Khái niệm đầu tư phát triển du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 27)

CHƯƠNG 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

2.2.1.1.Khái niệm đầu tư phát triển du lịch địa phương trên địa bàn tỉnh

Đầu tư nói chung là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó. Nguồn lực phải hy sinh đó có thể là tiền, là tài nguyên thiên nhiên, là sức lao động và trí tuệ. Những kết quả sẽ đạt được có thể là sự tăng thêm các tài sản tài chính (tiền vốn), tài sản vật chất (nhà máy, đường sá, bệnh viện, trường học…), tài sản trí tuệ (trình độ văn hóa, chuyên môn, quản lý, khoa học kỹ thuật…) và nguồn nhân lực có đủ điều kiện làm việc với năng suất lao động cao hơn trong nền sản xuất xã hội.

Đầu tư phát triển là bộ phận cơ bản của đầu tư, là việc chi dùng vốn trong hiện tại để tiến hành các hoạt động nhằm làm tăng thêm hoặc tạo ra những tài sản vật chất (như nhà xưởng, thiết bị…) và tài sản trí tuệ (tri thức, kỹ năng…), gia tăng năng lực sản xuất, tạo thêm việc làm và vì mục tiêu phát triển.

Kết quả của đầu tư phát triển là sự tăng thêm về tài sản vật chất, tài sản trí tuệ, tài sản vô hình. Các kết quả của đầu tư phát triển góp phần làm tăng năng lực sản xuất của xã hội. Hiệu quả của đầu tư phát triển phản ánh quan hệ so sánh giữa

kết quả kinh tế xã hội thu được với chi phí chi ra để đạt được kết quả đó. Tùy thuộc từng trường hợp, kết quả và hiệu quả đầu tư phát triển có thể được xem xét trên phương diện chủ đầu tư hoặc xã hội, hoặc cả hai, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa các loại lợi ích.

Đầu tư phát triển du lịch tại địa phương chính là việc đầu tư tài sản vật chất và sức lao động để tiến hành các hoạt động nhằm tăng thêm hoặc tạo ra tài sản mới phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch nói riêng và đồng thời cho cả nền kinh tế nói chung. Đó chính là việc bỏ tiền ra để xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt chúng trên nền bệ, thực hiện các chi phí thường xuyên gắn liền với sự hoạt động của các tài sản này nhằm duy trì hoặc tăng thêm tiềm lực hoạt động của các cơ sở đang tồn tại, bổ sung tài sản và tăng thêm tiềm lực, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến các hoạt động quảng bá phục vụ cho hoạt động kinh tế du lịch của địa phương.

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 27)