Tài sản cố định huy động và năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 39)

CHƯƠNG 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

2.3.1.2.Tài sản cố định huy động và năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm

Tài sản cố định huy động là công trình hay hạng mục công trình, đối tượng xây dựng có khả năng phát huy tác dụng độc lập, đã kết thúc quá trình xây dựng và có thể đưa vào hoạt động được ngay. Tài sản cố định huy động có thể được huy động bộ phận hoặc toàn bộ. Huy động bộ phận là việc huy động từng đối tượng, từng hạng mục xây dựng của công trình vào hoạt động ở những thời điểm khác nhau do thiết kế quy định. Huy động toàn bộ là việc huy động cùng một lúc tất cả các đối tượng, hạng mục xây dựng không có khả năng phát huy tác đụng độc lập hoặc dự án không dự kiến cho phát huy tác dụng độc lập đã kết thúc quá trình xây dựng, mua sắm và có thể sử dụng ngay.

Năng lực sản xuất phục vụ tăng thêm là khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ của các tài sản cố định đã được huy động để sản xuất sản phẩm hoặc tiến hành các hoạt động dịch vụ khác được ghi trong dự án đầu tư. Trong đầu tư phát triển du lịch thì đó là khả năng phục vụ tăng thêm trong các hoạt động dịch vụ du lịch (đáp ứng được nhu cầu của nhiều du khách hơn) nhờ sự tăng thêm của tài sản cố định huy động/nhân lực.

Cụ thể trong đầu tư phát triển du lịch:

- Đối với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế du lịch: kết quả của hoạt động đầu tư có thể được đo bằng tổng giá trị tài sản cố định huy động; hoặc các tài sản cố định cụ thể được huy động như các công trình cơ sở hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng, số km đường được đưa vào sử dụng mới, mạng lưới điện, nước, hệ thống thông tin được mở rộng…

- Đối với đầu tư phát triển kinh doanh du lịch: kết quả của hoạt động đầu tư có thể được đo bằng giá trị tài sản cố định huy động, số lượng công trình tăng thêm, số buồng phòng tăng thêm (kinh doanh lưu trú), số lượng sản phẩm du lịch tăng thêm (kinh doanh lữ hành), năng lực vận chuyển tăng thêm (kinh doanh vận chuyển).

- Đối với đầu tư phát triển nhân lực du lịch: kết quả của hoạt động đầu tư có thể được đo bằng tổng số nhân lực phục vụ du lịch tăng thêm hoặc số nhân lực tăng thêm theo cơ cấu về trình độ hoặc kỹ năng công việc (hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ buồng/phòng, nhân viên phục vụ ăn uống, quầy bar…)

- Đối với đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch: kết quả của hoạt động đầu tư có thể được đo bằng số các chương trình xúc tiến quảng bá, các phương tiện xúc tiến quảng bá mới.

- Đối với đầu tư gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa: kết quả của hoạt động đầu tư có thể được đo bằng số các công trình được tu bổ, các chương trình, dự án được tổ chức nhằm mục đích gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa (như các chương trình lễ hội, dự án phát triển làng nghề), năng lực đón tiếp du khách của các di tích tăng thêm, năng lực sản xuất tăng thêm của các làng nghề truyền thống…

Một phần của tài liệu Đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 2020 (Trang 39)