Loại hình của các Công ty xuyên quốc gia hoạt động tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Sự thâm nhập của các Công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam (Trang 62)

Các công ty xuyên quốc gia hoạt động tại Việt Nam phần lớn đều thuộc loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ

Xét trên chỉ tiêu về quy mô vốn, trình độ công nghệ, phạm vi ảnh hưởng trên thị trường thế giới… thì Việt Nam còn quá ít TNCs lớn. Ngoài 106 tập đoàn đa quốc gia trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới - theo xếp hạng của tạp chí Fortune năm 2006, với 214 dự án, 11,09 tỷ USD vốn đăng ký và 8,59 tỷ USD vốn thực hiện [45] (vốn đăng ký trung bình 50 triệu USD/dự án), còn lại phần lớn FDI do trên 400 TNCs không nằm trong danh sách 500 TNCs lớn nhất thế giới đầu tư vốn dưới 20 triệu USD/dự án. Trong khi dựa trên quy mô của các dự án để đánh giá loại hình TNCs, thì lượng vốn đầu tư nhỏ hơn 20 triệu USD/dự án, TNCs đó được xếp vào dạng vừa và nhỏ trên thế giới. Như vậy, tính ở mức độ trung bình thì đa số TNCs đầu tư vào Việt Nam ở loại hình vừa và nhỏ. Do vậy, lĩnh vực đầu tư chủ yếu không thể là những ngành công nghệ cao, đòi hỏi vốn lớn mà là các ngành lắp ráp điện tử; sản xuất phụ kiện điện tử, dệt may; chế biến nông, lâm, hải sản; dịch vụ du lịch… Trong khi ở Malaixia và Trung Quốc các dự án được đầu tư bởi TNCs phần nhiều có mức vốn trên 20 triệu USD/dự án. Thực tế đầu tư của TNCs tại Việt Nam như vậy là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, lợi thế so sánh của Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động và nguyên liệu rẻ, nhu cầu thị trường về hàng hoá cao cấp còn hạn hẹp. Những ngành sản xuất tận dụng lợi thế này đa phần là các ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên vật chất nên công nghệ được chuyển giao thường không cao. Trong điều kiện toàn cầu hoá, khi lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế chuyển trọng tâm sang các ngành có hàm lượng cao về công nghệ và tri thức thì theo lôgíc của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn cầu, phần thâm nhập vào thị trường Việt Nam chủ yếu là TNCs vừa và nhỏ.

Thứ hai, như đã phân tích ở trên, đầu tư và chu chuyển thương mại ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu bởi TNCs châu Á. Do đó, xuất phát từ thực trạng của TNCs châu Á: quy mô tài chính, trình độ công nghệ, quản lý … còn thấp so với TNCs Bắc Mỹ, châu Âu và đặc biệt do đặc điểm của nền kinh tế châu Á với sự phổ biến của kết cấu kinh tế hai tầng; trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn, nên quá trình thâm nhập vào thị trường Việt Nam chủ yếu dưới quy mô vừa và nhỏ.

Thứ ba, sự yếu kém về hạ tầng cơ sở, môi trường đầu tư, năng lực lập và thẩm định dự án …của phía Việt Nam đang còn nhiều bất cập so với yêu cầu từ phía đối tác là TNCs lớn.

Một phần của tài liệu Sự thâm nhập của các Công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)