Tính chịu rét

Một phần của tài liệu giáo trình Sinh lí học thực vật (Trang 169)

C 18H26O 2+ 26O2 → 18O 2+ 18H2O

4.Tính chịu rét

4.1. Định nghĩa

Là khả năng của cây chịu được tác động của rét trong thời gian dài. Thực vật ôn đới chịu rét tốt, thực vật á nhiệt đới và nhiệt đới chịu rét kém. Mức độ chịu rét là khác nhau tuỳ theo giống, loài và theo pha phát triển của cá thể thực vật. Tại Việt Nam vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường có các đợt gió mùa đông bắc gây rét, ở một số địa phương miền núi phía bắc, có khi nhiệt độ không khí hạ xuống đến gần 0oC. Nhiệt độ tụt xuống đến 10-12oC (rét hại) đã gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành trồng trọt, nhất là trà mạ lúa đông xuân thường bị chết nhiều.

4.2. Phân biệt hai mức tác động của nhiệt độ thấp

Phân biệt hai mức chịu nhiệt độ thấp tương ứng với mức chống chịu của thực vật: chống chịu nhiệt độ dương thấp (>0oC) gọi là tính chịu rét và chống chịu nhiệt độ thấp dưới 0oC gọi là tính chịu băng giá.

4.3. Tác hại của rét đối với cơ thể thực vật

Đa số các thực vật nhiệt đới có giới hạn nhiệt độ thấp bị hại là 10-12oC. Dưới nhiệt độ đó, các cây trồng có thể chết. Các thực vật nhiệt đới mẫn cảm với nhiệt độ thấp hơn nhiều so với thực vật ôn đới. Các cây trồng ôn đới có nhiệt độ thấp gây hại khoảng 0-5oC. Tuy nhiên nhiều thực vật qua được mùa đông trong điều kiện tuyết phủ và đóng băng. Cây thông có thể tồn tại suốt mùa đông ở -40oC nhưng chúng chết vào mùa hè khi nhiệt độ hạ xuống 1-2oC…vì mùa đông chúng ở trong tình trạng ngủ nghỉ nên có khả năng chịu lạnh tốt hơn…

- Tác hại của lạnh còn phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây. Thực vật ở trạng thái ngủ nghỉ có khả năng chịu lạnh tốt nhất.

Hệ thống chất nguyên sinh bị thương tổn

- Độ nhớt chất nguyên sinh tăng mạnh khi gặp lạnh làm cản trở các hoạt động sống trong tế bào.

-Hệ thống màng sinh học trong chất nguyên sinh bị thương tổn. Đây có thể xem là biến đổi quan trọng nhất có thể gây ra sự chết cho cây. Đối với thực vật kém chịu lạnh thì nhiệt độ hạ thấp làm thay đổi trạng thái của màng từ trạng thái lỏng sang trạng thái rất linh động, hoạt động sống mạnh, chuyển sang trạng thái đông đặc lại kém linh động và không duy trì hoạt động bình thường. Nhiệt độ tại đó trạng thái màng chuyển từ lỏng sang rắn gọi là nhiệt độ chuyển pha. Mỗi thực vật có một nhiệt độ chuyển pha nhất định. Với thực vật mẫn cảm nhiệt độ, nhiệt đô chuyển pha khoảng 10-12oC. Các thực vật chịu lạnh có nhiệt độ chuyển pha thấp hơn nhiều. Dưới nhiệt độ chuyển pha thì cấu trúc màng bị phá huỷ và phá huỷ các quá trình trao đổi chất và năng lượng trong tế bào và trong cây.

Thành phần lipit cấu trúc màng có ý nghĩa quan trọng quyết định tính bền vững của màng.

Các hoạt động sinh lý bị ức chế mạnh

- Quang hợp bị giảm mạnh vì lục lạp và diệp lục bị phá huỷ, sản phẩm quang hợp ứ đọng trong lá…

- Hô hấp bị ức chế nên thiếu năng lượng cho hoạt động sống và chống rét.

- Cân bằng nước phá huỷ, cây mất cân bằng nước dẫn đến hạn sinh lý và bị héo. Nhiều cây trồng khi nhiệt độ hạ thấp dưới 10oC thì bị héo và chết…

- Dòng vận chuyển chất hữu cơ bị kìm hãm làm giảm năng suất kinh tế…

Quá trình sinh trưởng phát triển và hình thành năng suất cũng bị ức chế mạnh

- Lạnh làm chậm sự nảy mầm của hạt, chậm sinh trưởng, giảm khả năng đẻ nhánh…

- Hạt phấn không nảy mầm, ống phấn không sinh trưởng được nên thụ tinh không thực hiện được, hạt lép và giảm năng suất nghiêm trọng.

Tuỳ theo mức độ giảm nhiệt độ và khả năng chịu lạnh mà năng suất giảm nhiều hay ít.

4.4. Kiểu thích nghi của thực vật đối với tác động của rét

Những cây chịu rét duy trì được tính ổn định của màng, có tỷ lệ cao các axit béo không no. Tế bào chất của thực vật chịu rét có khả năng giữ nước cao, tổng hợp các chất thẩm thấu như axit amin prolin, saccarose và đặc biệt hình thành các protein gây sốc.

4.5. Biện pháp khắc phục tác hại của rét cho cây trồng

Ngoài biện pháp cơ bản là chọn tạo các giống cây trồng chịu rét, các biện pháp nông sinh có thể có átc dụng giúp cây biểu hiện tiềm năng di truyền về chống chịu, giảm thiểu tác hại của rét đối với đời sống cây trồng. Chuyển dịch mùa vụ là biện pháp khả thi

tránh tác động của rét đối với cây trồng kém chịu rét. Có thể tăng khả năng chịu rét của thực vật nhiệt đới bằng cách luyện hạt đã nhú mầm ở nhiệt độ thấp (1-5oC) trong thời gian 12giờ và ở nhiệt độ cao hơn (10-20oC). Bón phân hợp lý như bón phân kali, photpho không bón nitơ khi cây đang bị rét tác động. Có thể sử dụng các nguyên tố vi lượng khoảng 0,25% hay dung dịch nitrat amon đối với hạt cây bông ngâm trong hai giờ hoặc dùng dung dịch xytokinin.

Một phần của tài liệu giáo trình Sinh lí học thực vật (Trang 169)