Về địa lý thị trường: Địa lý thị trường thể hiện ở vị trí của thị trường và khoảng cách từ người sản xuất đến thị trường. Địa lý thị trường là cơ sở để phát triển một cấu trúc kênh phân phối bao phủ hoàn toàn thị trường và cung cấp dòng sản phẩm hiệu quả cho các thị trường đó. Khoảng cách giữa nhà sản xuất và thị trường của nó càng lớn thì càng có khả năng sử dụng trung gian sẽ có chi phí thấp hơn phân phối trực tiếp. Đối với nước mắm 584 Nha Trang khoảng cách từ Công ty đến khách hàng là khá lớn do khách hàng của Công ty ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tại khu vực miền Nam có tất cả là 17 tỉnh thành, và 2 thành phố. Trong khi sản phẩm của công ty đã có mặt tại 13 tỉnh thành và hai thành phố lớn chỉ còn tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bình Phước là công ty chưa có đại lý. Vì vậy, công ty phải có một kênh phân phối rộng để đưa sản phẩm của mình đến khách hàng.
Quy mô thị trường: Số lượng khách hàng xác định quy mô của thị trường. Thị trường có số lượng khách hàng càng lớn thì việc sử dụng trung gian lại càng cần thiết. Ngược lại, nếu thị trường có số lượng khách hàng nhỏ nhưng quy mô của khách hàng lớn thì công ty nên bán trực tiếp tránh sử dụng trung gian.
Đối với nước mắm 584 Nha Trang tại thị trường miền Nam, lượng khách hàng vừa và không tập trung do vậy Công ty bắt buộc phải sử dụng các trung gian trong tổ chức kênh phân phối của mình để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng cuối cùng.
Mật độ thị trường: Số lượng khách hàng trên một đơn vị diện tích xác định mật độ thị trường. Mật độ thị trường càng thấp thì phân phối càng khó khăn và tốn kém. Nói cách khác, thị trường càng phân tán thì càng cần sử dụng các trung gian và ngược lại, thị trường càng tập trung thì càng nên sử dụng ít trung gian.
Hiện nay, các sản phẩm của công ty chiếm khoảng 1/6 sản lượng bán ra tại miền Nam và được phân phối rộng khắp qua hệ thống phân phối tại miền Nam.
Tại thị trường này đặc biệt là khu vực Tp. HCM đây là vùng kinh tế có nhiều tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo động lực
phát triển kinh tế chung của Việt Nam. Dân số đông khoảng 7,5 triệu người theo “ Niên giám thống kê năm 2011, cục thống kê Tp. HCM” với mức thu nhập của người tiêu dùng cũng thuộc dạng cao nhất cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người là trên 3.000 USD/ năm đây là điều kiện để công ty có thể thâm nhập và phát triển các mặt hàng có chất lượng cao. Đồng thời đây là một khu kinh tế trung tâm của miền Nam, có nhiều công ty xí nghiệp trong và ngoài nước hoạt động kinh doanh, có hệ thống trên 100 siêu thị và các chợ đầu mối, cửa hàng, đại lý… có thể nói đây là một lợi thế cho công ty phát triển sản phẩm tại khu vực này.
Theo dự tính với số lượng dân số như trên nếu khoảng 50% trong đó sử dụng nước mắm thường xuyên và bình quân khoảng 5 lít/người/năm thì lượng tiêu thụ khoảng gần 20 triệu lít với giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tại thị trường này vẫn còn thấp. Vì vậy để củng cố cũng như phát triển thương hiệu ở khu vực này thì công ty cần tăng số lượng trung tâm phân phối đại lý, cửa hàng bán lẻ, siêu thị để bao phủ toàn bộ thị trường.
Hành vi của thị trường: Hành vi thị trường thể hiện ở bốn loại sau: Người tiêu dùng mua như thế nào? Mua ở đâu? Mua khi nào? Ai mua? Mỗi hành vi của khách hàng có thể có những ảnh hưởng khác nhau đến cấu trúc kênh. Khách hàng của công ty tại khu vực miền Nam việc mua hàng không theo tính thời vụ và thường mua với số lượng nhỏ, tại các cửa hàng bán lẻ, các sạp trong chợ và siêu thị… do vậy kênh phân phối cần phải phân bố rộng.