BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN OUTSOURCING TẠI VIỆT NAM
3.1.2.3 Tình hình outsourcing về kiến thức
So với ITO và BPO, thì tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ KPO cũng như các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này trên thế giới thấp hơn rất nhiều. Ở Việt Nam, lĩnh vực còn rất mới mẻ và chưa được phát triển, nguyên nhân lớn nhất là do rất ít các doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia vào thị trường này. Để có thể cung cấp dịch vụ KPO, doanh nghiệp không phải chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại (ví dụ như các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị đắt tiền, hệ thống vân hành...) mà còn phải có cả một đội ngũ lao động tri thức cao. Hơn thế nữa, việc giành được hợp đồng KPO từ các đối tác bên ngoài không phải là điều đơn giản đối với một doanh nghiệp mới bởi các bên ủy thác dịch vụ này thường tìm đến những doanh nghiệp lớn, có uy tín lâu năm.
Dịch vụ: Tại Việt Nam, trong lĩnh vực KPO đã xuất hiện về dịch vụ outsourcing về chiến lược (Strategic Outsourcing -SO) từ năm 2007 khi IBM mở Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu (GBC) đầu tiên tại T.p Hồ Chí Minh. Từ đây, các nhân viên IBM là người Việt Nam sẽ nhận, điều phối và phát triển phần mềm cho nhiều đơn đặt hàng trên toàn cầu. Strategic Outsourcing này đang có cơ hội phát triển khi càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến outsourcing không chỉ để quản lý mà còn tối ưu hoá hạ tầng CNTT nhằm đạt các mục tiêu kinh doanh. Với các giải pháp SO dành cho ngành dược phẩm, một công ty dược có thể uỷ thác việc quản lý hạ tầng CNTT cho một công ty công nghệ để dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho các hoạt động kinh doanh chính như nghiên cứu và phát triển dược phẩm mới. Với một ngân hàng, hợp đồng outsource các dịch vụ bao gồm nâng cấp năng lực hệ thống CNTT và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tăng trưởng cùng với đạt các tiêu chuẩn thế giới. Một công ty công nghệ có thể cùng tham gia với một công ty bảo hiểm để thiết kế, quản lý một dịch vụ bảo hiểm mới, có nghĩa là cùng chịu rủi ro. Sản phẩm bảo hiểm có lãi, công ty công nghệ được hưởng lợi và ngược lại, phải chia sẻ thất bại nếu làm ăn thua lỗ. Năm 2008, mạng di động HT Mobile đã ký hợp đồng mua thiết bị đồng thời chuyển giao việc vận hành và quản lý mạng lưới cho hãng thiết bị viễn thông Thụy Điển để sử dụng dịch vụ SO. Khi thực hiện SO, quan hệ giữa HT Mobile và hãng thiết bị viễn thông Thụy Điển là chia sẻ rủi ro, gắn chặt với cam kết cấp độ dịch vụ đem lại giá trị thực chứ không chỉ tiềm năng. Một trong những đặc điểm đáng chú ý của SO là khi hợp đồng được ký kết, bộ phận CNTT của doanh nghiệp sẽ được chuyển giao cho nhà cung cấp dịch vụ giải pháp.
Đối tác: Tại Việt Nam, giờ đang là giai đoạn tăng sự hiểu biết (về SO). Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ KPO chủ yếu là các chi nhánh của công ty đa quốc gia. Khách hàng của những công ty này cũng là những khách hàng chính của các doanh nghiệp ở nước ngoài. Ví dụ như các Trung tâm dịch vụ của IBM Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam dưới hợp đồng toàn cầu.