Nguyên tắc tuân thủ lý luận về giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Biện pháp Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường THPT thuộc huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội (Trang 64)

- Đảm bảo tính thực tiễn

Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động của con người, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của xã hội, làm biến đổi tự nhiên và xã hội. Do đó thực tiễn là nguồn gốc, động lực, mục tiêu và là tiêu chuẩn để đánh giá hoạt động của con người. Trong công tác quản lý nói chung, quản lý hoạt động GDĐĐ cho học sinh ở trường THPT nói riêng, quan điểm thực tiễn là luận điểm quan trọng của phương pháp luận, nó yêu cầu hoạt động quản lý phải bám sát quá trình phát triển của thực tiễn đầy biến động. Vì vậy, việc xác lập các biện pháp quản lý hoạt động GDĐĐ cho học sinh và tổ chức thực hiện các biện pháp đó cần phải đảm bảo tính thực tiễn. Tính thực tiễn của các biện pháp được thể hiện ở nội dung, cách thức tiến hành, điều kiện thực hiện gắn với thực trạng GDĐĐ cho học sinh và mục tiêu quản lý hoạt động này của mỗi nhà trường.

- Đảm bảo tính phù hợp

Các biện pháp quản lý GDĐĐ cho học sinh ở các trường THPT chỉ có thể phát huy tác dụng tốt khi được vận dụng một cách hợp lý. Căn cứ vào mục tiêu đề ra, trong từng thời điểm và điều kiện thực tế về nguồn lực, thực trạng của hoạt động GDĐĐ cho học sinh để xác lập các biện pháp và tổ chức thực hiện ưu tiên đối với từng biện pháp cụ thể sao cho phù hợp. Tính phù hợp còn thể hiện ở sự cân đối các điều kiện nguồn lực đảm bảo cho nội dung biện pháp được thực hiện. Do vậy, việc xác lập các biện pháp quản lý cần tính đến các điều kiện tương ứng và bám sát vào mục tiêu để khhi vận dụng đảm bảo tính hợp lý, nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động GDĐĐ cho học sinh.

- Đảm bảo tính hiệu quả

Hiệu quả của hoạt động quản lý luôn gắn với mục tiêu. Việc xác định mục tiêu rõ ràng là cơ sở để xác lập các biện pháp và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào mục tiêu cần đạt vẫn chưa thể đảm bảo được tính hiệu quả trong hoạt động. Xét về lý luận, việc đạt được mục tiêu là khẳng định sự thành công, nhưng hiệu quả còn phụ thuộc vào việc tổ chức thực hiện để tiến tới mục tiêu đó. Trong thực tế, sự thành công có thể không đem lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Vì vậy, đi cùng với đảm bảo điều kiện để thành công khi xác định mục tiêu, công tác quản lý còn đòi hỏi tính hiệu quả khi tổ chức thực hiện mục tiêu đó. Tính hiệu quả của các biện pháp quản lý được xác định bởi hai yếu tố cơ bản sau: Thực trạng ban đầu của hoạt động quản lý (tổ chức thực hiện) và sự chuyển biến tích cực của hoạt động này (kết quả). Sự chênh lệch giữa yếu tố kết quả và thực trạng ban đầu của hoạt động quản lý GDĐĐ chính là hiệu quả của hoạt động. Việc xác lập các biện pháp quản lý hoạt động GDĐĐ và tổ chức thực hiện các biện pháp đó phải đạt được sự tăng cường hoạt động GDĐĐ chính là thước đo hiệu quả và đồng thời thể hiện tính hiệu quả của việc tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động GDĐĐ.

Một phần của tài liệu Biện pháp Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường THPT thuộc huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w