Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 49)

CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-

3.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam của vùng Đồng bằng sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía Nam, nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Về phía Bắc, Ninh Bình giáp Hà Nam với một phần ranh giới tự nhiên là sông Đáy, phía Nam giáp Thanh Hóa, phía Tây giáp Hòa Bình, phía Đông Nam giáp biển Đông.

Ninh Bình nằm trên địa bàn trung chuyển của vùng núi Tây Bắc qua đồng bằng châu thổ Sông Hồng ra biển Đông. Toàn bộ lãnh thổ của tỉnh nằm ở rìa Tây Nam đồng bằng sông Hồng, giáp với đồng bằng sông Mã qua vùng núi thấp Tam Điệp (Thanh Hóa) là phần cuối cùng của vùng núi Tây Bắc, trong khu đệm Hòa Bình - Thanh Hóa và tiếp giáp biển Đông. Do là vùng chuyển tiếp nên địa hình Ninh Bình khá phong phú, đa dạng, bao gồm cả các núi, đồng bằng và bờ biển. Ở Ninh Bình, dạng địa hình Karst khá phổ biến và đây là dạng địa hình đặc biệt tạo nên các hang động và cảnh quan hấp dẫn, rất có giá trị trong việc thu hút khách du lịch. Đặc biệt ở Ninh Bình có quần thể hang động Tràng An vừa có hệ sinh thái cảnh quan độc đáo, đan xen những di tích lịch sử quan trọng của dân tộc. Toàn tỉnh có 18 km bờ biển thuộc huyện Kim Sơn, có cửa sông Đáy đổ ra biển tạo ra vùng bãi bồi hàng năm tiến thêm ra biển khoảng 100 - 120m và quĩ đất tăng thêm hàng năm khoảng 140 - 168ha. Với địa hình đa dạng như vậy, Ninh Bình có đủ điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp.

Ninh Bình thuộc đới khí hậu gió mùa chí tuyến, á đới có mùa đông lạnh khô, mùa hạ có gió mùa Tây Nam gây mưa nhiều. Do địa hình Ninh Bình phần lớn là đồng bằng, chỉ có một phần nhỏ là đồi núi nên khí hậu ít có sự phân hóa theo lãnh thổ. Nhìn chung, khí hậu của Ninh Bình tương đối thuận lợi cho hoạt động du lịch trong cả năm. Tuy nhiên, mức độ thuận lợi có khác nhau tùy thuộc vào loại hình du lịch.

Ninh Bình có mật độ sông ngòi ở mức trung bình, các sông lớn thường chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Quan trọng nhất trong mạng lưới sông ngòi ở

Ninh Bình là sông Đáy, chảy theo hướng Tây - Đông rồi Tây Bắc - Đông Nam và đổ ra biển Đông qua cửa Đáy. Ngoài ra, ở Ninh Bình còn có sông Hoàng Long là phụ lưu sông Đáy và một số sông ngòi nhỏ khác. Về chế độ thủy văn, do có lượng mưa hàng năm tương đối lớn nên lưu lượng dòng chảy tương đối phong phú.

Về các hệ động thực vật, nơi lưu giữ được thảm thực vật và động vật rừng có giá trị đối với du lịch tại Ninh Bình là Vườn quốc gia Cúc Phương. Rừng Cúc Phương là loại rừng mưa nhiệt đới điển hình với cấu trúc thảm thực vật nhiều tầng (5 tầng), phong phú về thành phần loài (2.000 loài). Động vật ở Cúc Phương cũng rất phong phú với 233 loài động vật có xương sống, nhiều loài chim và 24 trong số 30 bộ côn trùng có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn sinh cảnh đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá ngập nước. Đây cũng là nơi khoanh vùng bảo vệ loài Voọc quần đùi trắng - một loài linh trưởng quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ thế giới.

Về đất đai, Ninh Bình có tổng diện tích tự nhiên là 139.011 ha, trong đó đất cho sản xuất nông nghiệp là 61.959 ha (chiếm 44,57% diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 27.644 ha (chiếm 19,89% diện tích tự nhiên), đất chuyên dùng 15.197 ha (chiếm 10,93% diện tích tự nhiên), đất khu dân cư 5.346 ha (chiếm 3,85% diện tích tự nhiên) và đất chưa sử dụng 17.094 ha (chiếm 12,3% diện tích tự nhiên). Nhìn chung, tài nguyên đất ở Ninh Bình có độ phì trung bình với ba loại địa hình ven biển, đồng bằng và bán sơn địa nên có thể bố trí được nhiều loại cây trồng thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; đồng cỏ chăn nuôi, cây rừng đa tác dụng.

