Nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 36)

CHƯƠNG 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

2.2.5.1.Nhân tố chủ quan

 Tiềm năng du lịch của địa phương (điều kiện tự nhiên)

Điều kiện phát triển du lịch thường trước hết xuất phát từ tiềm năng du lịch của của mỗi địa phương như những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa… Từ những tiềm năng sẵn có này, mỗi địa phương sẽ có những kế hoạch đầu tư vào khai thác và phát triển theo những cách khác nhau. Những địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, có những di tích lịch sử nổi tiếng thường được lựa chọn là điểm đến đầu tiên của du khách. Có thể dễ thấy những địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang – Khánh Hòa, Đà Lạt – Lâm Đồng… đã nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp được nhiều người biết đến. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi cho địa phương trong phát triển du lịch.

Những địa phương không có được sự thuận lợi về mặt điều kiện địa lý hoặc không có sẵn những thắng cảnh đẹp hay thực sự nổi bật luôn đòi hỏi cần có sự đầu tư và nỗ lực trong việc phát triển một sản phẩm du lịch riêng cho địa phương mình để có thể cạnh tranh với các địa phương khác trong việc thu hút khách du lịch. Hiện nay các sản phẩm du lịch đang được phát triển khá đa dạng và phong phú, vì vậy cũng mở ra nhiều hướng tiếp cận khai thác và phát triển cho mỗi địa phương. Tuy nhiên, sở hữu những tiềm năng du lịch sẵn có vẫn luôn là ưu thế, là thế mạnh trong phát triển du lịch, có ý nghĩa quan trọng đến việc thu hút và mở rộng hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này.

 Điều kiện kinh tế xã hội của địa phương

Điều kiện kinh tế xã hội có ý nghĩa quyết định đến hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại một địa phương. Để hoạt động đầu tư phát triển có thể được tiến hành và đạt được hiệu quả đòi hỏi rất nhiều nguồn lực như vốn, tài nguyên thiên nhiên, nhân lực… Như vậy có thể nói sở hữu những thắng cảnh du lịch mới chỉ là một yếu tố, các yếu tố còn lại phụ thuộc rất nhiều vào tiềm lực kinh tế - xã hội của địa phương.

- Điều kiện kinh tế : Để phục vụ cho hoạt động đầu tư phát triển nói chung và đầu tư phát triển du lịch nói riêng đòi hỏi nguồn vật lực dồi dào. Như vậy một địa phương phát triển và có tiềm lực tốt về kinh tế rõ ràng sẽ có được sự chủ động và thuận lợi trong việc tiến hành các hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại địa phương mình. Có thể thấy nhiều điển hình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đây đều là những thành phố lớn, kinh tế phát triển và đồng thời cũng là những địa phương thu hút lượng lớn khách du lịch nhờ có những nguồn lực lớn đầu tư phát triển du lịch. Điều này không chỉ góp phần khai thác tiềm năng du lịch của địa phương mà còn là điều kiện để có thể tăng năng lực phục vụ khi nhu cầu của du khách tăng lên.

- Chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí : Con người là chủ thể của các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động đầu tư phát triển có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của hoạt động đầu tư. Mặt bằng dân trí cao cũng là một thuận lợi đối với việc phát triển một lĩnh vực dịch vụ như du lịch. Bởi phát triển du lịch rất cần đến sự góp sức của cả cộng đồng. Những địa phương với ý thức du lịch cộng đồng cao, con người hiền hậu, người dân cởi mở với du khách như Sa Pa – Lào Cai, Huế, Đà Nẵng… luôn để lại những ấn tượng tốt trong lòng du khách. Những nơi mà người làm du lịch với tâm lý chộp giật, thiếu thân thiện, cởi mở sẽ không được lòng khách du lịch, gây một hình ảnh xấu đến du lịch địa phương.

- Bộ máy quản lý, cơ chế chính sách : Cũng là một yếu tố quan trọng. Cơ chế chính sách… là sản phẩm của bộ óc con người. Có được những chiến lược tổng thể, kế hoạch phát triển đúng đắn, những cơ chế quản lý hợp lý góp phần rất lớn tới hiệu quả của hoạt động đầu tư, hướng tới việc phát triển kinh tế du lịch địa phương bền vững.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 36)