thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, người dân có mức sống thấp, trình độ dân trí chưa cao. Phương tiện qua lại trên đường nông thôn cũng đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là xe thô sơ như xe đạp, xe máy, xe công nông,…
Đặc điểm tai nạn giao thông ở nông thôn, thường không xảy ra hậu quả nặng nề trừ một số vùng nông thôn có quốc lộ đi qua. Nhưng qua điều tra khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy số vụ tai nạn thường có tần suất tương đối cao, chủ yếu do người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ khi lưu thông trên đường. Mặt khác đường làng ngõ xóm có nhiều giao cắt và khuất tầm nhìn, ...
Với những đặc thù của vùng nông thôn như vậy, đề tài đề xuất một số giải pháp truyên truyền như sau:
- Đối với những xã nằm trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện, liên xã thì đội cảnh sát giao thông cần phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến luật giao thông thông qua hình ảnh, con số thiệt hại cụ thể.
- Đối với vùng sâu, vùng xa thì cần phổ biến luật GT cho cán bộ địa phương, tuyên truyền ATGT thông qua các hoạt động tình nguyện, nhưng phải chú ý là phong cách và ngôn ngữ tuyên truyền cần phù hợp với văn hóa địa phương. Cần phải tuyên truyền làm sao cho tất cả tầng lớp nhân dân vùng sâu, vùng xa đó đều hiểu được sự quan trọng của vấn đề an toàn khi tham gia
giao thông, vì trình độ văn hóa của người dân những khu vực này thường không đồng đều.
Tuyên truyền dọc tuyến liên tỉnh quan trọng qua địa bàn Tỉnh:
Đây là hình thức tuyên truyền đang được áp dụng khá phổ biến đặc biệt với những tuyến đường mà nguy cơ tai nạn xảy ra cao. Bên cạnh các biển cảnh báo nguy cơ tai nạn trên đường, còn có thể sử dụng các panô lớn với nội dung tuyên truyền an toàn giao thông. Để việc tuyên truyền phát huy được hiệu quả thì ngoài nội dung tuyên truyền cần chú ý các yếu tố kĩ thuật, chẳng hạn như kích thước của panô, kích thước chữ, vị trí, mật độ bố trí panô trên đường…
Ngoài ra đối với những tuyến đường quốc lộ mà xung quanh là trường học, khu dân cư thì giáo viên và cán bộ địa phương cần phải tích cực phổ biến luật ATGT cho học sinh và người dân trên địa bàn, đặc biệt chú trọng vào các nội dung liên quan đến giao thông ở nơi giao cắt.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ATGT trong trường học
Rõ ràng, giáo dục là chính sách ưu tiên hàng đầu của đất nước như đã được quy định trong điều 35 của hiến pháp hiện hành. Bởi vậy, việc thực thi các chương trình giáo dục an toàn giao thông không chỉ ảnh hưởng đến thái độ mà còn ảnh hưởng đến hành vi của thế hệ trẻ đối với việc chấp hành luật lệ giao thông. Do đó, trường học tại các vùng khác nhau đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đề để thực thi các chương trình giáo dục ATGT một cách hiệu quả và liên tục.
Tuy nhiên, giáo dục ATGT của tỉnh thời gian qua vẫn chưa đến được với tất cả trẻ em, sinh viên, và học sinh. Việc thiếu tài liệu và thiết bị học và dạy vẫn rất phổ biến trong các trường học. Hơn nữa, nội dung giáo dục ATGT không tập trung vào những đặc điểm giao thông cụ thể của từng huyện, xã. Vì vậy, việc tái đào tạo giáo viên cũng là một đòi hỏi cấp thiết.
Với thực trạng thông tin, trang thiết bị và tài liệu về ATGT của tỉnh như nêu trên, đề tài cho rằng tỉnh cần có những chính sách giáo dục ATGT trong trường học ở Ninh Bình như sau:
- Hoàn thiện chương trình thực hành giáo dục an toàn giao thông đối với trẻ em mầm non.