Tài nguyên khoáng sản ở Ninh Bình chủ yếu là: đá vôi (đây là nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất của Ninh Bình); đất sét (dùng để sản xuất gạch ngói và làm nguyên liệu cho ngành đúc), tài nguyên nước khoáng (có thể khai thác đưa vào tắm, ngâm chữa bệnh kết hợp với du lịch); tài nguyên than bùn (có trữ lượng nhỏ khoảng 2 triệu tấn); một số khoáng sản khác như cát xây dựng, sét gốm sử, sét xi măng…

Với diện tích tự nhiên 1.390,11 km2, tuy là một tỉnh không lớn nhưng Ninh Bình có địa hình rất đa dạng: có núi, đồng bằng, vùng ven biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ… Đặc điểm về địa hình kết hợp với các thành phần tự nhiên khác như hệ thống thủy văn, lớp phủ thực vật... đã tạo cho Ninh Bình tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều hang động nổi tiếng, quần thể hang động Tràng

An, Tam Cốc – Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương với hệ động thực vật phong phú, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thái với cảnh quan đặc sắc và tính đa dạng sinh học cao… Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan… Ninh Bình là một trong số ít các tỉnh trên cả nước hội tụ nhiều lợi thế để phát triển du lịch:

- Khu Tam Cốc - Bích Động - Tràng An - Cố đô Hoa Lư: đây là quần thể hang động và các di tích lịch sử - văn hóa rất phong phú, độc đáo, với khu du lịch sinh thái Tràng An. khu cố đô Hoa Lư, khu hang động Tam Cốc - Bích Động, tuyến Linh Cốc - Hải Nham, và Thạch Bích - Thung Nắng.

- Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long: đây là khu du lịch sinh thái có cảnh quan rất đặc thù không chỉ của Việt Nam mà còn là của khu vực ASEAN. Diện tích khu vực này khá rộng (3.710 ha) với nhiều loài sinh vật (547 loài thực vật và 39 loài động vật) có những loài quý hiếm, đặc hữu của vùng đất ngập nước, có ý nghĩa lớn trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra ở đây cũng có nhiều núi đá, hang động và đền, chùa.

- Vườn Quốc gia Cúc Phương: diện tích thuộc tỉnh Ninh Bình là 11.000 ha, là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới hiếm có ở Việt Nam với đặc điểm hệ sinh thái, sinh cảnh, cấu trúc rừng và tính đa dạng loài, gồm cả loài quý hiếm và loài đặc hữu (1.944 loài động thực vật). Việc phát hiện, khai thác nguồn nước khoáng tại khu vực này càng mở ra tiềm năng lớn hơn trong phát triển du lịch.

- Khu Kênh Gà (Gia Viễn) và động Vân Trình (Nho Quan): từ những năm 60 của thế kỷ trước, nước suối Kênh Gà (nhiệt độ 53% với khoáng chất tốt) đã nổi tiếng ở miền Bắc nhờ khả năng chữa trị được một số loại bệnh, giúp phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Động Vân Trình cũng là một địa danh đẹp để cùng với các hang động khác tạo nên sự độc đáo thu hút khách du lịch. - Khu quần thể nhà thờ Phát Diệm: tính độc đáo thể hiện trong kiến trúc và

xây dựng ở sự kết hợp giữa kiến trúc Gotic của Châu Âu và kiến trúc đình chùa Á Đông với chất liệu chủ yếu bằng đá xanh, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.

- Làng nghề truyền thống: hàng chục làng nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng thu hút khách du lịch đến

thăm quan, mua sắm (làng nghề chạm khắc đá, làng nghề thêu ren, làng nghề mây tre đan, làng nghề cói…).

Về tài nguyên du lịch nhân văn, Ninh Bình có nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần thể hiện bản sắc văn hóa hết sức đa dạng và là nguồn lực thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Các tài nguyên này bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, các làng nghề thủ công truyền thống, những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội... Về nhóm các di tích lịch sử - văn hóa có thể kể đến như: cố đô Hoa Lư, đền vua Đinh, đền vua Lê, chùa Bích Động, đền Thái Vy, chùa Địch Lộng, nhà thờ đá Phát Diệm, đền đức Thánh Nguyễn… Nhóm các lễ hội như: lễ hội đền Đinh - Lê (lễ hội Trường Yên), lễ hội đền Thái Vi, lễ hội chùa Địch Lộng, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo bản Nộn Khê, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ… Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề thêu ren Ninh Hải, làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân. Về ẩm thực Ninh Bình cũng nhiều món ngon nổi tiếng: tái dê Hoa Lư, nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), nem Yên Mạc (Yên Mô), rượu Lai Thành, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, rượu cần Nho Quan.

Như vậy có thể thấy tài nguyên du lịch Ninh Bình rất đa dạng và phong phú. Ninh Bình có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc có khả năng khai thác để phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao không chỉ trong vùng mà còn ở tầm quốc gia và quốc tế. Khả năng khai thác các giá trị tài nguyên du lịch của Ninh Bình là tương đối thuận lợi do đặc điểm phân bố và điều kiện khai thác. Tuy nhiên do đặc điểm về tự nhiên và nhân văn, tài nguyên du lịch của Ninh Bình khá nhạy cảm và dễ dàng bị “tổn thương” do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nếu thiếu các biện pháp bảo tồn và phát triển trên quan điểm bền vững.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(111 trang)
w