Trên tổng thể, nguồn vốn do TNCs đầu tư vào Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tạo dựng được cơ sở quan trọng cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Cụ thể :
* Cung cấp một nguồn vốn quan trọng cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước.
Nhu cầu vốn lớn đòi hỏi phải khai thác cả trong và ngoài nước dưới mọi hình thức. Cùng với nguồn vốn ODA và vốn đi vay khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài của TNCs trở thành nguồn vốn quan trọng nhất đối với các nước có điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển kinh tế, đang cần vốn, cần công nghệ và kỹ năng quản lý như Việt Nam. Thu hút nguồn vốn từ TNCs sẽ là kênh đầu tư nhằm giảm bớt việc vay nợ nước ngoài với nhiều rủi ro và mạo hiểm, lãi suất cao, thời hạn cho vay ngắn. Nhờ nguồn vốn này, nhiều nguồn lực bên trong được khai thác (nguồn tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ con người…. ) và được sử dụng hiệu quả. Việc tham gia đầu tư của TNCs tại Việt Nam có khả năng huy động các nguồn vốn khác, đặc biệt là vốn đầu tư của các DN Việt Nam, vốn nhàn rỗi trong dân cư ... Rõ ràng, TNCs tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, góp phần phân bổ các nguồn lực và cơ cấu lại đầu tư; tạo môi cạnh tranh cao hơn… Song, hơn hết là sự đóng góp và tạo dựng nguồn vốn quan trọng phục vụ quá trình CNH, HĐH đất nước. Theo ước tính, cứ 1 USD bên ngoài bỏ vào nền kinh tế thì có thể huy động được 3 USD vốn trong nước.
Theo số liệu của Vụ Quản lý dự án - Bộ Kế hoạch & Đầu tư, từ năm 1988 đến năm 2001, có khoảng 90 TNCs lớn đã đầu tư vào Việt Nam với 147 dự án và tổng vốn đầu tư của các công ty này là 6,142 tỷ USD (chiếm 30% tổng vốn FDI). Như vậy, số vốn trung bình cho mỗi dự án khoảng 41 triệu USD.
Trong giai đoạn 2001-2005, cùng với sự phục hồi của dòng vốn FDI, nhiều TNCs đã quay trở lại đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam với những dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại như nhà máy thép không gỉ 700 triệu USD, dự án phát triển mạng điện thoại di động CDMA gần 600 triệu USD, dự án đầu tư nghiên cứu sản xuất thiết bị âm thanh siêu nhỏ của tập đoàn Sonion, dự án mở rộng sản xuất của Canon… Tính đến năm 2005 đã có 102 TNCs thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 10,6 tỷ USD.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết năm 2006 có trên 6.300 dự án FDI còn hiệu lực. Trong đó, có 106 TNCs nằm trong 500 TNCs lớn nhất thế giới đầu tư vào 214 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,09 tỷ USD, thực hiện là 8,59 tỷ USD, chiếm 20% trên tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam.