BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN OUTSOURCING TẠI VIỆT NAM
3.1 TỔNG QUAN VỀ OUTSOURCING TẠI VIỆT NAM 1 Sự hình thành và phát triển outsourcing tại Việt Nam
3.1.1 Sự hình thành và phát triển outsourcing tại Việt Nam
Chưa có một thống kê chính thức nào về sự hình thành và phát triển của outsouring tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu, bài báo liên quan của người viết luận văn thì outsourcing tại Việt Nam được xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực ITO, đặc biệt là outsourcing về phần mềm. Khi công nghiệp phần phềm của Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc vào khoảng năm 2000 thì các công ty CNTT trong nước cũng đã nhận định outsourcing là một thị trường chính khác. Theo như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam – VINASHA) từ năm 2000, các doanh nghiệp CNTT trong nước đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ outsourcing ( Infotv, 2008). Outsourcing phần mềm là dịch vụ phát triển nhất trong lĩnh vực ITO ở Việt Nam kể từ năm 2000 cho đến nay. Cũng chính vì thế trong suốt một thời gian dài, outsourcing ở Việt Nam được mặc nhiên coi là software outsourcing – gia công phần mềm. Các lĩnh vực khác như BPO hay KPO vẫn hầu như chưa phát triển trong giai đoạn này cho đến khi khái niệm BPO được nhắc tới vào cuối năm 2005. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BPO, KPO có “hàm lượng chất xám” cao như dịch vụ phân tích tài chính, kết toán chủ yếu vẫn là các công ty có nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Những công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực BPO chủ yếu cung cấp các dịch vụ đơn giản hơn như chăm sóc khách hàng hoặc tư vấn bán hàng qua điện thoại. Sau một giai đoạn phát triển mạnh về số lượng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ outsourcing (2000 -2007), số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, đặc biệt là đối với outsourcing về phần mềm bắt đầu ít dần đi do không có sự định hướng cụ thể. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mở ra chỉ thực hiện những những hợp đồng lại của các doanh nghiệp lớn dựa trên sự quen biết. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng dịch vụ outsourcing của các doanh nghiệp lớn trên thế giới ngày càng tăng, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và cải thiện về cơ sở hạ tầng, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp
sử dụng outsourcing trên thế giới.