Các tác động khác của các giải pháp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam (Trang 142)

Các giải pháp đồng bộ có thể có tác động lan tỏa khác nhau tùy theo số lượng và cách thức kết hợp các giải pháp. Do chiếm tới 85-90% lưu lượng giao thông trên đường, xe máy là phương tiện vận tải quan trọng nhất cần tính đến khi xem xét tác động của giải pháp.

Xe máy hiện đang làm phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ, .. trong những năm tới đây xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại chủ đạo của người dân Việt Nam.

Không những thế, phần lớn người dân có thể thực hiện được những chuyến đi từ cửa đến cửa, (từ nhà đến văn phòng, từ cơ quan tới siêu thị, từ nhà đến trường học...) mà gần như không phải đi bộ! Đây cũng làm một trong những hệ thống giao thông tiện lợi nhất thế giới.

Trong điều kiện VTHKCC chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, trong khi ô tô quá đắt đỏ, xe máy là một phương tiện nâng cao tính cơ động linh hoạt trong đi lại, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, xe máy là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ. Trên thế giới, người đi xe máy luôn được xếp vào dạng dễ bị tổn thương do tính năng kém an toàn của xe máy (với tốc độ thiết kế khá cao trong khi tính năng an toàn kém xa ô tô). Theo thống kê tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Có quan điểm cho rằng xe máy cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị qua việc tạo nên những khu vực dân cư với ngõ nhỏ mà chỉ loại xe này có thể đi được. Tính cơ động linh hoạt của xe máy cũng tạo nên nhiều vấn đề về trật tự an toàn văn minh đô thị: đỗ xe tùy tiện trên vỉa hè, dừng đỗ sai quy định, đi xe máy trên vỉa hè, lấn làn, đỗ xe trong nhà, ..khả năng cơ động của xe máy cũng khiến nhiều người dân lạm dụng xe máy, sử dụng xe máy vào nhiều chuyến đi mà họ hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp...Những nhận định này cũng hoàn toàn có cơ sở.

Trong trường hợp áp dụng đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy sẽ giảm. Với tốc độ tăng trưởng thu nhập hiện tại và các chính sách về thương mại trong khu vực trong xuất nhập khẩu ô tô, dự kiến sau 2020 số lượng sở hữu ô tô sẽ tăng nhanh hơn nhưng người dân vẫn giữ xe máy như một phương tiện đi lại thường xuyên (do đặc điểm cơ động linh hoạt và tiện lợi).

Trong trường hợp áp dụng đồng bộ các giải pháp ở mức cao (trong đó có quy hoạch sử dụng đất hỗ trợ VTHKCC và đi bộ) tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy sẽ giảm nhanh. Nếu có thể triển khai đồng loạt các giải pháp này trong giai đoạn 2015-2030, sau 2030 số lượng xe máy có thể giảm xuống mức 150 xe/1000 dân. Vào thời điểm đó (sau 2030), có thể cân nhắc các giải pháp mạnh mẽ hơn với việc sử dụng xe máy (cấm hoặc hạn chế sử dụng tại một số khu vực nhất định/điều chỉnh thuế và phí với xe máy...).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam (Trang 142)