CHƯƠNG 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
2.4. Kinh nghiệm đầu tư phát triển du lịch của Đà Nẵng và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm
bài học kinh nghiệm
Với mục tiêu xây dựng và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Đà Nẵng đã và đang tập trung đầu tư mạnh cho lĩnh vực kinh tế này và bước đầu thu được nhiều thành công đáng khích lệ. Hiện nay, du lịch Đà Nẵng đang có nhiều khởi sắc và được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Đà Năng có cơ sở hạ tầng tốt, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cao; kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua ở mức khoảng 7%. Từ năm 2006 - 2010, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng khoảng 11%/năm và chính quyền thành phố đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,5 đến 14,5%/năm trong 5 năm tới.
Với sự quan tâm đầu tư của Thành phố và ngành du lịch, đến nay cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch của Đà Nẵng đã khá rõ nét. Đến nay, Đà Nẵng đã có 55 dự
án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 54.000 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng và 45 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 31.000 tỷ đồng. Để các dự án sớm được xúc tiến, Sở Du lịch đã thường xuyên đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng đưa các dự án lớn vào hoạt động. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã đầu tư, nâng cấp và đưa vào phục vụ du khách các sản phẩm du lịch như tour tuyến tham quan tại bán đảo Sơn Trà (Lặn biển ngắm san hô, Lên rừng xuống biển, Câu cá cùng ngư dân, Khám phá Sơn Trà...), hoạt động thể thao giải trí biển, show diễn phục vụ khách du lịch, khu công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển (DaNa Beach), điểm dừng chân du lịch Nam đèo Hải Vân và duy trì các điểm vui chơi giải trí về đêm hoạt động đến 02 giờ sáng...
Về công tác quy hoạch, quy hoạch về phát triển văn hoá, thể thao và du lịch đến năm 2020 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7099/QĐ- UBND ngày 17/9/2010. Nội dung quy hoạch đã đánh giá thực trạng, xác định những điểm yếu, thuận lợi của ngành, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên phục vụ du lịch, định hướng phát triển du lịch và đề ra giải pháp thực hiện quy hoạch. Định hướng phát triển du lịch của thành phố tập trung vào các mũi nhọn như: du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, Đà Nẵng đã bổ sung những ngành nghề đào tạo về du lịch theo các đề án trong và ngoài nước; đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn về lĩnh vực du lịch, khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố; đồng thời bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về văn hoá, xã hội, lịch sử của Đà Nẵng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đào tạo và phát triển kỹ năng thành thạo nhiều ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế. Đà Nẵng đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn văn hoá giao tiếp cho những đối tượng thường xuyên tiếp xúc khách du lịch đặc biệt khách quốc tế như nhân viên cửa khẩu, hải quan sân bay, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, đội xích lô, taxi…
Về sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ: Phát triển sản phẩm giá trị cao, độc đáo và sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng là giải pháp bền vững bằng cách đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ sản phẩm du lịch hiện đang được cung cấp, phân loại sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, định vị sản phẩm chủ lực, sản phẩm
bổ sung, sản phẩm thay thế. Tổ chức cuộc thi ý tưởng phát triển sản phẩm du lịch để lựa chọn danh mục sản phẩm du lịch tiềm năng. Tổ chức đan xen các hoạt động du lịch với nhau phù hợp theo mùa, theo sự kiện nhằm khai thác hợp lý nguồn lực, hạn chế sự quá tải dẫn đến suy thoái tài nguyên. Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế của Đà Nẵng là một loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính độc đáo, có giá trị văn hoá cao. Lượng du khách về Đà Nẵng trong những ngày hội này rất đông. Tổ chức lại khu phố mua sắm, phố ẩm thực đêm để đáp ứng nhu cầu du khách lưu trú. Tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao biển, các hoạt động văn hoá mang tính cộng đồng. Thu hút đầu tư phát triển khu vui chơi giải trí cao cấp nhiều thể loại phục vụ đối tượng du khách quốc tế và du khách trong nước có mức chi trả cao. Chú trọng hơn nữa công tác vệ sinh môi trường tại các bãi biển.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Đà Nẵng năm 2010 cũng có nhiều dấu ấn từ việc phối hợp với ngành hàng không và các địa phương như: Khai trương nhiều đường bay quốc tế và nội địa; liên kết với Quảng Nam và Thừa Thiên Huế xúc tiến quảng bá du lịch với chủ đề “Ba địa phương- một điểm đến”. Việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được Đà Nẵng triển khai tốt như: thực hiện các chuyên mục, phóng sự giới thiệu về du lịch Đà Nẵng phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và phát hành các ấn phẩm du lịch, xuất bản Tạp chí Văn hóa - Du lịch giới thiệu sự kiện văn hóa thể thao và du lịch của Đà Nẵng...; duy trì hoạt động quảng bá điểm đến tại góc thông tin du lịch Đà Nẵng ở thành phố Dague - Hàn Quốc, Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản và nâng cấp website du lịch Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động khá đặc sắc, góp phần đáng kể để tăng cường thương hiệu du lịch Đà Nẵng, trong đó đáng kể nhất là Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Lễ hội Quán Thế Âm, Chương trình du lịch Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè năm 2010... thu hút đông đảo du khách.
Có thể nói, kết quả của du lịch Đà Nẵng thành công trên nhiều phương diện. Ngoài công tác quy hoạch đi trước một bước, ở Đà Nẵng có thể thấy 3 bài học rất rõ: Thứ nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm sát sao, đội ngũ nhân lực được đào tạo bồi dưỡng sát với những nhu cầu thực tế, thông qua các dự án liên kết với các doanh nghiệp. Thứ hai đó là xây dựng một hình ảnh Đà Nẵng với nhiều ấn tượng đẹp với những ai đã từng đặt chân đến, với quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng quy củ, an toàn trật tự, người dân luôn hiền hòa mến khách; tích cực mở rộng các hoạt động xúc tiến quảng bá địa phương. Thứ ba là xây dựng những sản phẩm du lịch đặc biệt của riêng mình như lễ hội pháo hoa sông Hàn là một sự
kiện thu hút được rất nhiều sự chú ý. Điều đó một lần nữa cho thấy với chiến lược và tầm nhìn đúng hướng của mình, Đà Nẵng đang dần xây dựng thành công thương hiệu TP Du lịch cho riêng mình.