+Chương trình phát triển giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo:Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mẫu giáo nhằm dạy trẻ luật giao thông cơ bản và phát triển một thái độ tôn trọng luật, thực hành những hành vi giao thông phù hợp theo yêu cầu phát triển tâm lý và thể chất của trẻ cũng như các yêu cầu của địa phương.
+ Chương trình phát triển khả năng qua đường an toàn: Chương trình này mang tính then chốt và là một nội dung giảng dạy chuyên biệt vì trẻ nói chung thường có khuynh hướng “đột nhiên lao ra đường”.
+ Chương trình an toàn giao thông lưu động dành cho trẻ em mẫu giáo nhưng không đến trường: Vì tương lai của mọi trẻ em, giáo dục ATGT cần đến được mọi em bé dù có đi học mẫu giáo hay không.
- Hoàn thiện chương trình giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học đến sinh viên trong tỉnh.
Mục đích “phát triển một khả năng dự đoán rủi ro và có thói quen đi lại an toàn”. Điều này có nghĩa là học sinh, sinh viên sẽ có khả năng phát hiện rủi ro và nguy hiểm khi tham gia giao thông và tự bản thân kiểm soát chúng. Dưới đây là những chương trình đề xuất cho sinh viên, học sinh:
+ Chương trình cải thiện giáo dục an toàn giao thông tại trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học: Giáo dục ATGT cho học sinh nhằm dạy những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho người đi bộ hoặc đi xe đạp phù hợp với sự phát triển tâm lý thể chất của các em và yêu cầu của địa phương.
+ Chương trình đào tạo và tái đào tạo các giáo viên phụ trách về giáo dục ATGT trong nhà trường: Việc khảo sát về công tác đào tạo và tái đào tạo về giáo dục ATGT của tỉnh cho thấy hầu hết các giáo viên phụ trách về giáo dục ATGT không được đào tạo ở các trường sư phạm. Số giáo viên được bồi dưỡng rất ít. Thời gian và điều kiện đào tạo còn hạn chế. Đó là chưa kể phần lớn số giáo viên chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông và ATGT. Đây là nội dung rất thiếu ở Ninh Bình hiện nay.
- Giải pháp nâng cao văn hóa giao thông và cưỡng chế phối hợp tuyên truyền
Để đưa tỉnh Ninh Bình tiến tới “Một xã hội giao thông đầy tình người và không có tai nạn giao thông”. Do nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông chủ yếu là hành vi của người tham gia giao thông nên việc thay đổi
cách ứng xử của người sử dụng đường cần được ưu tiên cấp thiết để làm cho ATGT đường bộ trở nên chuẩn mực.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Ban ATGT tỉnh cần nâng cao công tác phát triển nguồn nhân lực tập trung vào việc xây dựng năng lực qua đào tạo, tập huấn, hội thảo… về văn hóa ATGT và phải đầu tư nguồn kinh phí thích đáng cho vấn đề này
Cùng với việc giáo dục ATGT, việc xây dựng một xã hội học tập qua chương trình những điều cần biết về ATGT đường bộ và chương trình đào tạo tay nghề lái xe, và đưa chương trình ATGT vào mô hình trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường là trực tiếp phát triển mạng lưới giáo dục ATGT trên phạm vi toàn tỉnh.
Không chỉ người sinh sống ở khu vực đô thị mà cả người sinh sống ở khu vực nông thôn và miền núi có thể được lợi từ sự phát triển này; vì vậy, việc tạo ra một sự tiếp cận với chương trình đào tạo và giáo dục về ATGT giúp giảm TNGT, giảm số người bị thương, bị chết và giảm mức mù chữ.
Do đó, để thực hiện được những cải tiến đề xuất cho hành vi sử dụng đường an toàn, và cuối cùng để có được một xã hội giao thông đường bộ an toàn bền vững, việc xây dựng một nền văn hóa an toàn giao thông có tính thực tế đã được đề xuất.
Việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ không phải yêu cầu một biện pháp đối phó đơn lẻ mà là cả một cách tiếp cận tích hợp 4E: Kỹ thuật, cưỡng chế, giáo dục và cấp cứu y tế.
Trong khi ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự